Gia tăng buôn lậu trên biển, Hải quan siết chặt kiểm soát toàn tuyến
![]() |
Gia tăng buôn lậu trên biển, Hải quan siết chặt kiểm soát toàn tuyến |
Tuyến đường biển tiếp tục là điểm nóng về buôn lậu trong nửa đầu năm 2025. Theo thống kê từ Cục Hải quan, số vụ vi phạm trên biển chiếm hơn một nửa (53,2%) tổng số vụ được phát hiện, chủ yếu tập trung tại các cảng biển lớn như Đình Vũ, Tân Vũ, Cát Lái, ICD Phước Long, Hiệp Phước, Cái Mép… Các hành vi vi phạm phổ biến gồm khai sai tên hàng, mã số, trị giá hải quan, xuất xứ nhằm trốn thuế hoặc hợp thức hóa hàng hóa không rõ nguồn gốc.
Bên cạnh đường biển, tình trạng mua bán, vận chuyển trái phép hàng hóa cũng diễn ra mạnh mẽ trên các tuyến đường bộ và hàng không. Tại biên giới Việt – Lào, Việt – Trung, Việt – Campuchia, lực lượng chức năng ghi nhận nhiều vụ vi phạm liên quan đến pháo nổ, đường kính trắng, thực phẩm đông lạnh, thuốc lá điếu... Trong khi đó, tuyến hàng không lại nổi lên các hoạt động vận chuyển trái phép chất ma túy, tiền tệ, vàng với thủ đoạn ngày càng tinh vi, núp bóng dưới hình thức chuyển phát nhanh, thương mại điện tử hay ký gửi hàng hóa.
Trước tình hình đó, công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại được ngành Hải quan triển khai đồng bộ, quyết liệt. Trong 6 tháng đầu năm 2025, toàn ngành đã phát hiện, xử lý 8.561 vụ vi phạm pháp luật hải quan, trị giá hàng hóa ước tính lên đến 13.614 tỷ đồng. Số tiền thu nộp ngân sách từ xử phạt đạt khoảng 461,36 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan cũng đã khởi tố 8 vụ án, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 54 vụ.
Đặc biệt, trong lĩnh vực phòng chống ma túy, lực lượng Hải quan chủ trì hoặc phối hợp bắt giữ 103 vụ/110 đối tượng, thu giữ gần 2 tấn ma túy các loại – tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Triển khai Kế hoạch số 01/KH-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 15/5/2025 về tháng cao điểm tấn công buôn lậu, chỉ trong một tháng (15/5 – 15/6), Cục Hải quan đã chủ trì, phối hợp bắt giữ 93 vụ vi phạm, với tổng giá trị hàng hóa lên tới hơn 1.621 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý có 12 vụ liên quan đến hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trị giá hơn 1.600 tỷ đồng và 81 vụ vi phạm về hàng hóa ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Ngoài ra, lực lượng Hải quan còn chủ động ban hành nhiều cảnh báo về các thủ đoạn gian lận mới, đặc biệt liên quan đến xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, cùng các mặt hàng "nóng" như ma túy, tiền chất, hàng chịu thuế suất cao theo chính sách thương mại của Mỹ...
Với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 của Bộ Tài chính, Cục Hải quan tiếp tục khẳng định vị thế nòng cốt trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, đồng thời tham mưu nhiều chính sách quan trọng như dự thảo quyết định kiện toàn Ban chỉ đạo hay các kế hoạch kiểm tra đôn đốc tại các điểm nóng như Hải Phòng, Quảng Ninh.
Cuộc chiến chống buôn lậu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng với sự quyết tâm cao và các giải pháp đồng bộ, lực lượng Hải quan đang từng bước kiểm soát, thu hẹp các điểm nóng, góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia và quyền lợi người tiêu dùng trong nước.
Có thể bạn quan tâm
Tin khác

Sản phẩm OCOP phải là thương hiệu, bản sắc quốc gia trên thị trường quốc tế

QLTT Hà Nội mở “mặt trận mới” chống hàng giả trên không gian mạng

Bộ Công an: Thực phẩm giả được sản xuất theo chuỗi khép kín, tổ chức tinh vi

“Chìa khoá số” mở đường cho ngành điện tử Việt Nam trong kỷ nguyên AI và chuỗi cung ứng mới

Xuất khẩu chững lại, doanh nghiệp kỳ vọng bứt tốc nửa cuối năm 2025

Từ 1/7: 32 thủ tục hành chính về đất đai được giao cho cấp tỉnh thực hiện

Xuất khẩu nông lâm thủy sản bứt tốc, tăng mạnh nhất trong 3 năm qua

Tầm nhìn mới cho TP.HCM: Siêu đô thị quốc tế xanh và sáng tạo

Nhiều chính sách kinh tế mới có hiệu lực từ ngày 1/7/2025
