Tạo sự thống nhất và đồng bộ cho việc triển khai hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa
![]() |
Hội thảo lấy ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa |
Sáng 14/4, tại trụ sở làm việc các cơ quan của Quốc hội - 22 Hùng Vương, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức hội thảo lấy ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Phát biểu tại Hội thảo, Ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa dự kiến được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XV.
Sau nhiều lần lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật, đến thời điểm này, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 32 điều, bổ sung 3 điều, bỏ 9 điều và 3 khoản trong tổng số 7 chương 72 điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Theo đó, dự thảo Luật có 6 chương và 66 điều. Nội dung sửa đổi trong các điều tập trung vào 4 nhóm chính sách đã có trong Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhưng cập nhật, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế và trình độ phát triển của khoa học và công nghệ.
Ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị các đại biểu tập trung cho ý kiến về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; về áp dụng pháp luật; nguyên tắc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa; chính sách của nhà nước về hoạt động liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hạ tầng chất lượng quốc gia; ứng dụng công nghệ trong việc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa; kiểm tra, thanh tra về chất lượng sản phẩm, hàng hóa…
Tại hội thảo, các ý kiến cơ bản đánh giá dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý quan trọng, tạo sự thống nhất và đồng bộ cho việc triển khai hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa (trong sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường và trong quá trình sử dụng); trong đó, nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa và tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa; quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Về áp dụng pháp luật, dự thảo Luật bổ sung nội dung “an toàn, kiểm dịch" chất lượng sản phẩm, hàng hóa vào phạm vi điều chỉnh (khoản 1 Điều 4). Tuy nhiên, nội dung này cũng đã được quy định trong các pháp luật chuyên ngành về thú y, an toàn thực phẩm, bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Nêu vấn đề này, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, việc áp dụng pháp luật như quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật này sẽ có khả năng mở rộng phạm vi điều chỉnh liên quan đến các các nội dung đã được quy định trong pháp luật về an toàn thực phẩm, thú y, bảo vệ và kiểm dịch thực vật; gây xung đột, chồng lấn với phạm vi điều chỉnh của các luật liên quan.
![]() |
Ông Hà Minh Hiệp - Quyền Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam |
Quan tâm đến áp dụng pháp luật, đại diện Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho biết, hiện nay sản phẩm, hàng hoá thức ăn chăn nuôi đang phải áp dụng theo Luật Chăn nuôi, Luật Thú y và đề nghị cần tách bạch rõ khi nào áp dụng pháp luật theo dự thảo luật này, khi nào áp dụng pháp luật theo luật chuyên ngành.
Về quản lý chất lượng hàng mậu biên, hàng thương mại điện tử, một số ý kiến quan tâm đặt câu hỏi, giải pháp cho việc quản lý, kiểm soát chất lượng loại sản phẩm, hàng hóa này.
Cung cấp thêm thông tin tại Hội thảo, Quyền Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam - Hà Minh Hiệp cho biết, trong dự thảo Luật đưa ra nguyên tắc quản lý chất lượng hàng mậu biên. Do hàng hoá mậu biên rất đa dạng trên thị trường, chất lượng của loại hàng hóa này cũng rất khác nhau nên dự thảo Luật giao trách nhiệm cho Chính phủ, các Bộ liên quan hướng dẫn cụ thể việc quản lý chất lượng hàng hoá mậu biên. Cùng với đó, giao sàn thương mại điện tử trách nhiệm quản lý chất lượng hàng hóa lưu thông trong nước.
Về quản lý hàng hóa theo nhóm, có ý kiến bày tỏ đồng tình với việc dự thảo Luật giao Chính phủ quy định phân loại danh mục sản phẩm, hàng hóa, nhất là xác định sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 (sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn). Có ý kiến đề nghị làm rõ hơn nguyên tắc xác định danh mục hàng hóa nhóm 2 và đưa ra nguyên tắc quản lý đối với nhóm hàng hóa này.
Tiếp thu các ý kiến góp ý tại Hội thảo, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo nhằm tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình ra Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn cũng mong muốn, các chuyên gia, hiệp hội ngành nghề tiếp tục phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra trong quá trình chỉnh lý dự thảo Luật trong thời gian tới.
Tin khác

Chỉ số sản xuất công nghiệp xác lập kỷ lục 5 năm

Mỹ áp thuế 46% gây áp lực và thách thức cho xuất khẩu

Xuất nhập khẩu quý I/2025 đạt 202,52 tỷ USD

Mỹ áp thuế đối ứng 46% với Việt Nam: VASEP kiến nghị “khẩn” với Thủ tướng

Gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước

Ký kết hợp tác nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vi lượng đất hiếm, công nghệ nano và bức xạ

Xuất khẩu thủy sản bứt phá trong quý I/2025, đạt 2,45 tỷ USD

Hơn 400 doanh nghiệp tham gia Hội chợ VIETNAM EXPO 2025

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản quý I/2025 tăng trên 13%
