Sữa, mì gói, bánh kẹo Việt lên ngôi tại Campuchia: Vì sao người tiêu dùng tin chọn?
Cơ hội cho hàng Việt ra thế giới Xuất khẩu khởi sắc: Hàng Việt vươn tầm thế giới |
![]() |
Nhiều thương hiệu thực phẩm Việt đã nhanh chóng tăng tốc, điều chỉnh chiến lược cung ứng, đồng thời cử đội ngũ tiếp thị sang làm việc trực tiếp với hệ thống bán lẻ Campuchia. KT/Chor Sokunthea |
Hàng Việt tận dụng thời cơ, "chiếm sóng" siêu thị Campuchia
Theo Khmer Times, chỉ trong nửa đầu tháng 7, người tiêu dùng Campuchia, đặc biệt tại thủ đô Phnom Penh, đã chứng kiến sự hiện diện vượt trội của các sản phẩm đến từ Việt Nam. Trong đó, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như sữa, bánh quy, sô cô la, mì ăn liền là những nhóm sản phẩm tăng tốc mạnh nhất.
Sự thay đổi này diễn ra trong bối cảnh thương mại biên giới giữa Campuchia và Thái Lan bị gián đoạn do căng thẳng chính trị. Lợi dụng cơ hội từ sự khan hiếm hàng hóa, nhiều thương hiệu thực phẩm Việt đã nhanh chóng tăng tốc, điều chỉnh chiến lược cung ứng, đồng thời cử đội ngũ tiếp thị sang làm việc trực tiếp với hệ thống bán lẻ Campuchia.
Một quản lý cấp cao tại chuỗi siêu thị lớn ở Phnom Penh chia sẻ: “Trong vòng hai tuần qua, hàng Việt Nam như sữa và mì ăn liền đã tăng đột biến trên kệ. Người tiêu dùng phản hồi tốt, trong khi các nhà bán lẻ hài lòng vì nguồn hàng ổn định và giá cả cạnh tranh.”
Nổi bật trong số đó là sữa Dalat Milk của Việt Nam, hiện đã thay thế phần lớn sản phẩm Dutch Mill (Thái Lan) ở một số siêu thị. Bên cạnh đó, các thương hiệu mì như Vifon, Acecook, Vị Hương – vốn đã có mặt tại Campuchia nhiều năm – nay được mở rộng thêm về chủng loại và độ phủ thị trường.
Sự xuất hiện mạnh mẽ của hàng Việt không chỉ là giải pháp tình thế mà còn được giới bán lẻ Campuchia đánh giá là một sự chuyển dịch xu hướng tiêu dùng rõ rệt, khi người dân dần quen với sản phẩm Việt và có thiện cảm với chất lượng, bao bì và giá thành.
Tốc độ cung ứng và chất lượng ổn định là chìa khóa thành công
Không chỉ nhạy bén trong chiến lược, doanh nghiệp Việt còn chinh phục thị trường Campuchia bằng năng lực cung ứng ổn định – yếu tố được xem là then chốt trong bối cảnh chuỗi cung ứng khu vực có nhiều biến động.
Một nguồn tin từ Khmer Times tiết lộ, hàng Việt đã giúp nhiều siêu thị tại Phnom Penh duy trì hoạt động kinh doanh đều đặn, trong khi nhiều nhà cung cấp từ Thái Lan, Malaysia gặp khó trong vận chuyển hoặc bị hạn chế nguồn hàng.
Sự ổn định này phần lớn đến từ mạng lưới phân phối được thiết lập trước đó, cùng với chính sách điều hành linh hoạt từ phía doanh nghiệp. Nhiều công ty Việt đã cử đại diện tiếp thị, xây dựng mối quan hệ trực tiếp với nhà phân phối Campuchia, thay vì phụ thuộc vào trung gian như trước đây.
Cùng với đó, nhu cầu từ thị trường Campuchia còn tạo ra hiệu ứng ngược chiều tích cực đối với thị trường nội địa. Một doanh nghiệp sản xuất trứng tại TP.HCM cho biết có thời điểm giá trứng trong nước tăng đột biến do thương lái gom hàng để xuất khẩu sang Campuchia. Doanh nghiệp này đã buộc phải tăng sản lượng để phục vụ cả hai thị trường.
Trước làn sóng tiêu dùng hàng Việt gia tăng, các chuyên gia đánh giá đây là thời điểm thuận lợi để các doanh nghiệp thực phẩm Việt xây dựng thương hiệu bền vững tại Campuchia – không chỉ dựa vào tình huống thiếu hụt, mà dựa vào niềm tin người tiêu dùng và năng lực nội tại của doanh nghiệp.
Hợp lực chính sách và hạ tầng giúp doanh nghiệp bứt phá
Sự tăng trưởng nhanh chóng của hàng Việt tại Campuchia không chỉ đến từ nỗ lực riêng lẻ của doanh nghiệp mà còn nhờ sự hỗ trợ từ chính sách song phương và các cam kết hợp tác kinh tế giữa hai nước.
Tháng 4/2025, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Thương mại Campuchia Cham Nimul đã ký kết Thỏa thuận thúc đẩy thương mại giai đoạn 2025–2026, tập trung vào việc tạo thuận lợi thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường đối tác và xây dựng chuỗi cung ứng hiệu quả hơn.
Ngay sau đó, vào ngày 15/7, Hội nghị kết nối giao thương doanh nghiệp Việt Nam – Campuchia năm 2025 được tổ chức tại TP.HCM, quy tụ khoảng 200 doanh nghiệp hai nước. Sự kiện là dịp để các công ty gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực thực phẩm, nông sản, logistics và tiêu dùng nhanh – những ngành được dự báo còn dư địa lớn để mở rộng.
Về mặt hạ tầng, dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài sắp khởi công cũng được kỳ vọng là “trục xương sống” giúp rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa sang Campuchia, đặc biệt là các mặt hàng có vòng đời ngắn như thực phẩm đóng gói, trứng, sữa, rau quả… Tuyến đường này không chỉ giúp hàng Việt đi nhanh hơn, mà còn góp phần giảm chi phí logistics, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Năm 2024, kim ngạch thương mại Việt Nam – Campuchia đạt hơn 10 tỷ USD, tăng 17,5% so với năm trước. Trong nửa đầu năm 2025, tổng giá trị thương mại song phương đạt 4,34 tỷ USD, trong đó Campuchia nhập khẩu từ Việt Nam 2,14 tỷ USD. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Campuchia trên thế giới, và lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Từ một cơ hội xuất hiện do đứt gãy nguồn cung, các thương hiệu thực phẩm Việt đã cho thấy khả năng chiếm lĩnh thị trường Campuchia không chỉ nhờ tốc độ mà còn bởi năng lực tổ chức và chất lượng ổn định. Sữa, mì ăn liền, bánh kẹo – những sản phẩm tưởng chừng phổ thông – nay lại là “đại sứ” đưa hình ảnh hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng quốc tế. Và nếu biết tận dụng tốt xu thế, doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể biến Campuchia thành cánh cửa quan trọng cho chiến lược chinh phục Đông Nam Á.
![]() |
![]() |
Tin khác

Nâng cao giá trị “xanh” cho ngành hàng sắn

Cá rô phi Việt Nam rộng đường ra thế giới

Toyota tạo ‘lối đi riêng’ giữa thị trường ô tô Trung Quốc khốc liệt

Ách tắc thanh long, ớt, đậu bắp: Khi giấy phép trở thành “nút thắt” xuất khẩu

Việt Nam - Pakistan hướng tới kim ngạch 10 tỷ USD: Dệt may, Halal, thủy sản vào “trục chính”

Vải thiều Lục Ngạn 2025 bội thu, xuất khẩu tăng mạnh: Thành công từ chỉ đạo tới hành động

Biến thử thách thành cơ hội: Gỗ Việt vượt sóng lớn, vươn xa

Nâng cao giá trị sản phẩm OCOP giúp mở rộng thị trường xuất khẩu

Bộ NN-MT lên kịch bản ứng phó với thuế quan Mỹ, giữ mục tiêu xuất khẩu 65 tỉ USD năm 2025
