Ngành rau quả “lao đao” đầu năm 2025, vải thiều trở thành điểm tựa
Xuất khẩu rau quả giảm 3 tháng liên tiếp, cách nào gỡ khó? Cần chiến lược dài hơi để xuất khẩu rau quả "đi được đường dài" Xuất khẩu rau quả 2025: Củng cố nội lực, vượt rào cản kỹ thuật |
![]() |
Sầu riêng – mặt hàng chủ lực của ngành trong năm 2024 với giá trị 3,3 tỷ USD – năm nay chỉ đạt 130 triệu USD trong 4 tháng đầu năm. |
Sầu riêng lao dốc, toàn ngành rau quả chật vật
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu rau quả trong tháng 4/2025 chỉ đạt hơn 520 triệu USD, giảm 13% so với tháng 4 năm ngoái. Lũy kế 4 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả đạt 1,62 tỷ USD, giảm 10,5% so với cùng kỳ 2024. Đây là mức giảm đáng kể, khiến mục tiêu đạt 8 tỷ USD xuất khẩu trong năm nay trở nên khó khả thi.
Thị trường Trung Quốc – chiếm gần 46% tổng giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam – chỉ đạt hơn 777 triệu USD, giảm gần 33%. Việc nước này liên tục nâng chuẩn kiểm dịch, kiểm tra dư lượng chất cấm và kiểm hóa 100% lô hàng sầu riêng đã đẩy chi phí doanh nghiệp lên cao, khiến thời gian thông quan kéo dài, dẫn tới việc nhiều doanh nghiệp ngại ký hợp đồng xuất khẩu mới.
Riêng với sầu riêng – mặt hàng chủ lực của ngành trong năm 2024 với giá trị 3,3 tỷ USD – năm nay chỉ đạt 130 triệu USD trong 4 tháng đầu năm, giảm tới 74% so với cùng kỳ. Sự sụt giảm đột ngột không chỉ ảnh hưởng đến tổng kim ngạch mà còn gây ra tình trạng ùn ứ, rớt giá tại các vùng trồng.
Không chỉ sầu riêng, nhiều loại trái cây khác cũng chịu chung số phận. Dưa hấu giảm 52% (còn 33 triệu USD), mít giảm 20% (còn gần 98 triệu USD), chuối giảm 2,2%, thanh long giảm 7,2%. Giá bán tại vườn rớt mạnh, ví dụ: mít Thái còn 4.000–10.000 đồng/kg – mức thấp nhất từ trước tới nay; sầu riêng trái vụ xuống chỉ còn 40.000–80.000 đồng/kg, bằng một nửa so với năm 2024.
Tình trạng xuất khẩu suy giảm đã khiến nhiều vùng trồng rơi vào cảnh thu không đủ bù chi phí. Đặc biệt, với các hộ nông dân mở rộng diện tích tự phát, không theo quy hoạch, thiệt hại càng lớn khi thị trường “đóng cửa” đột ngột.
Tuy nhiên, vẫn có những điểm sáng. Xuất khẩu xoài tăng 27%, đạt hơn 100 triệu USD; xuất khẩu dừa tăng 18%, đạt 66 triệu USD. Ngoài ra, mặt hàng trái cây chế biến tiếp tục tăng trưởng mạnh. Trong 4 tháng đầu năm, Việt Nam đã trở thành nguồn cung trái cây chế biến lớn thứ 11 cho Hoa Kỳ, với mức tăng gần 58% so với cùng kỳ.
Vải thiều “cứu nguy” xuất khẩu rau quả?
![]() |
Giữa bối cảnh khó khăn của ngành hàng, vụ vải thiều đang trở thành tâm điểm kỳ vọng của Bộ Nông nghiệp và Môi trường. |
Giữa bối cảnh khó khăn của ngành hàng, vụ vải thiều đang trở thành tâm điểm kỳ vọng của Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Theo UBND tỉnh Bắc Giang, năm 2025 toàn tỉnh có khoảng 29.700 ha vải thiều, trong đó vải sớm chiếm 8.000 ha. Dự kiến sản lượng đạt trên 165.000 tấn, với tỷ lệ đậu quả ước đạt hơn 80%. Trà vải sớm sẽ bắt đầu thu hoạch từ 20/5 đến 15/6, chính vụ từ 10/6 đến 20/7.
Để thúc đẩy tiêu thụ, tỉnh Bắc Giang tổ chức loạt hoạt động xúc tiến thương mại như hội nghị kết nối tiêu thụ vải thiều và các nông sản chủ lực; tham dự hội chợ thương mại xuất nhập khẩu Trung Quốc – ASEAN tại Quảng Tây; tổ chức các sự kiện tại châu Âu để quảng bá và tìm kiếm đầu ra.
Một điểm thuận lợi lớn năm nay là Nhật Bản đã chấp thuận để Việt Nam tự giám sát quy trình kiểm dịch vải thiều, thay vì cử chuyên gia giám sát tại chỗ như các năm trước. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ cũng đã phê duyệt thêm ba mã số vùng trồng tại Bắc Giang, nâng tổng số mã vùng được cấp lên hơn 240 – tương ứng gần 18.000 ha.
Tại buổi kiểm tra sản xuất ngày 11/5, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy đánh giá cao sự chuẩn bị của Bắc Giang. Ông nhấn mạnh việc tăng cường giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo chất lượng sản phẩm là yếu tố then chốt để vải thiều vươn ra thị trường quốc tế. Đồng thời, ông đề nghị tỉnh cần tổ chức tiêu thụ linh hoạt, có phương án hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã thu mua tại vườn.
Một trong những giải pháp then chốt được Bộ trưởng nhấn mạnh là nâng cấp logistics – cụ thể là đầu tư kho lạnh, trung tâm sơ chế tại chỗ – để kéo dài thời gian bảo quản, giảm tổn thất sau thu hoạch và tăng sức cạnh tranh.
Bên cạnh đó, về lâu dài, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ hoàn thiện hệ thống pháp lý liên quan đến xuất khẩu nông sản, bổ sung quy định về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, kiểm nghiệm và giám định. Việc chuẩn hóa toàn bộ chuỗi sản xuất – chế biến – xuất khẩu được coi là hướng đi bền vững để nâng giá trị và giảm phụ thuộc vào thị trường tươi.
Có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Tin khác

Chuẩn bị tốt từ vườn đến thị trường: Chìa khóa thành công vụ vải 2025

Ngành gỗ Việt Nam trước bài toán tái cấu trúc và phát triển bền vững

VCCI đề nghị không miễn giảm thuế với hàng hóa thương mại điện tử nhập khẩu

Xuất khẩu xoài tăng trưởng mạnh, Việt Nam đứng thứ 13 thế giới

Chợ quê khoác áo mới, hàng Việt bứt tốc nhờ điểm bán hiện đại

Giá hàng hóa thế giới bật tăng vì biến động cung cầu

Nhật Bản hỗ trợ gần 160.000 USD phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Đồng Tháp

Ra mắt sách song ngữ "Bác Hồ ở Thái Lan"

Tự chuyển mình để thích nghi: Giải pháp căn cơ cho xuất khẩu việt nam
