Đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển, nâng tầm sản phẩm OCOP Thủ đô
Hà Nội dẫn đầu cả nước về phát triển sản phẩm OCOP
Hà Nội là địa phương có nhiều sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) nhiều nhất của cả nước. Điều này không chỉ giúp Hà Nội phát triển kinh tế nông thôn mà còn giữ gìn bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa Vùng Đồng bằng sông Hồng. Nhằm phát huy tiềm năng và lan tỏa thương hiệu này, Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu... đưa sản phẩm OCOP vươn xa để du khách đến Hà Nội càng thêm yêu quý con người, văn hóa và sản vật Thủ đô.
![]() |
Sản phẩm OCOP của Hà Nội được nhiều người tiêu dùng đón nhận. |
Theo thống kê của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP. Hà Nội, tính đến tháng 6/2025, thành phố có 3.463 sản phẩm OCOP được đánh giá từ 3 sao đến 5 sao. Các chủ thể OCOP ngày càng chú trọng hơn đến thị trường: Đầu tư máy móc, tiêu chuẩn hóa quy trình sản xuất; xây dựng chỉ dẫn địa lý, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa; thiết kế bao bì phù hợp với nhu cầu tiêu dùng hiện đại.
Bên cạnh đó, sau khi được chứng nhận sản phẩm OCOP, các chủ thể được thành phố và địa phương hỗ trợ thiết kế bao bì, nhãn mác, hỗ trợ tem OCOP có gắn mã QR. Nhờ đó, sản phẩm OCOP của Hà Nội đã và đang trở thành thương hiệu quen thuộc, chinh phục được người tiêu dùng trong nước. Một số sản phẩm OCOP 4 sao và 5 sao còn được xuất khẩu tới nhiều nước trên thế giới.
Ngay giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội có làng nghề đúc đồng nổi tiếng với lịch sử ra đời cách đây 400 năm - làng nghề đúc đồng Ngũ Xã ở phường Ba Đình, Hà Nội được hình thành từ thế kỷ XVII và được coi là một trong "tứ nghệ" tinh hoa bậc nhất của kinh thành Thăng Long xưa. Để phát huy truyền thống do cha ông để lại những người thợ làng Ngũ Xã hôm nay luôn ấp ủ niềm đam mê, tiếp tục kế thừa tinh hoa nghệ thuật đúc đồng với mong muốn giữ nghề và đưa sản phẩm truyền thống đến gần hơn với đời sống hiện đại.
Tiêu biểu nhất ở làng Ngũ Xã hiện nay là gia đình nghệ nhân Bùi Thị Minh - gia đình duy nhất hiện nay có tới 4 thành viên được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân Hà Nội". Công ty TNHH Đúc đồng truyền thống Ngũ Xã của gia đình bà Minh đang sản xuất hàng trăm sản phẩm đúc đồng mang đậm dấu ấn văn hóa Việt, được chế tác công phu với hoa văn, họa tiết cổ truyền tinh xảo...
Thành phố đã phát triển được 110 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, tạo điều kiện để người tiêu dùng Thủ đô nhận diện và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội tổ chức các sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa vùng miền (các tỉnh miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, miền Trung và Tây Nguyên, Nam Bộ) cùng nhiều tuần hàng tư vấn, giới thiệu và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP, làng nghề, nông sản thực phẩm...
Đồng thời, TP. Hà Nội cũng đã ký kết hợp tác với nhiều tập đoàn bán lẻ như Central Retail, AEON, Winmart, Hapro để đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống phân phối hiện đại. Ngoài ra, các chủ thể còn được tập huấn kỹ năng bán hàng, xây dựng gian hàng số trên sàn thương mại điện tử như Postmart, Voso, Tiki, Lazada, Shopee…
Cần tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
Tính đến hết năm 2024, cả nước có gần 15.000 sản phẩm OCOP; trong đó, Hà Nội có 3.317 sản phẩm được chứng nhận (chiếm 22,1% tổng số sản phẩm của cả nước). Thế nhưng, Hà Nội mới có 6 sản phẩm được chứng nhận đạt 5 sao. Đây là con số rất khiêm tốn so với tiềm năng và lợi thế của Thủ đô.
Việc phấn đấu để có sản phẩm OCOP 5 sao đối với các chủ thể là vô vàn khó khăn bởi rất nhiều rào cản. Theo các chuyên gia nhận định, thực tế Hà Nội vẫn còn không ít sản phẩm OCOP chưa thoát khỏi quy mô nhỏ lẻ, thủ công, bao bì đơn giản, thông tin sản phẩm chưa đầy đủ, chưa truy xuất được nguồn gốc… dẫn đến khó khăn trong việc tiếp cận hệ thống phân phối lớn và tiêu chuẩn thị trường quốc tế.
Ngoài ra, nhiều chủ thể OCOP là hộ cá thể hoặc hợp tác xã nhỏ, năng lực quản trị hạn chế, thiếu nhân sự chuyên nghiệp về marketing, thiết kế, truyền thông nên sản phẩm dù tốt vẫn khó “chen chân” vào thị trường lớn.
![]() |
Ông Ngọ Văn Ngôn - Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP. Hà Nội phát biểu tại sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hoá các tỉnh Nam Bộ (ngày 19/6). |
Nhận định về vấn đề này, ông Ngọ Văn Ngôn, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP. Hà Nội cho biết, Văn phòng sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: Nâng cao năng lực cho chủ thể OCOP thông qua tập huấn chuyên sâu về phát triển sản phẩm, nghiên cứu thị trường, xây dựng thương hiệu, chuyển đổi số; thúc đẩy liên kết vùng, chuỗi giá trị giữa các hộ sản xuất với hợp tác xã và doanh nghiệp, nhà phân phối. Từ đó hình thành vùng nguyên liệu ổn định và sản xuất theo đơn hàng.
Hà Nội cũng sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới phân phối, gia tăng số điểm bán OCOP tại đô thị; ưu tiên trưng bày tại các điểm du lịch; hỗ trợ chi phí logistics và quảng bá trên sàn thương mại điện tử. Đồng thời, xây dựng chính sách hỗ trợ nâng cấp bao bì, kiểm định chất lượng, truy xuất nguồn gốc, cấp chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng… để sản phẩm OCOP đủ điều kiện cạnh tranh trên thị trường.
Cùng với xúc tiến thương mại theo phương thức truyền thống, việc thiết lập mối quan hệ hợp tác chiến lược với các công ty công nghệ cho thấy tầm nhìn của các doanh nghiệp hiện nay đang phát huy tối đa nguồn lực từ mọi nền tảng trong thời đại số; không chỉ dừng lại ở xuất khẩu sản phẩm mà còn thu hút khách du lịch đến để thưởng thức, trải nghiệm, mang giá trị văn hóa. Với tầm nhìn trên, khi các doanh nghiệp tại Việt Nam biến mỗi sản phẩm OCOP thành đại sứ văn hóa, thế giới sẽ biết đến một Việt Nam sáng tạo, giàu bản sắc và đầy tiềm năng.
Có thể bạn quan tâm
Tin khác

Xây dựng Nghị định về xuất xứ hàng hoá Việt Nam: Bộ Công Thương lấy ý kiến rộng rãi

Du lịch Việt Nam thu hút gần 10,7 triệu lượt khách trong nửa đầu năm 2025

Việt Nam - Brazil kết nối thị trường sản phẩm thiên nhiên

Việt Nam - Malaysia bắt tay xây dựng chuỗi lương thực ổn định vì an ninh khu vực

Những khoản tiền nào chuyển vào tài khoản cá nhân sẽ phải chịu thuế?

Y dược cổ truyền phát triển đúng tầm – hướng đi chiến lược cho ngành sản phẩm thiên nhiên

Gia tăng buôn lậu trên biển, Hải quan siết chặt kiểm soát toàn tuyến

Sản phẩm OCOP phải là thương hiệu, bản sắc quốc gia trên thị trường quốc tế

QLTT Hà Nội mở “mặt trận mới” chống hàng giả trên không gian mạng
