Cần lá chắn pháp lý đủ mạnh để bảo vệ doanh nghiệp trước hàng giả, hàng nhái
Tại tọa đàm “Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái và thông tin giả gây hại cho doanh nghiệp” được tổ chức vào sáng 10/7, các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp đã đưa ra nhiều cảnh báo đáng lo ngại về thực trạng hàng giả ngày càng tinh vi, được “hợp pháp hóa” bằng các thủ đoạn lách luật. Cùng với đó, khung pháp lý hiện hành còn nhiều bất cập, chưa đủ sức bảo vệ những doanh nghiệp làm ăn chân chính và những giá trị sáng tạo mà họ dày công xây dựng.
![]() |
Các kẽ hở trong hệ thống pháp luật, đặc biệt là quy định về sở hữu trí tuệ, đang vô tình tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái lộng hành (Ảnh minh họa) |
Phát biểu tại tọa đàm, Luật sư Trương Anh Tú – Chủ tịch TAT Law Firm, đại diện pháp lý của Công ty CP Nhựa Bình Minh – đã đưa ra cảnh báo về một hình thức tấn công pháp lý, nơi mà hàng giả không chỉ cạnh tranh bất chính mà còn có thể khởi kiện chính doanh nghiệp thật.
Theo ông Tú, hiện nay có hiện tượng một số cá nhân, tổ chức chủ động “đi trước” đăng ký các nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với thương hiệu đã có uy tín. Sau khi được cấp văn bằng bảo hộ, các chủ thể này quay lại khởi kiện doanh nghiệp thật vì hành vi “xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ” – dù thực tế thương hiệu đó đã được sử dụng ổn định trên thị trường từ trước.
“Trong một vụ việc chúng tôi bảo vệ, doanh nghiệp không chỉ bị đe dọa phải rút sản phẩm khỏi thị trường mà còn đối diện nguy cơ đứt gãy chuỗi phân phối và thiệt hại danh tiếng không thể đo đếm,” ông Tú dẫn chứng.
Theo ông Tú, gốc rễ của tình trạng này nằm ở quy định “nộp đơn trước được quyền trước” (first-to-file) trong Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Nguyên tắc này được áp dụng mà không cần xem xét việc sử dụng thực tế của nhãn hiệu trên thị trường. “Việc chỉ dựa vào thời điểm nộp đơn mà bỏ qua yếu tố sử dụng thực tế khiến pháp luật vô tình trở thành công cụ sát thương doanh nghiệp, thay vì là hệ thống bảo vệ sáng tạo và uy tín,” ông nhấn mạnh.
Ông Tú so sánh với hệ thống pháp luật của Mỹ, nơi áp dụng nguyên tắc “sử dụng trước có quyền trước” (first-to-use), cho phép bảo vệ thương hiệu dựa trên thực tiễn sử dụng liên tục và công khai – từ đó ngăn chặn các hành vi chiếm đoạt không lành mạnh.
Ngoài “bẫy pháp lý”, ông Tú cũng cảnh báo về “vũ khí truyền thông bẩn” khi nhiều doanh nghiệp bị bôi nhọ bởi tin giả trên mạng xã hội. “Chỉ trong hai tuần sau một đoạn clip thất thiệt đăng trên TikTok, một thương hiệu thực phẩm chức năng đã sụt giảm tới 40% doanh thu,” ông dẫn chứng.
![]() |
Hiện nay pháp luật chưa có định nghĩa rõ ràng về “hàng nhái” (Ảnh minh họa) |
Ở góc độ chính sách, Luật sư Phạm Công Hùng – nguyên Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao – thẳng thắn cho rằng những bất cập trong pháp luật hiện hành chính là nguyên nhân khiến hàng giả, hàng nhái có cơ hội tồn tại và lộng hành.
Ông Hùng chỉ ra rằng hiện nay pháp luật chưa có định nghĩa rõ ràng về “hàng nhái” – một khái niệm thường dùng để chỉ những sản phẩm làm giống hoặc tương tự với hàng chính hãng nhưng không vi phạm nhãn hiệu một cách trực tiếp. “Chính sự mập mờ đó đã tạo ra một ‘vùng xám’ pháp lý tiềm ẩn rủi ro lớn cho doanh nghiệp và người tiêu dùng,” ông nói.
Luật sư Hùng cho biết, hiện các cơ quan chức năng đang vận dụng các quy định về hàng giả theo Nghị định 98 và Điều 192 Bộ luật Hình sự để xử lý, nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế, chưa thể xử lý tận gốc vấn đề.
Từ thực tế đó, ông Hùng đề xuất cần nhanh chóng nghiên cứu và ban hành chế tài riêng dành cho hành vi làm hàng nhái. Đồng thời, ông đưa ra giải pháp mang tính xây dựng cao: sau khi xử phạt, nên có hướng dẫn để những người từng sản xuất hàng nhái có thể hợp pháp hóa hoạt động bằng cách đăng ký chất lượng sản phẩm theo đúng quy định.
Việc hoàn thiện khung pháp lý không chỉ giúp thị trường minh bạch hơn mà quan trọng nhất là để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển hợp pháp - ông Hùng nhấn mạnh.
Nhiều diễn giả đồng tình rằng hàng giả, hàng nhái, thông tin giả không còn là vấn đề riêng của doanh nghiệp nào, mà là mối đe dọa chung đối với sự phát triển bền vững của thị trường. Đặc biệt, khi thủ đoạn ngày càng tinh vi và lợi dụng chính những kẽ hở pháp lý để “tấn công ngược”, thì điều cấp thiết không chỉ là xử lý vi phạm, mà còn phải cải cách chính sách từ gốc.
Có thể bạn quan tâm
Tin khác

Giá xăng vượt mốc 20.000 đồng/lít từ 15h hôm nay

Giá tiêu trong nước ổn định, Campuchia nổi lên thành tâm điểm thị trường toàn cầu

Giá cà phê nội địa tăng nhẹ giữa làn sóng giảm sâu của thị trường thế giới

Giá vàng trong nước ngược chiều thế giới, tỷ giá USD hạ nhiệt: Nhà đầu tư nên làm gì?

Giá tiêu hôm nay dao động quanh 140.000 đồng/kg, thị trường thế giới phân hóa nhẹ

Cà phê nội địa giảm sâu 3.800 đồng/kg, kỳ vọng bật lại nhờ thị trường quốc tế

Xuất khẩu rau quả 2025: Dừa vươn lên thành điểm sáng, sầu riêng – thanh long hụt hơi

Giá tiêu trong nước tăng mạnh, xuất khẩu Việt Nam vượt trội so với thế giới

Giá cà phê trong nước đối mặt áp lực giảm mạnh do nguồn cung toàn cầu tăng vọt
