Xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc: Hóa giải “mối lo” mùa vụ
Xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc: Hóa giải “mối lo” mùa vụ. |
Tăng giá trị toàn ngành sầu riêng thêm khoảng 20%
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cùng Tổng cục Hải quan của Trung Quốc vừa ký Nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, mở đường cho sản phẩm này đi vào Trung Quốc theo đường chính ngạch.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Giám đốc Công ty xuất khẩu nông sản Vina T&T thông tin, cộng đồng doanh nghiệp đang rất phấn khởi khi sầu riêng đông lạnh được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Đây là bước tiến mới giúp ngành sầu riêng nước ta tiếp tục bùng nổ trong thời gian tới.
“Vấn đề quan tâm hiện nay là năng lực cấp đông để bảo quản sầu riêng. Việt Nam sẽ cần đầu tư hệ thống cấp đông quy mô, hiện đại. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đã có nhiều DN đầu tư công nghệ cấp đông chuyên làm sầu riêng xuất khẩu đi các thị trường xa như Mỹ, EU... nên cũng không quá lo lắng”, ông Tùng nói.
Ông Tùng cho rằng, điều quan trọng nhất khi sầu riêng đông lạnh được xuất khẩu sang Trung Quốc là hóa giải “mối lo” vì áp lực mùa vụ thu hoạch vào cao điểm. Khi DN không kịp xuất khẩu hàng tươi, có thể đưa sang chế biến đông lạnh. Đặc biệt, nếu xuất khẩu sầu riêng tươi trên cùng một chuyến xe phải mất khối lượng rất lớn, nhưng khi chuyển sang xuất hàng đông lạnh, khối lượng và giá trị xuất khẩu sẽ tăng cao hơn nhiều.
Giám đốc Vina T&T dự báo, sầu riêng đông lạnh có thể giúp tăng giá trị toàn ngành sầu riêng thêm khoảng 20% so với năm ngoái, ước đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 2,5 tỷ USD trong năm nay.
Ông Tùng tính toán, chỉ riêng việc xuất khẩu sầu riêng đông lạnh vào thị trường Trung Quốc, Vina T&T dự kiến tăng thêm 30% doanh thu mỗi năm, tương đương khoảng 25 triệu USD trong thời gian tới.
Cuộc cạnh tranh với các đối thủ lớn
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam. |
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trước đây, sầu riêng đông lạnh chủ yếu được xuất khẩu sang Thái Lan, Mỹ và châu Âu với kim ngạch vài trăm triệu USD mỗi năm. Nay với cánh cửa rộng mở sang Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng dự kiến tăng đột biến. Nếu thị trường Trung Quốc chuyển sang tiêu thụ sầu riêng đông lạnh, Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh lớn.
Ông Nguyên cho biết Việt Nam sẽ có lợi thế về nguồn nguyên liệu khi có sầu riêng thu hoạch quanh năm. Chuyển sang xuất sầu riêng đông lạnh, yếu tố lợi thế nhất của Việt Nam là chi phí logistics (vì vị trí gần Trung Quốc) gần như bị loại bỏ khi cạnh tranh trực tiếp với hàng Thái Lan, Malaysia.
Thái Lan và Malaysia có công nghệ cấp đông rất nhanh, chỉ mất khoảng 1 tiếng cho một container 40 feet đạt nhiệt độ -18 độ C, Việt Nam cần đến 8 tiếng theo cách thức cũ là đưa vào kho lạnh. Điều này có nghĩa, công suất trung bình một ngày của các nước này gấp khoảng 9 – 10 lần so với Việt Nam, chưa kể đến chất lượng.
Không chỉ vậy, Chính phủ Thái Lan còn miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các đơn vị áp dụng công nghệ để hiện đại hóa sản xuất, thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, đào tạo bắt buộc để các bên học hỏi và giám sát lẫn nhau.
Chính phủ Thái Lan cũng đã thông qua luật nhằm bảo vệ những người thực hiện nghiên túc, trừng trị những người không thực hiện, có thể phạt tiền và phạt tù. Một điểm quan trọng nữa, người Thái Lan rất chuyên nghiệp trong thu hoạch, tạo ra chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn và đồng đều.
Theo tính toán của Vinafruit, năm ngoái, Trung Quốc bỏ ra khoảng 1 tỷ USD nhập khẩu sầu riêng đông lạnh. Đồng nghĩa với việc nếu làm tốt, Việt Nam có thể giành được khoảng 1/3 thị phần, tương đương thêm kim ngạch xuất khẩu 200 – 300 triệu USD.
“Trong tương lai Trung Quốc sẽ tăng nhập khẩu sầu riêng đông lạnh tách múi bởi vừa tiện lợi khi loại bỏ rác (vỏ) từ nguồn, vừa giảm chi phí vận chuyển. Sầu riêng đông lạnh có thể là mặt hàng chính mang lại giá trị cao”, ông Nguyên dự đoán.
Tại Thường vụ Quốc hội sáng 21/8, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan thừa nhận "Việt Nam đang đi sau thị trường Thái Lan, Malaysia về xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc".
Người đứng đầu ngành Nông nghiệp nhấn mạnh, nhiệm vụ hiện nay là đưa sầu riêng trở thành sản phẩm quốc gia, xây dựng lại vùng nguyên liệu tập trung, liên kết thành hợp tác xã đủ mạnh. Tuy nhiên, nhiệm vụ này còn nhiều khó khăn khi nền nông nghiệp nước nhà còn manh mún, nhỏ lẻ và tự phát.
Vụ sầu riêng Đông Nam bộ trúng lớn, giá tăng theo ngày xuất khẩu thuận lợi |
Những con số ấn tượng về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Thái Lan |
Trung Quốc chi hơn 2 tỷ USD để mua sầu riêng Việt Nam |