Ngành nông nghiệp xuất siêu hơn 11,8 tỷ USD trong 8 tháng
Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 8 tháng ước đạt 40,08 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2023 |
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết (NN&PTNT), tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 8 tháng ước đạt 40,08 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2023. Giá trị xuất siêu nông lâm thủy sản 8 tháng đạt 11,8 tỷ USD, tăng 68,4%.
Chỉ riêng trong tháng 8/2024, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 5,55 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó xuất khẩu nông sản chính đạt 2,99 tỷ USD (tăng 22,6%), lâm sản 1,45 tỷ USD (tăng 4,7%), thủy sản 900 triệu USD (tăng 5%). Kim ngạch xuất khẩu ngành chăn nuôi là 46,5 triệu USD (giảm 4,8%) và đầu vào sản xuất 161 triệu USD (giảm 23%).
Theo Bộ NN&PTNT, kết quả 8 tháng có được là nhờ hầu hết các nhóm hàng đều tăng. Cụ thể, mặt hàng nông sản đạt 21,32 tỷ USD, tăng 24%; lâm sản 10,97 tỷ USD, tăng 19,7%; thủy sản 6,23 tỷ USD, tăng 7,6%; chăn nuôi 324 triệu USD, tăng 0,3%.
Một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao của ngành nông nghiệp như gỗ và sản phẩm gỗ với 10,24 tỷ USD, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm ngoái; cà phê đạt 4,03 tỷ USD, tăng 36,1% trong khi sản lượng xuất khẩu giảm gần 11,9%.
Mặt hàng gạo xuất khẩu đạt gần 3,85 tỷ USD, tăng 21,7%; sản lượng xuất khẩu đạt gần 6,16 triệu tấn, tăng 5,9%. Rau quả đạt 4,63 tỷ USD, tăng 30,6%; tôm 2,4 tỷ USD, tăng 9,5%; cá tra 1,19 tỷ USD, tăng 8,2%.
Giá xuất khẩu bình quân của một số mặt hàng xuất khẩu cũng tăng cao như: Gạo 625 USD/tấn, tăng 14,8%; càphê 3.805 USD/tấn, tăng 54,5%; cao su 1.567 USD/tấn, tăng 16,6%; hạt tiêu 4.810 USD/tấn, tăng 47%; chè 1.756 USD/tấn, tăng 2,2%. Riêng giá hạt điều giảm 1%, còn 5.701 USD/tấn.
Sầu riêng đông lạnh là một trong 3 mặt hàng sẽ được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Đây là bước tiến quan trọng trong quan hệ thương mại nông sản giữa Việt Nam - Trung Quốc. |
Về cơ cấu thị trường, Bộ NN&PTNT cho biết giá trị xuất khẩu vào các thị trường đều ghi nhận mức tăng. Trong đó, xuất khẩu sang khu vực châu Á ước đạt 19 tỷ USD (tăng 15,7%); châu Mỹ đạt 9,3 tỷ USD (tăng 22,3%); châu Âu 4,8 tỷ USD (tăng 30,5%); châu Phi 747 triệu USD (tăng 5,5%) và châu Đại Dương 563 triệu USD (tăng 12,8%).
Tính chung về thị phần, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất với giá trị xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng 21,4%, tăng 23,5%; Trung Quốc chiếm 20,4%, tăng 10,2% và Nhật Bản chiếm 6,7%, tăng 4,6%.
Trong những tháng cuối năm, Bộ NN&PTNT sẽ đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, liên minh kinh tế Á-Âu...
Đồng thời, tận dụng các hiệp định thương mại quốc tế, đặc biệt là Hiệp định Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông, lâm, thuỷ sản chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới.