Y dược cổ truyền phát triển đúng tầm – hướng đi chiến lược cho ngành sản phẩm thiên nhiên
Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên dược liệu phong phú
Theo báo cáo của Bộ Y tế, sau 5 năm thực hiện Chương trình, mạng lưới Y dược cổ truyền (YDCT) đã được củng cố và mở rộng trên toàn quốc. Đến nay, cả nước có 66 bệnh viện y dược cổ truyền công lập và 10 bệnh viện tư nhân, gần gấp đôi so với năm 2019. Tỷ lệ giường bệnh YDCT đạt 16% trên tổng số giường bệnh chung, tăng 2,7% trong vòng 5 năm.
Đáng chú ý, lĩnh vực phát triển dược liệu ghi nhận nhiều bước tiến quan trọng. Việt Nam hiện đã thống kê được hơn 5.100 loài thực vật, nấm, hàng trăm loài động vật, khoáng vật và tảo biển có công dụng làm thuốc – nguồn tài nguyên quý giá để phát triển các sản phẩm thiên nhiên phục vụ chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp. Cùng với đó, 25 tỉnh, thành đã xây dựng quy hoạch vùng trồng cây thuốc; hoạt động thu mua, nuôi trồng dược liệu trong nước cũng phát triển mạnh mẽ, tạo nền tảng vững chắc để phát triển các sản phẩm từ thiên nhiên.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long khẳng định YDCT là bộ phận quan trọng của nền y học dân tộc, gắn bó với lịch sử phát triển của đất nước qua hàng nghìn năm. YDCT không chỉ là phương thức trị bệnh, mà còn là kho tàng tri thức bản địa về cây cỏ, thảo dược, bài thuốc dân gian – những giá trị có thể được chuyển hóa thành tài sản văn hóa, tài sản thương hiệu nếu được đầu tư và khai thác đúng hướng.
![]() |
Phó Thủ tướng Lê Thành Long chủ trì Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chương trình phát triển YDCT cổ truyền, kết hợp YDCT với y học hiện đại đến năm 2030. |
Trên thực tế, nhiều loại cây thuốc quý như sâm Ngọc Linh, giảo cổ lam, cà gai leo hay nghệ vàng đã được nghiên cứu, chế biến thành sản phẩm mang giá trị cao. Đặc biệt, mô hình phát triển dược liệu tại Quảng Nam với đề án công nghiệp hóa sâm Ngọc Linh là một ví dụ điển hình về sự kết hợp giữa bảo tồn tài nguyên, phát triển kinh tế và xây dựng thương hiệu quốc gia.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng bày tỏ sự ủng hộ với đề xuất xây dựng các sản phẩm YDCT mang “dấu ấn Việt Nam”, tương tự như chương trình OCOP. Đây là định hướng quan trọng để các sản phẩm thiên nhiên gắn với YDCT có thể bước ra thị trường một cách bài bản, minh bạch và có tính cạnh tranh cao.
Cải thiện môi trường chính sách để phát triển y dược cổ truyền
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế tiếp thu các kiến nghị để hoàn thiện dự thảo Chỉ thị mới về phát triển YDCT. Theo đó, cần rà soát lại hệ thống pháp luật liên quan để đảm bảo hàm lượng chính sách đủ sâu và phù hợp với đặc thù YDCT.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế được giao nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dược liệu, vị thuốc và bài thuốc cổ truyền. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để chuẩn hóa thông tin, truy xuất nguồn gốc, kiểm soát chất lượng và tạo điều kiện cho hoạt động nghiên cứu, phát triển sản phẩm thiên nhiên có nguồn gốc rõ ràng, cơ sở khoa học vững chắc. Việc này không chỉ giúp tăng độ tin cậy cho người tiêu dùng trong nước mà còn là điều kiện bắt buộc nếu muốn đưa các sản phẩm thiên nhiên ra thị trường quốc tế.
Về khoa học công nghệ, Phó Thủ tướng kêu gọi có các nghiên cứu mang bản sắc riêng, xây dựng sản phẩm đặc thù từ dược liệu Việt. Phó Thủ tướng cũng đề xuất ngành bảo hiểm cần có cơ chế hỗ trợ sử dụng sản phẩm YDCT trong hệ thống khám chữa bệnh, từ đó tạo đầu ra bền vững cho các sản phẩm thiên nhiên nội địa.
![]() |
Vùng trồng dược liệu cát cánh tại Lào Cai |
Mô hình liên kết “4 nhà” (Nhà nước – nhà khoa học – doanh nghiệp – nhà nông) được đặc biệt nhấn mạnh. Nhà nước cần hoàn thiện cơ chế, chính sách; nhà khoa học cung cấp tri thức, chuẩn hóa quy trình; doanh nghiệp đảm nhận khâu chế biến, bảo quản, phân phối; còn người nông dân là lực lượng trực tiếp sản xuất dược liệu. Sự kết nối này nếu được tổ chức hiệu quả sẽ tạo nên chuỗi giá trị bền vững cho sản phẩm thiên nhiên từ YDCT.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường xây dựng chính sách phù hợp, mở rộng thí điểm cho thuê môi trường rừng để phát triển vùng trồng dược liệu. Bộ Công Thương cần phối hợp xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường. Bộ Dân tộc và Tôn giáo tiếp tục phát triển dược liệu quý trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Một giải pháp quan trọng khác là tăng cường truyền thông, quảng bá giá trị văn hóa, khoa học và sức khỏe của YDCT đến người tiêu dùng, góp phần nâng cao nhận thức xã hội và tạo niềm tin cho thị trường.
Sản phẩm thiên nhiên gắn với YDCT đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển theo hướng hiện đại, bài bản và có thương hiệu. Không chỉ là sản phẩm chăm sóc sức khỏe, đó còn là dấu ấn của tài nguyên bản địa, tri thức truyền thống và sáng tạo khoa học công nghệ.
Trong bối cảnh người tiêu dùng trong và ngoài nước ngày càng ưa chuộng các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên, ít tác dụng phụ, an toàn cho sức khỏe và thân thiện với môi trường, việc phát triển các chế phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm hay sản phẩm dưỡng sinh từ dược liệu bản địa đang trở thành một hướng đi đầy triển vọng.
Có thể bạn quan tâm
Tin khác

Gia tăng buôn lậu trên biển, Hải quan siết chặt kiểm soát toàn tuyến

Sản phẩm OCOP phải là thương hiệu, bản sắc quốc gia trên thị trường quốc tế

QLTT Hà Nội mở “mặt trận mới” chống hàng giả trên không gian mạng

Bộ Công an: Thực phẩm giả được sản xuất theo chuỗi khép kín, tổ chức tinh vi

“Chìa khoá số” mở đường cho ngành điện tử Việt Nam trong kỷ nguyên AI và chuỗi cung ứng mới

Xuất khẩu chững lại, doanh nghiệp kỳ vọng bứt tốc nửa cuối năm 2025

Từ 1/7: 32 thủ tục hành chính về đất đai được giao cho cấp tỉnh thực hiện

Xuất khẩu nông lâm thủy sản bứt tốc, tăng mạnh nhất trong 3 năm qua

Tầm nhìn mới cho TP.HCM: Siêu đô thị quốc tế xanh và sáng tạo
