Vàng trong nước đắt hơn thế giới gần 14 triệu đồng/lượng, người mua “lướt sóng” lỗ nặng
Giá vàng SJC “lên đồng” vượt 85 triệu đồng/lượng, cách nào ghìm cương? Giá vàng tăng như vũ bão, nhiều nhà đầu tư đổ xô bán chốt lời Chuyên gia: Khó ổn định thị trường vàng trong giai đoạn này |
Vàng trong nước đắt hơn thế giới gần 14 triệu đồng/lượng. |
Vàng SJC neo ở mức cao
Ngày 29/4, Công ty vàng bạc đá quý Mi Hồng giảm giá vàng miếng từ 300.000 - 400.000 đồng mỗi lượng xuống còn 82,7 triệu đồng ở chiều mua vào, bán ra 84,1 triệu đồng.
Công ty vàng bạc đá quý Phú Quý giảm 300.000 đồng mỗi lượng vàng miếng, xuống còn 82,9 triệu đồng chiều mua vào, bán ra 84,9 triệu đồng… Giá vàng miếng SJC cao hơn thế giới 13,5 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Công ty Bảo Tín Minh Châu đứng tại mức 83,25 - 85,1 triệu đồng/lượng. Chênh lệch mua - bán 1,85 triệu đồng/lượng.
Giá vàng miếng tuần qua trải qua tuần giao dịch biến động tăng giảm thất thường và bật tăng trở lại vượt đỉnh 85 triệu đồng/lượng. Nếu so sánh với giá tuần trước, giá vàng miếng SJC tăng 1 triệu đồng/lượng chiều mua và tăng 1,2 triệu đồng/lượng chiều bán. Tuy nhiên, chênh lệch giá mua vào - bán ra được các doanh nghiệp nới rộng ở ngưỡng 2,2 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới giảm mạnh 15 USD/ounce vào sáng 29.4, xuống còn 2.323 USD/ounce. Trong tuần trước, kim loại quý đã giảm 2% nhưng một số chuyên gia dự báo giá vàng trong tuần này sẽ đi lên.
Giám đốc điều hành Marc Chandler của Bannockburn Global Forex cho rằng, giá vàng có thể kiểm tra mức 2.370 USD/ounce trong những ngày tới. Dữ liệu tác động đến hướng đi của vàng trong tuần này là báo cáo liệu việc làm. Báo cáo này làm thất vọng có thể khiến đồng USD và lợi suất giảm xuống, đồng thời nâng giá vàng lên. Tương tự, Chủ tịch Adrian Day của Adrian Day Asset Management cũng dự báo một bức tranh lạc quan về vàng trong tuần này. Dù nhu cầu vàng trên thế giới có chậm lại nhưng vẫn đang tăng và đó là tín hiệu tích cực đối với kim loại quý này.
Người mua vàng “lướt sóng” thua lỗ nặng nề
Người mua vàng “lướt sóng” lỗ nặng. |
Do mức giá chênh lệch mua - bán được nới rộng khiến người mua vàng thua lỗ nặng nề nếu đầu tư “lướt sóng”, ngắn hạn.
Với giá vàng nhẫn, tại Bảo Tín Minh Châu niêm yết 74,58 - 76,18 triệu đồng/lượng. Chênh lệch mua vào - bán ra 1,6 triệu đồng/lượng.
Vàng nhẫn của Tập đoàn Doji niêm yết 74,8 - 76,5 triệu đồng/lượng. Chênh lệch mua vào - bán ra 1,7 triệu đồng/lượng.
Chị Nguyễn Thu Hằng (ở quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, cách đây 5 ngày khi thấy giá vàng SJC tăng sau khi Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng lần 1 “ế”, chị Hằng mua vào 10 lượng vàng miếng SJC với giá 84,3 triệu đồng/lượng. Hiện giá vàng tăng hơn 85 triệu đồng/lượng nhưng chênh lệch mua vào - bán ra lớn. Nếu bán ra thời điểm này, chị Hằng lỗ hơn 1 triệu đồng/lượng. Như vậy, chỉ chưa đến 1 tuần, chị Hằng lỗ hơn 10 triệu đồng/lượng.
Anh Minh Đức (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Cách đây 3 hôm, tôi không mua được vàng nhẫn nên đành mua vàng miếng SJC. Giá tôi mua 84,25 triệu đồng/lượng. Vì mức giá này chưa bằng mức đạt đỉnh đã lập trước đó nên tôi vẫn kỳ vọng giá tăng hơn nữa nên mua 15 lượng”.
Tuy nhiên, hiện giá vàng miếng SJC có tăng hơn 1 triệu đồng/lượng nhưng sau 3 ngày anh Đức bán ra thời điểm này lỗ hơn 15 triệu đồng/lượng vì mức chênh lệch mua vào - bán ra lớn.
Để ổn định thị trường vàng, chỉ trong 1 tuần, NHNN đã đưa ra 3 phiên đấu thầu vàng miếng SJC. Tuy nhiên, duy chỉ có phiên ngày 23/4 có đủ số thành viên tham gia. Mặc dù vậy, cũng chỉ có 2 đơn vị trúng thầu với số lượng rất khiêm tốn, 3.400 lượng, tương ứng với khoảng 8% lượng vàng được mang ra đấu thầu.
Số lượng vàng này rõ ràng không đủ để thị trường “giải cơn khát vàng”. Cùng với đó, nhu cầu mua vàng trong dịp lễ 30/4 – 1/5 cũng tăng cao đã góp phần đẩy giá vàng trong nước lên mức cao kỷ lục.
TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, cho rằng “giải pháp căn cơ nhất, dài hạn nhất và phù hợp thông lệ quốc tế là phải cho xuất nhập khẩu vàng tự do, sản xuất kinh doanh vàng tự do”.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, các cơ quan quản lý nên cho phép một số công ty kinh doanh vàng bạc đủ điều kiện, tự xuất nhập khẩu và kinh doanh vàng miếng và vàng trang sức.
“Nhà nước nên trả lại vàng SJC cho chính thương hiệu sản xuất ra nó, để họ kinh doanh bình thường như các thương hiệu vàng khác trong nước. Chỉ có như vậy thì chúng ta mới có một thị trường vàng hoàn toàn ổn định”, ông cho hay.