Indonesia tăng lượng đấu thầu, gạo Việt có cơ hội sau lùm xùm giá?
Xuất khẩu gạo nửa đầu tháng 7 tăng 17% về lượng và 30% về giá trị so với cùng kỳ. |
Cơ quan Hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) vừa phát thư mời đấu thầu quốc tế mua 320.000 tấn gạo loại 5% tấm.
Thư mời được Bulog gửi đến các doanh nghiệp xuất khẩu gạo các nước: Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Campuchia và Pakistan. Thời gian giao hàng trong tháng 8 và tháng 9/2024. Hạn nộp báo giá phiên đấu thầu là ngày 31/7. Thời gian giao hàng trong tháng 8 và tháng 9/2024.
Mới đây, số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu gạo nửa đầu tháng 7 tăng 17% về lượng và 30% về giá trị so với cùng kỳ.
Kết quả này đặt ra trong thời điểm lùm xùm về giá gạo tại Indonesia, cơ hội gạo Việt xuất khẩu những tháng cuối năm ra sao là vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm.
Đại diện lãnh đạo một tập đoàn xuất khẩu gạo lớn ở Việt Nam cho rằng: Xuất khẩu gạo Việt Nam đến cuối năm sang thị trường Indonesia có khả năng sẽ bất lợi. Tuy nhiên - tiềm năng còn nhiều ở thị trường truyền thống, thị trường mới nổi nên cơ hội còn rất lớn.
Indonesia - nhà nhập khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới có thể mua đến 5,18 triệu tấn trong năm nay, thay vì 3,6 triệu tấn như chính phủ đã cấp giấy phép nhập khẩu trước đó. Gần đây, nước này theo đuổi chính sách mua gạo hàng quý, thậm chí hàng tháng và chia nhỏ lượng gạo nhập khẩu nên hoạt động mua gạo của thị trường Indonesia diễn ra đều đặn hơn.
“Doanh nghiệp cần thị trường ổn định nhưng Indonesia trước đây mở thầu theo kiểu “thắt, mở” làm cho giá gạo xuất khẩu khó dự báo, và không có lợi cho nước xuất khẩu. Bây giờ họ mở thầu nhập khẩu gạo thường xuyên hơn nên tốt cho các nước xuất khẩu”, Ông Nguyễn Chánh Trung, Giám đốc Công ty TNHH Gạo Hưng Việt cho biết.
Hiện nay, giá gạo của Việt Nam loại 5% tấm thường khoảng 560 USD/tấn, gạo cùng loại của Thái Lan quanh mức 550 USD/tấn. Gạo Thái Lan giảm giá trước gạo Việt Nam.
Bên cạnh đó, Sắc lệnh số 62 (EO 62) của Philippines có mức thuế nhập khẩu gạo giảm đến 20% là rất lớn, như vậy sẽ tạo điều kiện tốt cho gạo Việt Nam thâm nhập thị trường này nhiều hơn, vì lúc đó giá gạo nhập khẩu khá rẻ, có thể cạnh tranh với gạo sản xuất trong nước. Song, việc điều chỉnh thuế nhập khẩu gạo cũng cần có thời gian, để hàng hóa nhập khẩu theo mức thuế cũ được hấp thụ.
Bulog tăng cường thu mua gạo. |
Đối với vụ Hè Thu muộn hay còn gọi là vụ Thu Đông thu hoạch vào khoảng tháng 10, 11… khi đó giá gạo xuất khẩu chắc sẽ được cải thiện và đầu ra cũng rộng đường hơn, như vậy sẽ tốt cho doanh nghiệp.
Thông thường vào cuối tháng 11 là thời điểm doanh nghiệp mong muốn giảm lượng tồn kho về mức thấp nhất có thể, nên hầu hết các kho và nhà máy xay xát có tồn kho đều muốn xuất hàng đi. Thậm chí không còn tồn kho để đúng với nhịp luân chuyển hàng hóa sản xuất trong nước, vì vào tháng 01, 02/2025, chuẩn bị cho vụ Đông Xuân – vụ lúa lớn nhất trong năm.
“Nhìn chung, thầu Bulog và Sắc lệnh 62 là tốt cho thị trường gạo xuất khẩu, còn tốt ở mức độ nào thì vẫn phải chờ vì không thể dự báo xa quá. Song, Philipinnes giảm thuế nhập khẩu là chung cho các nước chứ không riêng gì Việt Nam, nhưng thị hiếu tiêu dùng của người Philippines đã quen với gạo Việt Nam nên chúng ta có lợi thế hơn các nước khác.
Với lợi thế này cộng với thầu Bulog và các thị trường truyền thống khác thì đầu ra vụ Hè Thu sẽ thuận lợi hơn. Thị trường xuất khẩu tốt sẽ tạo động lực doanh nghiệp tăng thu mua lúa Hè Thu”, Giám đốc Công ty Hưng Việt phân tích.
Giá bỏ thầu gạo quá thấp sẽ tác động tiêu cực đến thị trường? |
Đấu thầu gạo xuất khẩu: Áp giá sàn hay tuân thủ quy luật cạnh tranh? |
Người Philippines ưa chuộng gạo của Việt Nam |