Chuyên gia: Khó ổn định thị trường vàng trong giai đoạn này
Giá vàng miếng SJC neo trên mốc 85 triệu đồng/lượng. Ảnh Thanhnien.vn |
Giá vàng SJC neo cao
Sáng nay (28/4), giá vàng miếng SJC neo trên mốc 85 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng nhẫn bất ngờ giảm.
Cụ thể, công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC 83 - 85,2 triệu đồng/lượng mua vào -bán ra, giữ nguyên giá so với ngày hôm qua.
Giá vàng SJC tại Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu 83,25 - 85,1 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.
Trong khi đó, giá vàng nhẫn quay đầu giảm nhẹ. Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết nhẫn tròn trơn 74,58 - 76,18 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng so với sáng qua.
Vàng nhẫn của Tập đoàn Doji niêm yết 74,8 - 76,5 triệu đồng/lượng, giảm 250.000 đồng/lượng chiều mua và giảm 200.000 đồng/lượng chiều bán.
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng nhẫn 73,8 - 75,5 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.
Cùng thời điểm, giá vàng thế giới ở mức 2.338 USD/ounce. Giá vàng thế giới khoảng 71 triệu đồng/lượng chưa kể thuế, phí.
Hiện, giá vàng miếng SJC vẫn cao hơn thế giới hơn 14 triệu đồng/lượng.
Nên điều chỉnh lại mức giá tham chiếu
11 đơn vị bao gồm 7 ngân hàng và 4 doanh nghiệp tham gia phiên đấu thầu vàng miếng sáng ngày 23/4. |
PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM, cho hay, giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc tại phiên đấu ngày 23/4 ở mức 80,7 triệu đồng/lượng, trong khi thời điểm đó giá trên thị trường chỉ 82-83 triệu đồng/lượng.
“Như vậy giá chào thầu vẫn cao, các doanh nghiệp sẽ thấy không có lợi nhuận khi tham gia đấu thầu.
“Giá mua đã trên 80 triệu đồng/lượng thì không có chuyện các doanh nghiệp đấu thầu bán dưới mức giá 80 triệu đồng/lượng. Đấu thầu vì thế chỉ là giải pháp tình thế của NHNN, để kéo dài thời gian, chứ không có tác động với thị trường vàng ở thời điểm hiện tại”, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân nhận xét.
Tuy nhiên, ông cũng nhìn nhận, NHNN cũng đang rơi vào thế khó khi vừa phải bình ổn tỷ giá, vừa phải bình ổn thị trường vàng. Trong khi đó, tỷ giá gần đây “nổi sóng”, áp lực rất nhiều, nên giờ nhập khẩu thêm vàng là không khả thi.
Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, đánh giá, đấu thầu vàng miếng là biện pháp hữu hiệu để tăng cung, vẫn nên đấu thầu tiếp. Tuy nhiên, theo ông, nên điều chỉnh lại mức giá tham chiếu, bởi muốn hạ mức giá chênh lệch xuống nhưng lại đưa giá cao thì mâu thuẫn với mục đích.
“Phải đưa giá tham chiếu thấp hơn giá thị trường mới kéo giá vàng xuống được, còn đưa giá cao hơn thị trường thì giá càng ngày càng tăng”, ông Khánh góp ý.
Đồng quan điểm, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân khẳng định, nếu những phiên đấu thầu vàng sắp tới giá tham chiếu vẫn để mức cao sẽ không thành công.
“Phải giảm giá tham chiếu xuống thấp hơn nữa. Chẳng hạn, có thể chỉ khoảng 75 triệu đồng/lượng, doanh nghiệp mua về và bán ra ở mức 77-78 triệu đồng/lượng. Doanh nghiệp vừa có lời và giá vẫn thấp hơn giá thị trường. Khi đó mới có thể kéo giá trong nước sát với giá thế giới”, ông Huân nói.
Trong khi đấu thầu vàng miếng “ế” thì người dân lại đua nhau đi mua vàng nhẫn, khiến nhiều cửa hàng không còn vàng để bán.
Theo các chuyên gia, cần cho phép một số doanh nghiệp được nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ. Ông Khánh lý giải, không cho nhập khẩu thì nguy cơ nhập lậu ngày càng gia tăng. Do đó, muốn trị nhập lậu, cần cho nhập chính thức, chính ngạch, tự nhiên sẽ triệt tiêu được buôn lậu vàng.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân cũng cho rằng, cần tăng cung vàng bằng cách cho các doanh nghiệp nhập khẩu vàng theo hạn ngạch.
Tuy nhiên, ông đoán rằng, khi tỷ giá đang cao thì chuyện cho nhập khẩu khó được chấp nhận.
“Giai đoạn này, rất có thể NHNN phải 'hy sinh' thị trường vàng, vì trong giai đoạn này rất khó để ổn định được”, ông Huân đánh giá.
Chuyên gia hiến kế để vàng đấu thầu thoát ế |
Ngày mai (25/4) tiếp tục đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC |
Vì sao nhiều doanh nghiệp muốn tham gia đấu thầu vàng vẫn phải đứng ngoài cuộc? |