Gần 17.000 lượng vàng miếng sẽ được đấu thầu vào sáng 22/4
Gần 17.000 lượng vàng miếng sẽ được đấu thầu vào sáng 22/4. |
Một lô giao dịch quy định bằng 100 lượng
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có thông báo đến các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp về việc đấu thầu vàng miếng.
Theo đó, thời gian bắt đầu đấu thầu là 10 giờ sáng ngày 22/4/2024. Địa điểm đấu thầu tại Cục Quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước (NHNN), số 25 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Hình thức đấu thầu là đấu thầu theo giá.
Tổng khối lượng vàng miếng dự kiến sẽ đấu thầu là 16.800 lượng; khối lượng vàng miếng của 1 lô giao dịch là 100 lượng; loại vàng miếng bán là vàng miếng SJC được NHNN tổ chức sản xuất.
Tỷ lệ đặt cọc cho các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp tham gia đấu thầu là 10% với giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là 81,80 triệu đồng/lượng. Khối lượng tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là khối lượng đặt thầu dự kiến của mỗi thành viên.
Khối lượng đấu thầu tối thiểu 1 thành viên được phép đặt thầu là 14 lô (tương đương 1.400 lượng). Khối lượng đấu thầu tối đa 1 thành viên được phép đặt thầu là 20 lô (tương đương 2.000 lượng).
NHNN quy định bước giá dự thầu là 10.000 đồng/lượng; bước khối lượng dự thầu là 1 lô (100 lượng).
Mỗi thành viên dự thầu chỉ được đăng ký 01 mức giá tối thiểu bằng hoặc cao hơn giá sàn do NHNN công bố.
NHNN cũng lưu ý, trường hợp NHNN không mua được vàng từ thị trường quốc tế do đối tác không đủ cung vàng theo nhu cầu của NHNN thì NHNN sẽ quyết định hủy kết quả thầu.
Tổ chức tín dụng/doanh nghiệp tham gia đấu thầu phải đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Thông tư số 06/2013/TT-NHNN ngày 12/3/2013 của Thống đốc NHNN hướng dẫn hoạt động mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước của NHNN; Quyết định số 563/QĐ-NHNN ngày 18/3/2013 ban hành Quy trình về mua, bán vàng miếng của NHNN và các văn bản sửa đổi, bổ sung liên quan.
Theo thông tin từ lãnh đạo NHNN, hiện có 15 tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia đấu thầu.
Chỉ là giải pháp tạm thời
Khách lấy phiếu để chờ đến lượt vào mua, bán vàng. Ảnh VTC |
PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, thị trường vàng trong nước chưa thể chuyển biến “hạ nhiệt” ngay. Thậm chí, chuyên gia này còn lo ngại có thể gây ra “hiệu ứng ngược” bởi cách tăng cung vàng vật chất thông qua đấu thầu có thể gây nên nhiều hệ lụy khác.
“Hiện nay, chúng ta nói là nhu cầu vàng của người dân tăng song không định lượng được nhu cầu vàng mà người dân cần là bao nhiêu. Thêm nữa, nếu NHNN tiếp tục tung vàng ra thị trường vô hình trung sẽ khiến người dân đổ xô đi mua vàng để đầu cơ; có thể sẽ hình thức khuyến khích, tiếp tay cho người dân đầu cơ vào vàng và có thể sẽ xảy ra tình trạng “tái vàng hóa” và đây không phải vấn đề tích cực cho nền kinh tế”, PGS-TS Ngô Trí Long phân tích.
Theo GS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đấu thầu vàng chỉ là giải pháp ngắn hạn và có thể không kéo dài. Bởi, dự trữ vàng của Việt Nam hiện chiếm khoảng 0,68% tổng dự trữ ngoại hối. Nếu NHNN tổ chức đấu thầu cung ứng vàng miếng có thể xuất được 2-3 tấn vàng, quỹ dự trữ vàng giảm xuống 0,5% là mức không thể giảm hơn được nữa.
Tuy nhiên, theo con số thống kê từ Hiệp hội Kinh doanh vàng quốc tế, khối lượng giao dịch vàng tại thị trường Việt Nam khoảng 40 tấn/năm. Do đó, con số cung ứng ra thị trường không phải lớn nhưng cũng có tác động vào thị trường, sẽ giảm bớt việc mất cân đối cung - cầu.
“Có thể qua vài lần đấu thầu, giá vàng sẽ hạ nhiệt, như vậy NHNN không cần phải áp dụng biện pháp đấu thầu để điều tiết thị trường nữa, chỉ cần cơ chế cấp hạn ngạch nhập khẩu đối với thị trường để doanh nghiệp kinh doanh vàng có nguồn nguyên liệu sản xuất, kinh doanh”, GS Trần Thọ Đạt nói.
Theo TS. Đinh Tuấn Minh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế - xã hội, NHNN đấu thầu vàng để tăng cung, khả năng chênh lệch giá được thu hẹp là điều được kỳ vọng.
Tuy nhiên, chia sẻ với báo chí, ông Minh lo ngại, khi người dân có nhu cầu giữ vàng miếng nhiều, tăng đột biến, liệu Nhà nước có đủ nguồn lực để nhập khẩu vàng hay không, bởi việc nhập khẩu còn liên quan đến ngoại hối?
Do đó, ông Minh đề xuất, giải pháp dài hơi hơn là xây dựng thị trường vàng hiện đại để phục vụ nhu cầu giao dịch, mua bán của người dân.
“Cần có sàn giao dịch để mọi người có thể dễ dàng mua bán trao đổi. Ở đó, người dân sẽ tham gia giao dịch mua bán tín chỉ vàng do Nhà nước phát hành. Việc mua bán như cầm tờ tiền giấy, giá trị tương đương một lượng vàng nhất định. Việc này sẽ bớt lệ thuộc vào vàng vật chất, giảm được việc nhà nước phải nhập khẩu vàng. Qua đó, có thể đưa được số vàng tích trữ của người dân vào nền kinh tế, để lưu thông”, ông Minh cho hay.
Vàng SJC lao dốc, xuống dưới 80 triệu đồng/lượng |
Giá vàng SJC sẽ giảm mạnh khi xóa bỏ độc quyền vàng miếng |
Thống nhất đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng SJC |