Gạo phát thải thấp: Chìa khóa nâng tầm nông nghiệp trong chuỗi giá trị toàn cầu
Ngành lúa gạo Việt Nam đang có bước chuyển mình mạnh mẽ
Từ những mô hình như lúa – tôm ở bán đảo Cà Mau đến đề án Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, ngành lúa gạo Việt Nam đang có bước chuyển mình mạnh mẽ, góp phần hiện thực hóa cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Điều này cũng đang từng bước khẳng định vị thế mới của Việt Nam trong chuỗi giá trị lúa gạo toàn cầu không chỉ bằng sản lượng hay chất lượng, mà còn bằng hướng đi khác biệt: sản xuất xanh, phát thải thấp.
Tại bán đảo Cà Mau, mô hình canh tác luân canh lúa – tôm đã chứng minh hiệu quả vượt trội cả về kinh tế lẫn môi trường. Giống lúa ST24 và ST25 được trồng tại đây cho năng suất ổn định 6 tấn/ha, giá bán lên đến 9.200 đồng/kg, cao hơn khoảng 3.000 đồng so với lúa thường. Đặc biệt, vào vụ thu hoạch tháng Chạp, thương lái sẵn sàng trả tới 13.000 đồng/kg cho lúa ST25 – Lúa Tôm. Không chỉ tạo lợi nhuận gấp đôi, mô hình còn giúp giảm 30% lượng phân hóa học, 75% thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời ổn định môi trường sinh thái, bảo vệ vụ tôm và giảm phát thải khí nhà kính.
![]() |
Nông dân Cần Thơ thu hoạch lúa trong Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. |
Với hơn 2.000 ha đã được bao tiêu theo quy trình sản xuất xanh, mô hình này đang tạo nền tảng vững chắc để thương hiệu “Gạo Ông Cua” vươn ra thị trường quốc tế. Trong khi đó, tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đề án Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp được đánh giá là bước đi chiến lược, góp phần định hình lại toàn bộ ngành hàng lúa gạo theo hướng sinh thái và bền vững. Tính riêng năm 2025, diện tích đăng ký thực hiện đề án đã vượt 312.000 ha. Cả vùng đã chủ động triển khai hơn 100 mô hình thí điểm, với diện tích trên 4.500 ha, ghi nhận năng suất tăng từ 5 – 10%, hiệu quả kinh tế tăng từ 3 – 5 triệu đồng/ha. Tại Trà Vinh, một trong những địa phương đi đầu trong triển khai đề án, vụ Đông Xuân 2024–2025 có tới 16 mô hình với diện tích hơn 883 ha. Hai hợp tác xã Phát Tài và Phước Hảo là những điển hình thành công.
Không chỉ dừng lại ở hiệu quả kinh tế, mô hình còn ghi nhận mức giảm phát thải khí nhà kính tới 40 – 50% so với tập quán canh tác cũ. Nhờ giảm lượng giống gieo sạ từ 150kg xuống còn từ 60 – 70kg/ha, giảm phân bón hóa học 20 – 30%, giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật, chi phí sản xuất được cắt giảm đáng kể, lợi nhuận bình quân tăng 6,5 – 7,8 triệu đồng/ha. Từ thành công này, tỉnh Trà Vinh dự kiến nhân rộng mô hình lên 10.550 ha trong năm 2025, hướng tới 30.736 ha vào cuối năm 2030.
Việt Nam đang khẳng định vai trò trên bản đồ gạo xanh thế giới
Đầu tháng 6/2025, thương hiệu "Gạo Việt xanh phát thải thấp" từ Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao đã xuất khẩu đến thị trường Nhật Bản và chuẩn bị xuất khẩu sang thị trường Australia.
Một dấu ấn quan trọng trong nửa đầu năm là việc triển khai Đề án phát triển bền vững một triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại Đồng bằng sông Cửu Long. Riêng trong năm 2025, diện tích đăng ký thực hiện đề án đã vượt 312.000 ha.
![]() |
Mô hình canh tác lúa giảm phát thải ra đời như một hướng đi mới và là một phương pháp tư duy canh tác tiên tiến. |
Theo TS Trần Minh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải là bước chuyển lớn, không chỉ ở kỹ thuật mà còn là cách Việt Nam tuyên bố với thế giới rằng chúng ta sẵn sàng bước vào sân chơi phát triển xanh. Hạt lúa giờ không chỉ là kết tinh của cần cù, mà còn là biểu tượng của trí tuệ và sự chuyển đổi bền vững.
Với Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, tại cuộc làm việc ở Cần Thơ mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu hoàn thiện quy hoạch liên quan trong quý III/2025; xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam, phát triển thêm các thương hiệu mới, cùng với các thương hiệu nổi tiếng đã có như ST25. Ngân hàng Nhà nước triển khai chính sách ưu đãi về tín dụng, Bộ Tài chính giải quyết các vấn đề liên quan nguồn vốn của các tổ chức quốc tế; Bộ Công Thương đàm phán, ký kết, triển khai ngay các hiệp định về lúa gạo; các doanh nghiệp cung ứng nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất, bảo đảm đầu ra;…
Vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu là điều mà hiện nay mọi người đều quan tâm và muốn cùng chung tay giải quyết. Chính vì vậy, một sản phẩm vừa sạch vừa xanh sẽ bắt đúng xu hướng thị trường. Gạo giảm phát thải là xu hướng tiêu dùng mới và thị trường đang mở rộng, đặc biệt ở các thị trường cao cấp. Sản phẩm này hiện chỉ duy nhất Việt Nam có, là sự khác biệt lớn để làm nên thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
Tin khác

Giảm chi phí logistics – chìa khóa giữ lợi thế cho nông sản Việt

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ “nút thắt” cho ngành cà phê và cá ngừ

Việt Nam – Senegal thúc đẩy hợp tác thương mại chiến lược, lấy gạo làm điểm tựa

Chủ động bình ổn thị trường mùa mưa bão: Xử lý nghiêm đầu cơ, găm hàng, tăng giá

Bảo đảm an toàn hàng dự trữ, kịp thời xuất cấp trong mùa mưa bão

Việt Nam trở thành điểm sáng từ thành công của Chương trình OCOP

Xuất khẩu rau quả Việt Nam vững đà phục hồi, hướng tới mục tiêu kỷ lục 8 tỷ USD năm 2025

Thị trường gạo biến động, Bộ Công Thương hoàn thiện hành lang pháp lý mới nâng cao năng lực cạnh tranh

Triển lãm Vietnam ETE & Greenergy Expo 2025: Bệ phóng đầu tư xanh cho thị trường năng lượng
