Lô đất trúng đấu giá hơn 100 triệu đồng/m2 tại Thanh Oai bị bỏ cọc
Huyện Phúc Thọ đấu giá thành công 39 lô đất, chào sang tay chênh đến 400 triệu đồng Sau đấu giá đất là... lướt sóng Lý do huyện Thanh Oai tạm dừng đấu giá 114 lô đất tại xã Cao Dương |
Hình ảnh về lô đất trúng giá 100,5 triệu đồng/m2 tại xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai. Ảnh: Bất động sản Tâm Phúc. |
Theo ông Nguyễn Công Quảng, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thanh Oai (Hà Nội), hiện tại đã hết thời hạn nộp tiền phiên đấu giá 68 thửa đất tại khu Ngõ Ba, thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao. Tuy nhiên, mới chỉ có 13 lô đất nộp đủ tiền.
Đáng chú ý, chủ nhân của lô đất trúng đấu giá cao nhất hơn 100,5 triệu đồng/m2 hiện vẫn chưa nộp tiền và bỏ cọc. Còn 13 lô đất đã nộp tiền đều có mức giá trúng thấp. Ông Quảng cho biết, phiên đấu giá phải đợi hết 120 ngày mới hủy kết quả nên huyện vẫn chưa có phương án và thời hạn đấu giá lại.
Như vậy, thực tế đã diễn ra đúng theo kịch bản được dự đoán qua loạt bài về đấu giá đất của Báo Đầu tư. Ngay sau khi cuộc đấu giá diễn ra, nguồn tin của phóng viên cho biết, khả năng cao người đấu trúng lô đất 100 triệu đồng/m2 sẽ khó lòng “lướt cọc" bán chênh do mức giá đã quá cao so với mặt bằng chung thị trường.
Bên cạnh đó, mức tiền đặt trước cũng khá thấp, cao nhất chỉ khoảng 214 triệu đồng/thửa. Vì vậy, các đội nhóm sẽ chấp nhận hy sinh tiền cọc khi không thấy tiềm năng thanh khoản.
Trước đó, ngày 10/8, huyện Thanh Oai tổ chức thành công phiên đấu giá 68 thửa đất tại khu Ngõ Ba, thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao (Thanh Oai, Hà Nội), có diện tích 60-85m2 với giá khởi điểm từ 8,6 triệu đồng/m2 đến 12,5 triệu đồng/m2. Phiên đấu giá đã thu hút được 4.600 hồ sơ nộp tham gia, nhưng chỉ có 4.201 hồ sơ đủ điều kiện.
Phiên đấu giá này đã gây nhiều người choáng váng khi mức giá trúng cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm. Thậm chí giá trúng cao hơn rất nhiều so với giá đất khu vực xung quanh.
Lãnh đạo Công ty đấu giá hợp danh Đấu giá Việt Nam - đơn vị tổ chức buổi đấu giá vừa qua, cho biết, bản thân cũng không nghĩ mức giá trúng sẽ đạt tới hơn 100 triệu đồng/m2.
“Tại buổi đấu giá 68 thửa đất tại khu Ngõ Ba, chúng tôi cũng chỉ nghĩ đến mức giá trúng cao nhất là 60 - 70 triệu đồng/m2. Người dân địa phương - một trong những tệp khách hàng tiềm năng nhất của khu đất - cũng khó chấp nhận mức giá ấy”, vị này nhận định.
Phiên đấu giá quyền sử dụng đất ngày 10/8 tại Thanh Oai thu hút gần 1.500 khách hàng tham gia. |
Mới đây, UBND huyện Thanh Oai vừa có văn bản gửi Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện và hai công ty tổ chức đấu giá về việc tạm dừng tổ chức các cuộc đấu giá quyền sử dụng đất ở đối với 114 thửa đất tại khu vực Đầm, thôn Mục Xá, xã Cao Dương.
Theo kế hoạch, huyện Thanh Oai sẽ đấu giá 114 thửa đất này trong 2 phiên (mỗi phiên 57 thửa đất). Trong đó, 57 lô đợt 1 được tổ chức đấu giá vào ngày 8/9.
UBND huyện Thanh Oai cho biết sẽ thông báo tổ chức lại cuộc đấu giá sau khi rà soát pháp lý, điều kiện, bảo đảm theo đúng quy định pháp luật.
Đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thanh Oai cho biết hiện chưa có thời gian cụ thể tổ chức đấu giá lại. Khi nào có UBND Huyện sẽ thông báo chính thức tới người dân.
Theo PGS-TS Nguyễn Đình Thọ (Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường), việc đấu giá đất với mức giá trúng cao bất thường, sau đó bỏ cọc tại TP.HCM và Hà Nội gần đây đang tạo ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho thị trường bất động sản (BĐS). Để đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững của thị trường, cần có các biện pháp quản lý chặt chẽ trong quá trình đấu giá, bao gồm việc xác định mức giá khởi điểm hợp lý, kiểm soát bước giá và ngăn chặn các hành vi thông đồng trong đấu giá. Đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư để đảm bảo rằng việc phát triển BĐS được thực hiện một cách bền vững và hợp lý, đáp ứng nhu cầu của thị trường và người dân.
Một trong những biện pháp quan trọng để giảm thiểu đầu cơ là minh bạch thông tin thị trường, điều chỉnh chính sách thuế, cung cấp đầy đủ thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cũng như các dự án phát triển hạ tầng trong khu vực đấu giá... Việc minh bạch thông tin sẽ giúp các nhà đầu tư đưa ra quyết định dựa trên giá trị thực tế của tài sản, thay vì kỳ vọng phi thực tế về giá đất sẽ tăng cao trong tương lai. Cơ chế thuế và phí có thể được điều chỉnh để giảm động cơ đầu cơ. Một giải pháp nữa là giám sát và kiểm tra năng lực tài chính của các nhà đầu tư trước khi tham gia đấu giá.