Nâng cao năng lực truy xuất nguồn gốc để bảo vệ người tiêu dùng
Lan tỏa tinh thần chống hàng giả trong xã hội Minh bạch thị trường để bảo vệ sức khỏe cộng đồng Người tiêu dùng thông minh: Làm thế nào để không bị đánh lừa bởi mã vạch giả? |
Tại Hội thảo “Xác thực truy xuất nguồn gốc – Động lực phát triển bền vững của Kinh tế số Việt Nam” được tổ chức sáng 8/7 tại Hà Nội, nhiều chuyên gia cho rằng, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang diễn biến phức tạp và đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc tăng cường năng lực truy xuất nguồn gốc đối với hàng hóa để mnh bạch thị trường và bảo vệ người tiêu dùng.
Theo thống kê được công bố tại hội thảo, trong 5 tháng đầu năm 2025, lực lượng chức năng cả nước đã xử lý hơn 40.000 vụ buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng với tổng giá trị xử phạt lên tới 6.500 tỷ đồng. Trong đó, đáng lo ngại là tình trạng hàng giả trong lĩnh vực thực phẩm và dược phẩm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Ông Nguyễn Huy, Trưởng Ban Công nghệ của Hiệp hội Dữ liệu quốc gia, dẫn số liệu cho biết thiệt hại toàn cầu hàng năm do hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc lên đến hơn 500 tỷ USD.
Mặc dù đã có một số giải pháp được triển khai trong thời gian qua, nhưng nhiều chuyên gia nhận định rằng việc truy xuất nguồn gốc tại Việt Nam hiện còn rời rạc, thiếu đồng bộ và chưa hiệu quả. Mã định danh sản phẩm chưa thống nhất trên toàn quốc, dữ liệu quản lý phân tán theo bộ, ngành, lĩnh vực; thiếu hệ thống giám sát theo thời gian thực và công cụ xác thực cho người tiêu dùng. Doanh nghiệp không bị bắt buộc phải tham gia hệ thống truy xuất chung, dẫn đến thiếu liên thông trong giám sát chất lượng và chưa hình thành được cơ sở dữ liệu quốc gia đầy đủ.
![]() |
Trong bối cảnh nền kinh tế số đang phát triển nhanh chóng và thương mại điện tử ngày càng phổ biến, yêu cầu về truy xuất nguồn gốc hàng hóa trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.(Ảnh minh họa) |
Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Đại tá Phạm Minh Tiến – Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia thông tin (Bộ Công an) cho rằng, việc xây dựng, triển khai các nền tảng công nghệ truy xuất nguồn gốc hiện đại, ứng dụng công nghệ mới như blockchain chính là giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và doanh nghiệp, góp phần nâng cao uy tín quốc gia và thúc đẩy phát triển nền kinh tế số có trách nhiệm.
Nhiều ý kiến tại hội thảo cũng nhấn mạnh vai trò của công nghệ trong việc giải quyết triệt để những hạn chế đang tồn tại. Việc ứng dụng công nghệ mới như blockchain, dữ liệu lớn (big data), định danh phi tập trung (DID)... được cho là có thể tạo bước đột phá trong xác thực và truy vết hàng hóa một cách toàn diện, minh bạch và chống làm giả. Tuy nhiên, để công nghệ phát huy hiệu quả, cần một nền tảng thống nhất trên phạm vi toàn quốc và được quản lý chặt chẽ bởi cơ quan có thẩm quyền.
Ông Bùi Bá Chính, Quyền Giám đốc Trung tâm Mã số, mã vạch quốc gia (Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng quốc gia) nêu cùng quan điểm, cho rằng, từ thực tế những vụ việc sản xuất, kinh doanh hàng giả nghiêm trọng gần đây cho thấy đã đến lúc không thể làm ngơ mà cần phải siết chặt công tác quản lý bằng công nghệ để tránh các rủi ro tương tự xảy ra. "Thực hiện chuyển đổi số chính là khoác cho sản phẩm hàng hóa chiếc áo mới hiện đại hơn, dễ kết nối hơn và quan trọng nhất là dễ kiểm chứng, tạo lòng tin cho người tiêu dùng", ông nhấn mạnh.
Cũng theo ông Chính, Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề cập việc đẩy mạnh tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ trên môi trường số, bảo đảm kinh tế số các ngành, lĩnh vực, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho chuyển đổi số… Thực hiện chuyển đổi số chính là khoác cho sản phẩm hàng hóa chiếc áo mới hiện đại hơn, dễ kết nối hơn và quan trọng nhất là dễ kiểm chứng, tạo lòng tin cho người tiêu dùng. Đây là nền tảng pháp lý quan trọng để thúc đẩy việc truy xuất nguồn gốc trở thành một yêu cầu bắt buộc trong hoạt động sản xuất – kinh doanh.
Từ góc nhìn doanh nghiệp, ông Nguyễn Huy cho biết hiện có nhiều doanh nghiệp đã xây dựng hệ thống truy xuất riêng, nhưng đa phần chưa tuân theo một tiêu chuẩn thống nhất, chưa được xác thực bởi cơ quan nhà nước và không có tính liên thông. Điều này không chỉ làm giảm hiệu quả quản lý mà còn khiến người tiêu dùng khó khăn trong việc xác minh thông tin sản phẩm một cách chính xác.
![]() |
Hiện có nhiều doanh nghiệp đã xây dựng hệ thống truy xuất riêng, nhưng đa phần chưa tuân theo một tiêu chuẩn thống nhất, chưa được xác thực bởi cơ quan nhà nước và không có tính liên thông (Ảnh minh họa) |
Ông Nguyễn Huy - Trưởng Ban Công nghệ, Hiệp hội Dữ liệu quốc gia - cho rằng, đã có những quy định, đã có những tổ chức, doanh nghiệp triển khai truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhưng còn rất manh mún, rời rạc, và hiện chưa có một cơ chế xuyên suốt từ trên xuống dưới thống nhất làm như thế nào.
“Trong bối cảnh cả nước thực hiện chuyển đổi số, số hóa nền kinh tế, việc ứng dụng công nghệ cho truy xuất nguồn gốc là bắt buộc và phải là chính sách toàn diện từ trên xuống dưới. Cần có sự quản lý đồng bộ từ Trung ương tới địa phương và áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp, có như vậy mới định danh, xác thực và truy xuất nguồn gốc hàng hóa được”, ông Huy nhấn mạnh.
Từ thực tiễn đặt ra, các chuyên gia kiến nghị Nhà nước cần sớm xây dựng một nền tảng định danh – xác thực – truy xuất hàng hóa ở cấp quốc gia, tích hợp với các nền tảng dữ liệu hiện có. Bên cạnh đó, cần ban hành bộ tiêu chuẩn kỹ thuật thống nhất cho truy xuất nguồn gốc, áp dụng bắt buộc đối với các doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh. Cơ chế giám sát và xử lý vi phạm cũng cần được hoàn thiện để đảm bảo việc thực thi nghiêm túc và đồng bộ.
Phát biểu tại hội thảo, Đại tá Phạm Minh Tiến dẫn lại chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: “Không thể chấp nhận để hàng giả, hàng nhái tồn tại trong nền kinh tế, đặc biệt là hàng giả trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Phải kiên quyết bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ người làm ăn chân chính và danh dự quốc gia”.
Những nhận định nêu trên cho thấy, truy xuất nguồn gốc không còn là lựa chọn mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với một nền kinh tế số minh bạch, bền vững và có trách nhiệm. Việc tăng cường năng lực truy xuất không chỉ góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, mà còn là nền tảng để nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Tin khác

Thị trường smartphone tháng 6/2025: Người Việt chi nhiều hơn cho điện thoại chất lượng

Kinh tế tư nhân bứt phá, số doanh nghiệp thành lập mới lập kỷ lục

“Chìa khoá số” mở đường cho ngành điện tử Việt Nam trong kỷ nguyên AI và chuỗi cung ứng mới

Hơn 24.000 doanh nghiệp mới trong tháng 6: Kinh tế tư nhân bứt phá

Nhiều chính sách kinh tế mới có hiệu lực từ ngày 1/7/2025

Khách hàng trẻ nói gì về 2 mẫu xe Omoda C5 và Jaecoo J7 PHEV?

Từ 1/7, doanh nghiệp chỉ được phép khuyến mại hàng hóa, dịch vụ với mức giảm giá tối đa 50%

Mailisa – 27 năm định vị thương hiệu bằng uy tín và trách nhiệm cộng đồng

Mở rộng tín dụng khuyến khích nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn
