Giá vàng SJC lập đỉnh lịch sử 88 triệu đồng một lượng
Đấu thầu vàng lần thứ 5: Khối lượng đặt thầu là 7 lô, giá tham chiếu tăng "sốc" Chuyên gia lý giải nguyên nhân giá vàng tăng dựng đứng Ế 13.400 lượng vàng miếng ở phiên đấu thầu lần 5 |
Giá vàng SJC lập đỉnh lịch sử 88 triệu đồng một lượng. |
Sáng 9/5, giá vàng miếng tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC được mua vào 85,7 triệu đồng, bán ra 88 triệu đồng, tăng 500.000 đồng so với cuối ngày hôm qua. Công ty CP vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) mua vào 85,2 triệu đồng, bán ra 87,5 triệu đồng, tăng 100.000 đồng…
Riêng vàng nhẫn 4 số 9 được SJC giảm giá từ 200.000 - 300.000 đồng so với sáng hôm qua, còn mua vào 73,3 triệu đồng, bán ra 75 triệu đồng; Công ty PNJ giữ nguyên giá mua vào 73,3 triệu đồng, bán ra 75 triệu đồng…
Cùng thời điểm, giá vàng thế giới ở mức 2.308 USD/ounce, giảm 6 USD/ounce so với sáng qua.
Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng miếng SJC tăng gần 10 triệu đồng/lượng.
Sau 5 lần gọi thầu và 2 lần đấu thầu vàng, Ngân hàng Nhà nước mới cung ứng 6.800 lượng vàng miếng ra thị trường.
Trước đây, giá vàng miếng SJC có thời điểm cao hơn vàng thế giới 18-20 triệu đồng/lượng. Đến những ngày gần phiên đấu thầu đầu tiên giảm về 11-12 triệu đồng/lượng. Thế nhưng, sau nhiều phiên đấu thầu không thành công, giá vàng SJC lên lại mức cao hơn thế giới hơn 15 triệu đồng/lượng.
Trong phiên đấu thầu vàng ngày 8/5 có 3 đơn vị (gồm 2 ngân hàng và 1 công ty vàng) đã trúng thầu 3.400 lượng vàng, tương đương 20% trong tổng lượng vàng mang ra đấu thầu, giá trúng thầu là 86,05 triệu đồng/lượng.
TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho rằng giá đấu thầu cao có 2 tác động ảnh hưởng đến tâm lý trên thị trường. Đối với nhà đầu tư khi nguồn cung trên thị trường không tăng lên thì giá sẽ tăng. Còn đối với bán vàng, trong khi lực mua vàng trên thị trường còn cao thì cũng không việc gì phải bán vàng. Chính vì vậy mà hủy đấu thầu hay khối lượng thấp sẽ dễ dẫn đến giá tăng sau đó. Yếu tố tâm lý tác động lên thị trường.
TS Đinh Trọng Thịnh. |
Ông Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - cho biết, không nên đấu thầu vàng vì mục tiêu đấu thầu vàng để kéo giá xuống sẽ không thành công. Hiện, mức chênh lệch giá vàng miếng SJC với thế giới là điều "phi lý".
Ông Nghĩa cho rằng, muốn kéo giá vàng SJC xuống chỉ có cách cho nhập khẩu vàng. Tuy nhiên, việc này không lo ảnh hưởng đến tỷ giá vì một năm tỷ giá cho nhập vàng chỉ khoảng 3 tỷ USD.
“Nếu giá trong nước cứ cao sẽ dẫn đến buôn lậu vàng. Buôn lậu vàng cũng phải dùng USD trong nước đi mua. Chúng ta nên cho nhập và quản lý bằng thuế”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Theo ông Nghĩa, nếu muốn giảm giá vàng thông qua đấu thầu vàng thì mức giá đưa ra đấu thầu phải thấp. Ví dụ, giá vàng thế giới quy đổi ra khoảng 71 triệu đồng/lượng, giá đấu thầu 71 triệu đồng/lượng, có như vậy mới thu hút được người mua. Bởi khi đó, các đơn vị tham gia hy vọng mua với giá 71 triệu đồng/lượng và bán ra 72 triệu đồng/lượng. Bán ra với mức giá 85 triệu để bán lại với giá 80 triệu thì không đơn vị nào tham gia.
"Đơn vị đấu thầu để tăng cung lại có "hại" cho chính mình, mua giá cao - bán giá thấp, doanh nghiệp sẽ chết. Vì vậy, nguyên tắc đấu thầu để giảm giá chẳng có cách nào khác là tăng nguồn cung bằng cách cho phép các đơn vị kinh doanh vàng xuất nhập khẩu tự do và quản lý bằng thuế", ông Nghĩa nói.
Chuyên gia dự báo: Giá vàng trong nước sẽ còn tăng “nóng” |
Vàng miếng xác lập kỷ lục mới 86,2 triệu đồng, dự báo tiếp tục tăng nóng |
Cấm mua bán vàng bằng tiền mặt: Tốt nhưng khó thực hiện? |