Bối cảnh thị trường đang mở ra cơ hội lớn cho gạo Việt
Sự trở lại ấn tượng của gạo Việt Nam Gạo Việt lại được "trao" cơ hội lớn Indonesia muốn nhập thêm 900.000 tấn gạo trong 4 tháng cuối năm |
Bối cảnh thị trường đang mở ra cơ hội lớn cho gạo Việt. |
Cơ hội rộng mở tại thị trường Nhật Bản
Ngày 30/7, Bộ Nông nghiệp Nhật Bản cho biết lượng gạo tồn kho của khu vực tư nhân tại nước này đã giảm xuống còn 1,56 triệu tấn vào tháng 6, mức thấp nhất kể từ khi bắt đầu thu thập dữ liệu so sánh vào năm 1999 và giảm khoảng 20% so với năm trước.
Tại các siêu thị, mỗi người dân chỉ được mua lượng gạo nhất định, thường giới hạn 1-2 bao, giá cũng tăng mạnh. Trao đổi với phóng viên Doanhnhanvn.vn, chị Mã Thị Thuyên, công dân Việt Nam đang sinh sống tại Nagahama, Shiga, Nhật Bản cho biết: “Bên này đang cháy hàng gạo, nhất là các khu trung tâm Tokyo, Osaka, Kobe… và nhiều nơi khác. Giờ mọi người ai cũng đi tìm mua gạo ở siêu thị mà hầu như gian hàng nào cũng không còn. Có siêu thị còn gạo thì cũng quy định mỗi người chỉ được mua 1 bao. Với giá thì tăng 10-20%, thậm chí 50%”.
“Nếu quy đổi sang VND, trước giá 1 bao gạo 5kg khoảng 274.000 đồng, còn hiện tại tăng lên khoảng 531.000 đồng”, chị Thuyên cho hay.
Hiệp hội bán lẻ gạo Nhật Bản (JRRA) cho biết, nhiệt độ cao của năm ngoái đã làm giảm chất lượng và giảm năng suất trồng lúa gạo. Điều đó có nghĩa là lượng gạo làm lương thực chính sẽ khan hiếm hơn.
Theo Bộ Nông nghiệp Nhật Bản, nguyên nhân là do hoạt động thu hoạch lúa gạo năm 2023 bị ảnh hưởng và lượng khách du lịch nước ngoài đổ xô đến Nhật Bản khiến nhu cầu tăng mạnh.
Cũng theo Bộ này, lượng gạo tồn kho của khu vực tư nhân đã giảm xuống còn 1,56 triệu tấn vào tháng 6, giảm 20% so với cùng kỳ năm trước và là mức thấp nhất kể từ năm 1999. Hầu hết lượng gạo thu hoạch trong năm nay vẫn chưa được đưa ra thị trường và lượng gạo tồn kho năm ngoái đã giảm xuống mức dự trữ tối thiểu, cả hai yếu tố này đều góp phần dẫn tới tình trạng thiếu hụt hiện nay.
Vụ thu hoạch lúa năm nay cũng đang được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng bởi thời tiết nắng nóng, ít nhiều sẽ tác động tới các nhà sản xuất và người tiêu dùng. Thị trường gạo tại Nhật Bản có thể lại phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung sớm hơn dự kiến trong năm tới và xu hướng tăng giá gạo được dự báo sẽ còn tiếp tục.
Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp và Thủy sản Nhật Bản dự báo, tình trạng thiếu gạo sẽ được giảm bớt vào tháng 9 khi các vụ mùa mới được thu hoạch. Tình trạng này sẽ chấm dứt vào tháng 10 và tháng 11.
Trước bối cảnh đó, đại diện một doanh nghiệp, cho biết đây là một cơ hội, nhưng Việt Nam muốn vào được thì cần phải thay đổi nhiều. Còn hiện tại nếu họ thiếu thì sẽ nhập của Mỹ, Thái Lan.
Trong một góc nhìn khác, PGS TS Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Kinh tế quốc dân nhận định: “Với tình huống này có thể Nhật Bản đang có nhu cầu cao trong nhập khẩu gạo. Tuy nhiên, quốc gia này không công bố lượng gạo dự trữ cho nên sự khan hiếm đó cần được xác minh đầy đủ và tin cậy.
Nhật Bản còn có nhiều đồng minh quan trọng có khả năng hỗ trợ hiệu quả như: Mỹ, nơi có nguồn lương thực hùng hậu. Hơn nữa, nhiều quốc gia cũng có khả năng xuất khẩu gạo ngoài Việt Nam. Do đó, thị trường này cũng có nhiều lựa chọn nguồn gạo cung ứng. Đây cũng có thể là cách thức để Nhật không vội vàng nhập khẩu nhiều gạo từ một thị trường, giúp duy trì vị thế đàm phán mặc dù đang ở thế bất lợi.
Việt Nam cần coi trọng xúc tiến xuất khẩu gạo sang thị trường này với loại chất lượng cao nhất, giá đắt nhất. Đồng thời nên tìm hiểu thật kỹ nhu cầu nhập khẩu gạo của đối tác để đáp ứng với nhiều hàng rào kỹ thuật, vệ sinh kiểm dịch khắt khe. Ngoài ra, chúng ta nên quảng bá quy trình sản xuất gạo và tìm đối tác nhập khẩu tại Nhật Bản để tham vấn tiêu chuẩn cẩn thận, chủ động, tích cực nhằm nắm bắt cơ hội xuất khẩu gạo theo tiêu chuẩn xanh, bền vững, hữu cơ, dinh dưỡng và đặt dưới sự kiểm soát của đối tác để giao thương thành công”.
“Đây thực sự là cơ hội rất lớn cho ngành gạo Việt Nam phát triển ngoài mức kỳ vọng, do đó cần khai thác triệt để, mạnh mẽ”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Tăng chất, tăng cả lượng
Việt Nam là nước xuất khẩu gạo đứng thứ ba thế giới. |
Là nước xuất khẩu gạo đứng thứ ba thế giới, Việt Nam cần chú trọng đến mức giá xuất khẩu với những mặt hàng gạo chất lượng cao. Đây là phân khúc hướng tới sự bền vững cho ngành hàng này.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, nửa đầu năm nay, gạo là mặt hàng đứng thứ 5 về kim ngạch xuất khẩu trong ngành Nông nghiệp (sau gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, rau quả, cà phê), đồng thời cũng là một trong những mặt hàng ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 6 tháng đầu năm 2024, cả nước thu hoạch 3,48 triệu ha lúa, tăng 0,5% so cùng kỳ năm 2023; năng suất bình quân 67,1 tạ/ha, tăng 0,7 tạ/ha; sản lượng trên diện tích đã thu hoạch đạt 23,3 triệu tấn, tăng 1,6%.
Sản lượng lúa gạo tăng là tiền đề cho gạo đạt lượng lớn xuất khẩu trong bối cảnh nhu cầu gạo thế giới đang tăng cao. Nửa đầu năm 2024, xuất khẩu gạo cả nước đạt 2,98 tỷ USD, tăng 10,4% về lượng nhưng tăng tới 32% về giá trị.
Theo dự báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2023 - 2024 sẽ đạt gần 518 triệu tấn, trong khi tổng mức tiêu thụ là 525 triệu tấn. Như vậy, dự báo thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 7 triệu tấn gạo trong năm 2024. Điều này tạo ra cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam.
Các thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam hiện nay là Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Ghana, Malaysia, Singapore… Trong đó, thị trường Philippines chiếm hơn 38% tổng lượng gạo xuất khẩu. Tuy nhiên, thời gian tới vẫn phải chú trọng tới sản lượng bởi tác động của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu là điều không thể lường trước.
Chính vì thế, Việt Nam cần đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu gạo, đảm bảo chất lượng và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, việc tăng cường nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất gạo, cũng như cải thiện quy trình bảo quản và vận chuyển sẽ giúp Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế.
Mặc dù nhiều thuận lợi, song các chuyên gia dự báo, nửa cuối năm, mặt hàng lúa gạo sẽ đối diện với thách thức khi Ấn Độ gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo. Bên cạnh đó, hạn mặn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cũng là khó khăn mà ngành lúa gạo cần có giải pháp để duy trì tăng trưởng.Nhiều chuyên gia nhận định, xuất khẩu gạo Việt Nam tăng mạnh từ đầu năm đến nay do giá xuất khẩu gạo tăng. Điều thúc đẩy giá gạo tăng là vì Ấn Độ có lệnh cấm xuất khẩu gạo do sản xuất lúa gạo năm nay của quốc gia này đối diện nhiều khó khăn. Hiện, Ấn Độ chiếm tới 40% sản lượng gạo toàn cầu.
Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường cho biết, việc Ấn Độ gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo sẽ tác động mạnh mẽ đến các nước xuất khẩu, trong đó có Việt Nam. Theo đó, giá và lượng gạo Việt xuất khẩu sẽ chịu tác động nên các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần chủ động giải pháp khi thị trường Ấn Độ xuất khẩu trở lại. Ngoài ra, sản xuất lúa gạo trong nước cũng đối diện hạn mặn xâm nhập.
Về vấn đề này, Bộ NN&PTNT đang yêu cầu các tỉnh có diện tích xâm nhập mặn thống kê để có phương án sản xuất; chỉ đạo Cục Trồng trọt ban hành tiêu chuẩn về nguồn đất và nguồn nước, tránh xảy ra tình trạng nhiễm mặn.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Đỗ Hà Nam khuyến cáo, các doanh nghiệp cần liên kết các hợp tác xã, hộ dân tập trung vào nhóm lúa gạo chất lượng cao nhằm bảo đảm việc xuất khẩu thuận lợi. Thời điểm này là cơ hội lớn cho lúa gạo Việt Nam khẳng định vị thế trên thị trường thế giới. Là nước xuất khẩu gạo đứng thứ ba thế giới, Việt Nam cần chú trọng hơn nữa đến giá xuất khẩu với những mặt hàng gạo chất lượng cao. Đây là phân khúc phải hướng tới nhằm tạo sự bền vững cho ngành hàng này.
Đề cập về giải pháp thúc đẩy xuất khẩu gạo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng thông tin: từ nay đến cuối năm, Bộ phối hợp các bộ, ngành, địa phương rà soát kế hoạch để thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 2/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả; thực hiện Chỉ thị số 03/CT-BCT của Bộ Công Thương về việc đẩy mạnh hoạt động phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ mặt hàng gạo trong tình hình mới.
Còn theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, Bộ NN&PTNT tiếp tục phối hợp Bộ Công Thương, các tỉnh, thành phố tổ chức hội nghị đánh giá về tình hình sản xuất lúa gạo trong nước và xuất khẩu gạo những tháng cuối năm; cùng các bộ, ngành lắng nghe khó khăn trong sản xuất và xuất khẩu để có những đề xuất, giải pháp kịp thời.
Hai khách hàng chính của gạo Việt tiếp tục có nhu cầu lớn Philippines nước nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam mới nhập khẩu được 2,7 triệu tấn gạo trong 8 tháng của năm 2024. Trong khi nhu cầu nhập khẩu gạo của nước này trong năm nay lên tới khoảng 4,5 triệu tấn. Báo chí Philippines dẫn lời Bộ trưởng Nông nghiệp Francisco P. Tiu Laurel, Jr. cho biết: Trong 3 tháng qua (từ tháng 6 - 8), mỗi tháng nước này chỉ nhập khẩu khoảng 150.000 tấn gạo trong khi trước kia lượng nhập khẩu trung bình đến 400.000 tấn. Vì vậy hiện tại chưa đủ lượng gạo dự trữ. Trong khi đó, nước nhập khẩu gạo lớn thứ 2 của Việt Nam là Indonesia vẫn cần nhập khẩu gần 1 triệu tấn gạo trong các tháng còn lại của năm 2024. Ông Bayu Krisnamurthi, Giám đốc điều hành Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) cho biết: Tính đến ngày 30.8, Bulog đã ký hợp đồng nhập khẩu 2,7 triệu tấn gạo trong hạn ngạch được phân bổ là 3,6 triệu tấn cho năm nay. Nước này muốn nhập thêm 900.000 tấn gạo trong những tháng cuối năm 2024 để đảm bảo nhu cầu an ninh lương thực. Trong 5 tháng đầu năm 2024, mỗi tháng Indonesia mời thầu 300.000 tấn gạo. Việc mở thầu bị hoãn vào tháng 6 vì tình trạng ùn ứ ở cảng biển của nước này. Bulog liên tục tăng lượng gạo mời thầu trong 2 tháng gần đây. Tháng 7, hoạt động mở thầu được nối lại và tăng 20.000 tấn lên mức 320.000 tấn và tháng 8 tăng lên tới 350.000 tấn gạo. |