Nâng cao giá trị “xanh” cho ngành hàng sắn
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trong 6 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam đạt 2,3 triệu tấn với giá trị hơn 711 triệu USD, tăng 68,6% về khối lượng và 12,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá xuất khẩu bình quân lại giảm mạnh xuống còn 304,1 USD/tấn, giảm tới 33,1%. Điều này phản ánh nghịch lý quen thuộc trong xuất khẩu nông sản: sản lượng tăng nhưng giá trị đơn vị giảm, gây áp lực lớn lên cả người sản xuất lẫn doanh nghiệp chế biến.
![]() |
Sắn và các sản phẩm từ sắn từ lâu đã là một trong 13 sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chủ lực của quốc gia (Ảnh minh họa) |
Thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành hàng sắn Việt Nam tiếp tục là Trung Quốc, chiếm đến 93,4% tổng lượng sắn xuất khẩu trong nửa đầu năm 2025. Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm, Trung Quốc nhập khẩu hơn 1,14 triệu tấn tinh bột sắn và 585.918 tấn sắn lát từ Việt Nam, đưa nước ta trở thành nguồn cung lớn nhất của thị trường tỷ dân này. Tuy vậy, sự phụ thuộc quá lớn vào một thị trường cũng là con dao hai lưỡi, tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu có biến động chính sách nhập khẩu hoặc thay đổi nhu cầu từ phía bạn hàng.
Trung Quốc không chỉ là khách hàng lớn nhất mà còn là quốc gia tiêu thụ sắn nhiều nhất thế giới, chủ yếu phục vụ cho sản xuất ethanol và ngành chăn nuôi đang phục hồi mạnh sau đại dịch tả lợn châu Phi. Trong bối cảnh nguồn cung ngô từ Nam Mỹ gặp khó do thời tiết cực đoan, sắn lát và tinh bột sắn trở thành lựa chọn thay thế quan trọng cho thức ăn chăn nuôi.
Ngoài Trung Quốc, các thị trường tiêu thụ sắn khác như Đài Loan (chiếm 1,5%) và Malaysia (chiếm 1%) tuy có thị phần nhỏ nhưng vẫn đóng vai trò nhất định. Tuy nhiên, những thị trường này cũng đang ghi nhận sự sụt giảm về giá trị và khối lượng nhập khẩu. Đáng chú ý, giá sắn xuất khẩu sang Đài Loan và Malaysia trong 4 tháng đầu năm đều giảm trên 30%, phản ánh xu hướng chung về giá sắn thế giới đang ở mức thấp.
Điều này không chỉ ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp mà còn tác động đến quyết định đầu tư và quy hoạch vùng nguyên liệu trong nước, nhất là khi diện tích trồng sắn tại Việt Nam đang tăng lên khoảng 10% so với niên vụ trước.
![]() |
Sắn là cây trồng hút nhiều dinh dưỡng từ đất, có độ che phủ thấp và dễ gây xói mòn (Ảnh minh họa) |
Hiện cả nước có khoảng 517.800 ha diện tích sắn với sản lượng khoảng 10,5 triệu tấn củ tươi mỗi năm. Mặc dù cây sắn có vai trò quan trọng về mặt kinh tế, song hình thức canh tác chủ yếu hiện nay vẫn mang tính tự phát, manh mún và thiếu tính bền vững.
Do đặc tính sinh học, sắn là cây trồng hút nhiều dinh dưỡng từ đất, có độ che phủ thấp và dễ gây xói mòn, khiến đất đai nhanh chóng bị bạc màu nếu không được luân canh hợp lý hoặc áp dụng biện pháp canh tác phù hợp. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và áp lực phát thải ngày càng gia tăng, cách trồng sắn truyền thống đã bộc lộ nhiều điểm yếu, cần được thay thế bằng mô hình sản xuất mới theo hướng thân thiện hơn với môi trường.
Nhằm giải quyết những vấn đề nêu trên, cuối năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã phê duyệt Dự án chuyển đổi hệ thống sản xuất sắn ở Việt Nam theo hướng canh tác tuần hoàn và quản lý chuỗi giá trị tinh bột sắn thông minh, với sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế như Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (JST) và Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới quốc tế (CIAT).
Dự án bao gồm bốn hợp phần chính: lựa chọn các nguồn carbon có khả năng tăng hấp thụ trong đất; thiết lập kỹ thuật đo hàm lượng carbon tại ruộng; triển khai các biện pháp nông nghiệp tái sinh; và xây dựng chiến lược cung cấp tinh bột sắn bền vững. Tất cả đều hướng tới mục tiêu tăng khả năng lưu trữ carbon trong đất, giảm phát thải và nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên trong chuỗi sản xuất.
Tỉnh Tây Ninh đã được lựa chọn làm điểm triển khai thí điểm từ tháng 9/2025, nhờ điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi và tiềm năng nhân rộng mô hình. Dự án cũng đồng thời tổ chức đào tạo cán bộ kỹ thuật Việt Nam tại Nhật Bản, đầu tư thiết bị và cơ sở hạ tầng phục vụ nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tại chỗ.
Việc triển khai mô hình sản xuất sắn tuần hoàn không chỉ đơn thuần là một dự án hợp tác song phương, mà còn là bước đi cụ thể trong lộ trình thực hiện Đề án Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu đạt sản lượng sắn tươi 11,5 – 12,5 triệu tấn; 40–50% diện tích trồng sắn sử dụng giống đạt chuẩn; và 50% diện tích áp dụng quy trình canh tác bền vững. Kim ngạch xuất khẩu kỳ vọng đạt 1,8 - 2 tỷ USD/năm.
Trong bối cảnh thương mại nông sản toàn cầu ngày càng đặt nặng tiêu chuẩn môi trường, carbon và phát thải, việc xây dựng năng lực sản xuất “xanh” cho ngành hàng sắn không chỉ là yêu cầu nội tại, mà còn là điều kiện tiên quyết để Việt Nam duy trì và mở rộng thị phần xuất khẩu trong tương lai.
Có thể bạn quan tâm
Tin khác

Cá rô phi Việt Nam rộng đường ra thế giới

Toyota tạo ‘lối đi riêng’ giữa thị trường ô tô Trung Quốc khốc liệt

Ách tắc thanh long, ớt, đậu bắp: Khi giấy phép trở thành “nút thắt” xuất khẩu

Việt Nam - Pakistan hướng tới kim ngạch 10 tỷ USD: Dệt may, Halal, thủy sản vào “trục chính”

Vải thiều Lục Ngạn 2025 bội thu, xuất khẩu tăng mạnh: Thành công từ chỉ đạo tới hành động

Biến thử thách thành cơ hội: Gỗ Việt vượt sóng lớn, vươn xa

Sản phẩm OCOP phải là thương hiệu, bản sắc quốc gia trên thị trường quốc tế

Xuất khẩu chững lại, doanh nghiệp kỳ vọng bứt tốc nửa cuối năm 2025

Thương hiệu cá tra Việt Nam: Chất lượng, giá rẻ và sức hấp dẫn tại thị trường Mỹ
