Sản phẩm OCOP phải là thương hiệu, bản sắc quốc gia trên thị trường quốc tế
Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khi chủ trì cuộc họp cho ý kiến về việc sửa đổi Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhằm phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, sáng 04/7/2025.
Chương trình bài bản, gắn với chuyển đổi số và thương hiệu quốc gia
Đánh giá cao kết quả của Chương trình OCOP sau nhiều năm triển khai, Phó Thủ tướng cho rằng chương trình đã tạo ra chuyển biến rõ nét trong sản xuất nông nghiệp, thương mại hóa sản phẩm địa phương, giúp nông dân từng bước hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, theo ông, chương trình đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, đòi hỏi cần hoàn thiện cơ sở pháp lý, nâng tầm tư duy và phương thức tổ chức thực hiện.
"OCOP không thể chỉ là sản phẩm của địa phương, mà phải trở thành đại diện cho thương hiệu hàng hóa Việt Nam. Dù sản xuất bởi hộ gia đình, hợp tác xã hay cộng đồng nhỏ, nếu đạt chuẩn quốc gia thì phải được Nhà nước bảo vệ thương hiệu và hỗ trợ phát triển ra thị trường quốc tế", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
![]() |
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Chương trình OCOP xây dựng như một phần trong chiến lược thương hiệu quốc gia - Ảnh: VGP/Minh Khôi |
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp cận OCOP như một chương trình phát triển bền vững, dài hạn, với sự đầu tư đồng bộ từ chính sách đến truyền thông, từ tiêu chuẩn chất lượng đến quyền sở hữu trí tuệ. Mỗi sản phẩm cần gắn với một câu chuyện – về lịch sử, văn hóa, địa lý – để tạo bản sắc và giá trị cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Đặc biệt, ông đề nghị chương trình OCOP phải hội tụ đầy đủ các yếu tố: chất lượng cao, an toàn thực phẩm, giá trị gia tăng, có quy mô thị trường, chỉ dẫn địa lý, thương hiệu, và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số và thương mại điện tử.
"Chúng ta cần có chương trình OCOP bài bản, có tầm nhìn, được xây dựng như một phần trong chiến lược thương hiệu quốc gia", Phó Thủ tướng nói.
16.855 sản phẩm OCOP, gần 10.000 chủ thể, tính lan tỏa mạnh mẽ
Theo báo cáo của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam, cả nước hiện có 16.855 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó 126 sản phẩm đạt 5 sao – được công nhận là sản phẩm quốc gia. Hệ sinh thái OCOP cũng đã thu hút 9.822 chủ thể tham gia, trong đó 40% là phụ nữ và 17,1% là người dân tộc thiểu số.
Đáng chú ý, trên 3.000 hợp tác xã đã tham gia sản xuất OCOP, cho thấy sức lan tỏa mạnh mẽ của chương trình trong phát triển kinh tế nông thôn, giữ gìn bản sắc văn hóa và khai thác tri thức bản địa. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm vẫn gặp khó khăn về vùng nguyên liệu, tiếp cận tín dụng, máy móc và công nghệ bảo quản, đòi hỏi các chính sách hỗ trợ rõ ràng và đồng bộ hơn.
Một số siêu thị quốc tế đánh giá cao sản phẩm OCOP Việt Nam nhưng vẫn phản ánh năng lực cung ứng còn hạn chế. Điều này đặt ra yêu cầu chuyển hướng từ phát triển theo số lượng sang tập trung nâng cao chất lượng, đặc thù văn hóa và tính cạnh tranh quốc tế.
Giao quyền đánh giá OCOP 3 sao về cấp tỉnh
![]() |
Xây dựng thương hiệu OCOP cần lộ trình rõ ràng, tiêu chí minh bạch, có căn cứ pháp lý vững chắc. - Ảnh: VGP/Minh Khôi |
Tại cuộc họp, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề xuất sửa đổi Quyết định 148 theo hướng chuyển nhiệm vụ đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao từ cấp huyện lên cấp tỉnh để bảo đảm chất lượng, uy tín và tính chuyên môn.
Phó Thủ tướng đồng thuận với đề xuất này và nhấn mạnh: "Muốn nâng giá trị thương hiệu thì phải có tổ chức uy tín đánh giá". Ông cũng nhấn mạnh rằng trong trường hợp đặc biệt giao quyền cho cấp xã, địa phương phải có đề án cụ thể, đảm bảo đủ năng lực tổ chức, cán bộ và cơ chế phối hợp liên ngành.
Lãnh đạo nhiều bộ, ngành, địa phương cũng đồng tình với hướng đi này, bởi sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên không chỉ là hàng hóa mà còn mang giá trị biểu tượng. Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Hồ Xuân Hùng khẳng định: “OCOP đã vượt ra khỏi ý nghĩa kinh tế, trở thành niềm tự hào của cả cộng đồng. Có sản phẩm được lãnh đạo mang làm quà tặng đối ngoại – đó là minh chứng cho giá trị đặc biệt mà chương trình đem lại”.
Hoàn thiện thể chế, tránh khoảng trống chính sách
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Môi trường khẩn trương tiếp thu ý kiến, hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Quyết định số 148, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, nhằm tránh khoảng trống chính sách trong giai đoạn chuyển đổi mô hình chính quyền 2 cấp.
Ông nhấn mạnh: Xây dựng thương hiệu OCOP Việt Nam không thể “vừa làm, vừa sửa”, mà cần lộ trình rõ ràng, tiêu chí minh bạch, có căn cứ pháp lý vững chắc để bảo đảm chất lượng, tính khách quan và sự công nhận trên thị trường quốc tế.
“Chúng ta cần hành động quyết liệt hơn, để sản phẩm OCOP không chỉ là niềm tự hào của từng địa phương, mà còn là biểu tượng của thương hiệu hàng hóa Việt Nam – được bảo hộ, được tôn vinh và có chỗ đứng vững chắc trên bản đồ kinh tế toàn cầu”, Phó Thủ tướng kết luận.
Có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Tin khác

Xuất khẩu chững lại, doanh nghiệp kỳ vọng bứt tốc nửa cuối năm 2025

Thương hiệu cá tra Việt Nam: Chất lượng, giá rẻ và sức hấp dẫn tại thị trường Mỹ

Kết nối sản xuất và thương mại đặc sản vùng cao Tây Bắc

Thịt heo nhập khẩu tăng vọt: Bài toán cạnh tranh và định vị thương hiệu nội địa

Xuất khẩu nông lâm thủy sản bứt tốc, tăng mạnh nhất trong 3 năm qua

Từ 1/7: Quy định mới về cấp C/O và tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa

Giá gạo toàn cầu biến động: Thương hiệu quốc gia nào sẽ trụ vững?

Từ Bắc Giang đến San Francisco: Hành trình khẳng định vị thế nông sản Việt

Gỡ rào cản phi thuế quan để hội nhập bền vững
