Tầm nhìn mới cho TP.HCM: Siêu đô thị quốc tế xanh và sáng tạo
Cuộc cách mạng về tầm nhìn và khát vọng
Tại buổi làm việc gần nhất với TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu trước ngày sáp nhập, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, việc hợp nhất TP.HCM với Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương đánh dấu bước chuyển mình mang tính bước ngoặt chưa từng có trong lịch sử phát triển đô thị Việt Nam. Đây là việc tái cấu hình toàn diện không gian phát triển, nơi ba cực kinh tế năng động bậc nhất cả nước hội tụ thành một siêu đô thị - tài chính - công nghiệp - cảng biển.
"Tầm nhìn mới cho TP.HCM mới là trở thành “siêu đô thị quốc tế” của Đông Nam Á - một đô thị thông minh, xanh, sáng tạo, tiêu biểu không chỉ về sức mạnh kinh tế mà cả sự phong phú về văn hóa, nghệ thuật, thể thao, giải trí và phong cách sống hiện đại, năng động", Tổng Bí thư nêu rõ yêu cầu.
![]() |
Một góc nhìn từ trên cao TPHCM hiện nay. (Ảnh internet) |
Trên bình diện cả nước, TS Trần Du Lịch - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98, cho rằng, việc tổ chức lại nền hành chính lần này là cuộc cách mạng mang tính lâu dài và có tầm nhìn dài hạn. Việc sáp nhập, hợp nhất các tỉnh, thành, tổ chức lại bộ máy chính quyền địa phương cũng thể hiện sự quyết tâm khắc phục các vấn đề về thể chế, tổ chức bộ máy và công tác cán bộ.
Nhìn nhận về thời cơ và vận hội của TP.HCM mới sau khi sáp nhập 3 địa phương, TS Trần Du Lịch cho rằng, TP.HCM có đủ nền tảng để trở thành một siêu đô thị với nhiều đặc điểm mà không có đô thị nào ở Đông Nam Á sánh được. TP.HCM mới hội tụ được lợi thế của các đô thị riêng lẻ, là trung tâm công nghiệp lớn, trung tâm tài chính, thương mại, du lịch biển đảo và nhiều lĩnh vực khác.
"TP.HCM mới sẽ có trung tâm tài chính, có khu thương mại tự do đã quy hoạch ở Cái Mép - Thị Vải. Như vậy, động lực tăng trưởng của thành phố mới là công nghiệp, thương mại quốc tế, hàng hải, logistics, tài chính và đặc biệt là công nghệ cao. Không có nơi nào hội tụ động lực tăng trưởng mạnh như vậy, chưa kể đây là địa phương cực kỳ hấp dẫn để phát triển một đô thị thông minh, hiện đại", TS Trần Du Lịch phân tích.
Kỳ vọng thành "siêu đô thị" sáng tạo, hiện đại của Việt Nam
Hiện tại, TP.HCM mới bước vào giai đoạn chuyển mình chiến lược để giữ vị thế đầu tàu kinh tế quốc gia, vươn tầm khu vực. Điểm nhấn thể chế nổi bật của thành phố là đề án Trung tâm Tài chính quốc tế, với kỳ vọng là nơi thử nghiệm thể chế mới, công nghệ tài chính tiên tiến, mô hình quản trị hiện đại.
Theo Vụ Liên Hiệp Quốc về vấn đề Kinh tế và Xã hội (UN DESA), những thành phố có hơn 10 triệu dân được xếp vào nhóm siêu đô thị. Như vậy, với dân số 14 triệu người sau sáp nhập, TP.HCM mới trở thành "siêu đô thị" đầu tiên của Việt Nam và thứ 4 của Đông Nam Á, sau Bangkok Metropolitan Region (BMR, Thái Lan), Jakarta (Indonesia) và Metro Manila (National Capital Region, Philippines).
UN DESA xếp hạng chung siêu đô thị và vùng siêu đô thị. Trong đó, vùng siêu đô thị hình thành dựa trên liên kết các thành phố liền kề nhau với hạt nhân là "thủ phủ" quốc gia. Ví dụ, Bangkok Metropolitan Region gồm Bangkok và 5 tỉnh kế cận, Metro Manila liên kết gần 20 thành phố có mức độ đô thị hoá cao.
![]() |
Sau sáp nhập, TP.HCM mới kỳ vọng thành siêu đô thị sáng tạo, hiện đại |
TP.HCM mới có diện tích 6.722 km2, dân số gần 14 triệu người với 168 đơn vị hành chính cấp xã; thu ngân sách ước tính 25% tổng thu cả nước, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt gần 2,4 triệu tỉ đồng.
So với các vùng siêu đô thị của khu vực, quy mô kinh tế của TP.HCM mới vẫn còn khoảng cách khi chỉ bằng khoảng 64% GRDP của Bangkok Metropolitan Region và 47% Jakarta Metropolitan Area. Dù vậy, mật độ dân cư của TP.HCM mới thấp hơn so với khu vực.
Trước sáp nhập, TP HCM là đầu tàu của cả nước, song sức ảnh hưởng trong khu vực và quốc tế hiện vẫn còn hạn chế. Năm 2024, AT Kearney, công ty tư vấn hàng đầu thế giới có trụ sở tại Mỹ, xếp hạng TP HCM vị trí 102 trong số 156 thành phố toàn cầu, giảm 8 bậc so với năm trước đó. Bảng xếp hạng của Kearney đo lường dựa trên 5 khía cạnh với 31 chỉ tiêu để đánh giá khả năng kết nối và ảnh hưởng của một thành phố với quốc tế (thành phố toàn cầu). Những ảnh hưởng này có thể tác động lên nhiều khía cạnh như thu hút dòng vốn, thu hút nhân sự và ý tưởng sáng tạo.
Tại khu vực, các thành phố lớn khác như Singapore, Bangkok, Kuala Lumpur, Jakarta và Manila đều được Kearney xếp trong top 100. Trong khi đó, hai khía cạnh trải nghiệm văn hoá và hoạt động chính trị được xếp hạng thấp so với khu vực đã ảnh hưởng đến tổng điểm chung của TP.HCM.
Song, TP.HCM cũng có những bước tiến trên bản đồ khởi nghiệp thế giới. Tính từ năm 2020 đến nay, TP.HCM đã tăng 115 bậc trên bảng xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp của các thành phố trên thế giới, theo StartupBlink, nền tảng nghiên cứu về khởi nghiệp toàn cầu. Trong báo cáo gần nhất, StartupBlink đánh giá TP.HCM đứng vị trí 110 và đã vượt qua Manila, tiến gần tới top 100 toàn cầu.
TP.HCM mới mở ra cơ hội để hướng đến sự phát triển bền vững trong tương lai, xây dựng một siêu đô thị hiện đại, có sức lan tỏa mạnh mẽ, là đầu tàu dẫn dắt sự phát triển kinh tế của Việt Nam và nâng cao vị thế trên trường quốc tế.
Có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Tin khác

Nhiều chính sách kinh tế mới có hiệu lực từ ngày 1/7/2025

Quốc hội thông qua chính sách giảm thuế VAT: Áp dụng từ 1/7/2025 đến hết năm 2026

Chỉ thu thuế với dòng tiền kinh doanh, không “soi” chuyển khoản cá nhân

Dầu ăn dành cho chăn nuôi bị tuồn vào bếp ăn người tiêu dùng: Cảnh báo khẩn từ Cục An toàn thực phẩm

Tín hiệu tích cực cho hàng Việt từ hội đàm cấp cao tại WEF 16 Thiên Tân

Thủ tướng chỉ đạo toàn diện: Huy động cả hệ thống tuyên chiến hàng giả, thuốc giả

Cơ hội và chiến lược phát triển thương hiệu quốc gia trong thời đại số

Nhân Cơ – Xã nông thôn mới kiểu mẫu từ nền tảng giáo dục

Kiến tạo nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nâng tầm giá trị thương hiệu Việt
