Xuất khẩu chững lại, doanh nghiệp kỳ vọng bứt tốc nửa cuối năm 2025
Xuất khẩu chịu tác động mạnh từ chính sách thuế quan
Theo báo cáo Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (Purchasing Managers’ Index - PMI) do S&P Global công bố sáng 1/7/2025, chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam tháng 6 đã giảm xuống mức 48,9 điểm, thấp hơn mức 49,8 điểm của tháng trước. Đây là tháng thứ ba liên tiếp chỉ số PMI nằm dưới ngưỡng 50 điểm, báo hiệu sự suy giảm nhẹ của các điều kiện kinh doanh vào thời điểm kết thúc nửa đầu năm.
Trọng tâm của sự suy giảm trong tháng 6/2025 là sự giảm sút số lượng đơn đặt hàng mới, tiếp diễn tháng thứ ba liên tiếp. Dù mức giảm trong tháng 6 chỉ được ghi nhận là nhẹ, nhưng tốc độ giảm lại nhanh hơn so với tháng 5. Đáng chú ý, sự suy yếu của nhu cầu thể hiện rõ rệt ở lĩnh vực xuất khẩu, khi số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài giảm với mức độ lớn hơn nhiều so với tổng số đơn hàng mới. Đây cũng là một trong hai mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2021, tương đương với mức sụt giảm được ghi nhận trong tháng 5/2023.
![]() |
Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam tháng 6/2025 đã giảm xuống mức 48,9 điểm. |
Nguyên nhân chủ yếu được các doanh nghiệp tham gia khảo sát xác định là do chính sách thuế quan của Mỹ, tác động trực tiếp đến sức mua từ các đối tác thương mại. Tổng số lượng đơn đặt hàng mới suy giảm đã kéo theo loạt thay đổi trong hoạt động sản xuất, trong đó bao gồm việc cắt giảm nhân công, hạn chế mua sắm nguyên vật liệu và giảm tồn kho.
Bình luận về hoạt động sản xuất, Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, nói: "Tháng 6 chứng kiến tình trạng yếu đi của nhu cầu quốc tế đối với hàng hóa sản xuất của Việt Nam khi ảnh hưởng của thuế quan đã mạnh hơn. Xuất khẩu giảm mạnh đã góp phần làm tổng số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục giảm và các công ty phải giảm việc làm và hoạt động mua hàng".
Song song với đó, tồn kho nguyên vật liệu và hàng thành phẩm đều giảm mạnh. Cuối quý II, tốc độ giảm tồn kho được ghi nhận là nhanh nhất trong vòng lần lượt 9 và 5 tháng. Đây là tín hiệu cho thấy các doanh nghiệp đang chủ động điều chỉnh quy mô sản xuất, đồng thời phản ánh thực trạng đầu ra của sản phẩm chưa có dấu hiệu khởi sắc.
Về chi phí, sau khi giảm trong tháng 5, chi phí đầu vào đã tăng nhẹ trở lại trong tháng 6. Theo khảo sát, nguyên nhân là do tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu và sự mất giá của tiền đồng so với đô la Mỹ. Sự gia tăng chi phí đầu vào đã khiến các doanh nghiệp phải điều chỉnh giá bán, chấm dứt chuỗi năm tháng giảm giá liên tiếp. Tuy nhiên, mức tăng giá đầu ra vẫn được ghi nhận là nhẹ và dưới mức trung bình của lịch sử khảo sát.
Tình trạng thiếu hụt nguồn cung cũng ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động giao hàng. Thời gian giao hàng của nhà cung cấp bị kéo dài do kết hợp nhiều yếu tố như khan hiếm nguyên liệu, thời tiết xấu và sự chậm trễ trong khâu vận tải. Hiệu suất hoạt động của nhà cung cấp trong tháng 6 bị đánh giá là suy giảm mạnh, với mức độ tồi tệ nhất kể từ tháng 2/2025.
![]() |
Nhiều doanh nghiệp sản xuất kỳ vọng vào khả năng phục hồi trong nửa cuối năm 2025 (Ảnh minh họa) |
Niềm tin doanh nghiệp đang hồi phục
Dù nhu cầu thị trường đang ở mức yếu, các nhà sản xuất Việt Nam vẫn tiếp tục tăng sản lượng trong tháng 6, đánh dấu tháng thứ hai liên tiếp sản lượng tăng trưởng. Tuy nhiên, tốc độ tăng lần này chậm hơn so với tháng 5. Đây được xem là một trong những điểm sáng hiếm hoi trong báo cáo PMI lần này, cho thấy một bộ phận doanh nghiệp vẫn kỳ vọng vào khả năng phục hồi trong nửa cuối năm.
Một yếu tố quan trọng khác mang lại hy vọng cho ngành sản xuất là chỉ số niềm tin kinh doanh tiếp tục tăng trưởng, sau khi chạm mức thấp nhất trong 44 tháng vào tháng 4/2025. Dù mức độ lạc quan hiện tại vẫn thấp hơn trung bình lịch sử, xu hướng tăng trở lại của chỉ số này cho thấy nhiều doanh nghiệp đang đặt kỳ vọng vào một thị trường ổn định hơn trong thời gian tới, cùng với khả năng giảm bớt các căng thẳng thương mại.
Theo Ông Andrew Harker, nửa đầu năm 2025 mang nét đặc trưng của sự biến động và bất ổn, đặc biệt là liên quan đến hoạt động thương mại. Niềm tin kinh doanh đã hồi phục ở mức nhất định trong những tháng gần đây, nhưng tâm lý tích cực chủ yếu dựa vào hy vọng về một bức tranh ổn định hơn trong thời gian tới.
Đánh giá chung cho thấy nửa đầu năm 2025 của ngành sản xuất Việt Nam bị chi phối bởi sự biến động và bất ổn, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại quốc tế. Những chuyển động này khiến các doanh nghiệp trong ngành phải vừa xoay sở với những khó khăn ngắn hạn, vừa chuẩn bị tâm thế đón chờ một giai đoạn ổn định hơn. Với sự phục hồi dần của niềm tin kinh doanh và hy vọng về điều chỉnh chính sách từ các đối tác thương mại lớn, các doanh nghiệp đang đặt nhiều kỳ vọng vào sự cải thiện trong nửa cuối năm.
Tin khác

Từ 1/7: 32 thủ tục hành chính về đất đai được giao cho cấp tỉnh thực hiện

Xuất khẩu nông lâm thủy sản bứt tốc, tăng mạnh nhất trong 3 năm qua

Tầm nhìn mới cho TP.HCM: Siêu đô thị quốc tế xanh và sáng tạo

Nhiều chính sách kinh tế mới có hiệu lực từ ngày 1/7/2025

Quốc hội thông qua chính sách giảm thuế VAT: Áp dụng từ 1/7/2025 đến hết năm 2026

Chỉ thu thuế với dòng tiền kinh doanh, không “soi” chuyển khoản cá nhân

Dầu ăn dành cho chăn nuôi bị tuồn vào bếp ăn người tiêu dùng: Cảnh báo khẩn từ Cục An toàn thực phẩm

Tín hiệu tích cực cho hàng Việt từ hội đàm cấp cao tại WEF 16 Thiên Tân

Thủ tướng chỉ đạo toàn diện: Huy động cả hệ thống tuyên chiến hàng giả, thuốc giả
