Đề nghị không đưa phân bón vào diện chịu 5% thuế giá trị gia tăng
Các đại biểu Quốc hội đề nghị giữ mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thuộc diện không chịu thuế giá trị gia tăng. |
Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6, chiều 29/8, đóng góp ý kiến vào mức thuế suất 5% đối với một số mặt hàng, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa) đề nghị giữ mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tàu khai thác thủy sản thuộc diện không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) như quy định hiện hành.
Lý do được đại biểu Mai Văn Hải đưa ra là thuế GTGT là thuế gián thu, người chịu thuế GTGT là người tiêu dùng cuối cùng. Việc chuyển phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sang chịu thuế suất 5% làm người nông dân phải chịu tác động lớn do giá các mặt hàng này sẽ tăng khi Luật Thuế GTGT (sửa đổi) có hiệu lực, dẫn đến tăng giá thành sản phẩm nông nghiệp.
Đồng quan điểm, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) cho rằng, nếu giữ quy định của Luật hiện hành thì doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Khoản thuế này được tính vào chi phí sản xuất nên sẽ làm tăng giá sản phẩm, từ đó làm giảm tính cạnh tranh so với các sản phẩm nhập khẩu.
Còn nếu đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5% thì sẽ xử lý được các bất cập liên quan đến hoàn thuế GTGT đầu vào của doanh nghiệp. Tuy nhiên, chắc chắn là khi tăng giá phân bón thì sẽ tác động đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người nông dân.
Mặc dù theo báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước báo cáo sẽ giảm giá nhưng theo quy luật thị trường, việc này không thể bảo đảm có diễn ra hay không, vì Nhà nước không thể bắt buộc doanh nghiệp giảm giá bán phân bón. Do đó, đại biểu Dương Khắc Mai chọn phương án là giữ như quy định hiện hành - mặt hàng phân bón không chịu thuế GTGT.
Đại biểu Mai Văn Hải, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa |
Trước đó, cho ý kiến về nội dung này tại Phiên họp Chuyên đề pháp luật tháng 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, áp thuế đối với mặt hàng phân bón sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, bởi theo báo cáo 73% lượng phân bón sản xuất trong nước, nếu áp thuế từ 0% sang 5% thì đây là thuế gián thu, người nông dân phải chịu giá trị đầu vào. Còn doanh nghiệp sản xuất phân bón được khấu trừ 5%, giúp tăng khả năng cạnh tranh giữa doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước với phân bón nhập khẩu.
Theo đại biểu, nếu áp thuế 5%, chắc chắn giá phân bón sẽ tăng lên, như vậy không thực hiện đúng tinh thần tại Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Do vậy, cần đảm bảo hài hòa giữa các lợi ích, nếu tiếp tục giữ mức 0%, giá phân bón trong nước không tăng và không ảnh hưởng đến người nông dân.
Đồng tình với quan điểm trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang cho biết, báo cáo đánh giá tác động cho thấy, nếu đánh thuế 5% đối với mặt hàng phân bón, mỗi một năm nhà nước sẽ thu khoảng 5.700 tỷ đồng, trong đó hoàn thuế cho doanh nghiệp khoảng 1.500 tỷ đồng, ngân sách nhà nước thu được 4.200 tỷ.
Theo đại biểu, áp thuế 5%, sau đó cam kết giảm giá bán là không thuyết phục. “Vấn đề ở chỗ, Nhà nước thu được 4.200 tỷ đồng, doanh nghiệp được hoàn từ ngân sách nhà nước 1.500 tỷ đồng, thu của người nông dân mà lại khẳng định giảm giá bán?. Đề nghị đánh giá rất sát chỗ này, bởi giá thành với giá bán là hoàn toàn khác nhau, giá bán phụ thuộc vào thế giới, do đó tôi đề nghị đánh giá rất cụ thể”, đại biểu Nguyễn Trường Giang nêu quan điểm.
Còn Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới phản ánh đời sống của người nông dân còn khó khăn, nếu áp thuế giá trị gia tăng 5% đối với mặt hàng phân bón, nông dân không có lãi, có thể dẫn tới tình trạng bỏ ruộng hoặc có phản ứng ngược, gây mất an toàn, an ninh trật tự ở nông thôn.