Chuyên gia hiến kế để vàng đấu thầu thoát ế
Ngân hàng Nhà nước lần đầu tiên tổ chức đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC, sau 11 năm. |
Vàng đấu thầu ế khách
Sáng 23/4, Ngân hàng Nhà nước lần đầu tiên tổ chức đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC, sau 11 năm dừng hoạt động này.
Có 11 đơn vị tham gia đấu thầu, gồm 7 ngân hàng là VPBank, HDBank, Techcombank, Eximbank, MSB, ACB, Sacombank và 4 doanh nghiệp gồm SJC, DOJI, PNJ, Phú Quý.
Trưa ngày 23/4, Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông báo kết quả đấu thầu vàng miếng. Theo đó, chỉ có hai thành viên trúng thầu với tổng khối lượng là 34 lô, tương đương 3.400 lượng vàng.
Giá trúng thầu cao nhất là 81,33 triệu đồng/lượng, còn giá trúng thầu thấp nhất là 81,32 triệu đồng/lượng, cũng là mức giá mà Ngân hàng Nhà nước phát ra sáng qua.
Theo đó, Hai đơn vị trúng thầu hôm nay là Công ty SJC và Ngân hàng ACB. Trong đó Công hy SJC trúng thầu 2.000 lượng, giá 81,33 triệu đồng/lượng. Còn ACB trúng thầu 1.400 lượng với giá 81,32 triệu đồng/lượng.
Ngân hàng Nhà nước quy định mỗi đơn vị được phép đặt thầu với khối lượng tối thiểu 1.400 lượng, tối đa 2.000 lượng. Giá sàn bỏ thầu sáng nay Ngân hàng Nhà nước công bố là 81,3 triệu đồng, kém khoảng 1 triệu đồng so với giá nhà vàng bán ra cho thị trường.
Một trong những nguyên nhân khiến các đơn vị tham gia đấu thầu vàng miếng tỏ ra thận trọng và không dám "ôm" vàng với số lượng lớn là vì giá vàng thế giới liên tục lao dốc, giảm mạnh hơn nhiều so với kỳ vọng của nhà đầu tư.
Theo đánh giá của ông Huỳnh Trung Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, việc Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng ở thời điểm này và lại yêu cầu số lượng mua tối thiểu là 1.400 lượng cũng khiến các đơn vị tham gia đấu giá hết sức cân nhắc.
Ông Khánh cho rằng, 1.400 lượng vàng miếng SJC ở thời điểm này tương đương hơn 113 tỷ đồng. Bỏ ra số tiền khổng lồ nếu trúng thầu nhưng không biết có tiêu thụ kịp không vì sức mua của thị trường lúc này rất chậm.
"Tôi tham khảo một số doanh nghiệp vàng thì 1.400 lượng vàng tương đương số lượng mà họ bán ra trong vòng một tuần. Chưa kể rủi ro về giá, vì giá vàng thế giới hiện nay biến động trong biên độ rất lớn", ông Khánh thông tin thêm.
Nên điều chỉnh giảm khối lượng đấu thầu
Quang cảnh buổi đấu thầu vàng đầu tiên được Ngân hàng Nhà nước mở lại sau 11 năm vào sáng nay - Ảnh: Hải Nam |
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long lưu ý, cần xem dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước cũng như dự báo xu hướng biến động giá vàng. Đặc biệt, cần biết được nhu cầu vàng hiện nay là bao nhiêu.
“Vẫn nên tiếp tục đấu thầu thời gian tới, nhưng cần tìm hiểu nhu cầu là bao nhiêu? Mỗi phiên đấu thầu, số lượng đưa ra đấu bao nhiêu cũng cần tính toán hợp lý hơn để thu hút các đơn vị tham gia tăng lên. Đồng thời, quy định giá tối thiểu nhưng cũng cần quy định giá bán tối đa, không được bán vượt giá trần quy định khi trúng đấu thầu”, ông Long nói.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng cho rằng, dùng biện pháp đấu thầu chỉ giải quyết được vấn đề cấp bách. Do vậy, cũng cần tính biện pháp lâu dài. Theo đó, ông Long đề xuất, giải pháp dài hạn là cần thay đổi nhanh chóng Nghị định 24. Đồng thời, ngoài việc quản lý vàng vật chất, cần chú ý đến vàng tài khoản, vàng kỳ hạn, chứng chỉ vàng… mới phù hợp với thông lệ quốc tế, kéo bớt chênh lệch giá và tuân thủ quy luật thị trường.
Trong khi đó, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam góp ý rằng, giá tham chiếu nên lấy giá đêm hôm trước hoặc đầu ngày của SJC, có thể bằng hoặc thấp hơn giá mua vào của công ty.
Cùng với đó, nên điều chỉnh giảm khối lượng đấu thầu tối thiểu xuống một nửa như quy định tại phiên đấu giá hôm 23/4. Như vậy sẽ thu hút các đơn vị tham gia nhiều hơn.
Chuyên gia vàng Trần Duy Phương phân tích, quan trọng, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét sửa đổi điều kiện yêu cầu mua tối thiểu còn khoảng 400 - 500 lượng vàng thì sẽ thu hút nhiều đơn vị tham gia bỏ thầu hơn, chứ yêu cầu đặt mua tối thiểu 1.400 lượng vàng quá khó.
Trong 15 đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu vàng, chỉ 2 doanh nghiệp trúng thầu không gây ra tác động nhiều tới thị trường. Tuy nhiên, nếu tiếp tục đấu thầu, mỗi đơn vị chỉ cần mua 400 - 500 lượng vàng thôi, số vàng cung ra thị trường cũng hàng nghìn lượng, sẽ có tác động tốt tới thị trường.
Về lâu dài, nhiều chuyên gia kinh tế đều đồng quan điểm, cần sửa đổi Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Những thay đổi tập trung vào các khía cạnh như xóa độc quyền vàng miếng SJC, giao lại việc nhập khẩu cho các nhà kinh doanh vàng, thay vì Ngân hàng Nhà nước thực hiện.
Gần 17.000 lượng vàng miếng sẽ được đấu thầu vào sáng 22/4 |
Giá vàng nhẫn bất ngờ giảm trong ngày đầu đấu thầu vàng miếng SJC |
Hai nguyên nhân khiến Ngân hàng Nhà nước hủy đấu thầu vàng miếng |