Giá vàng SJC sẽ giảm mạnh khi xóa bỏ độc quyền vàng miếng
Giá vàng SJC sẽ giảm mạnh khi xóa bỏ độc quyền vàng miếng. |
Một tuần biến động mạnh của giá vàng
Sáng nay (25/3), Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC 78 - 80,3 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra. Tập đoàn Doji niêm yết giá vàng SJC 78,1 - 80,1 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.
Công ty Bảo Tín Minh Châu bán vàng nhẫn tròn trơn 68,33 - 69,63 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.
Trong nhiều ngày, giá vàng miếng SJC luôn neo ở vùng 81 - 82 triệu đồng/lượng, mức giá cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, sau hàng loạt chỉ đạo và động thái từ phía Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, giá vàng trong nước bắt đầu lao dốc không phanh, xuống còn 80 triệu đồng/lượng.
Giá vàng miếng SJC liên tục được các doanh nghiệp vàng điều chỉnh. Có những ngày, giá vàng miếng SJC được điều chỉnh tới 4 lần, rơi vào cảnh “sáng tăng, chiều giảm” hoặc ngược lại.
Chỉ trong 1 tuần, giá vàng miếng giảm 2,2 triệu đồng/lượng. Nếu cộng thêm chênh lệch giá mua vào bán ra, người nắm giữ vàng lỗ tới 4,2 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng thế giới neo ở mức 2.168 USD/ounce.
Chỉ cần xóa bỏ độc quyền, giá vàng sẽ lập tức giảm
Trả lời Vietnamnet, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cho rằng, chỉ cần Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xóa bỏ độc quyền, chưa cần biết có cho nhập khẩu vàng hay không, giá vàng sẽ lập tức giảm đến 5 triệu đồng mỗi lượng, chứ không chỉ giảm như mức hiện nay.
Ông Hùng nhấn mạnh, phải có giải pháp cụ thể mới bình ổn được thị trường vàng.
“Nếu không có biện pháp thực thi trên thị trường thì những điều tiết hiện nay chỉ có tính chất tạm thời, giá vẫn sẽ tiếp tục chênh lệch.
Ông Nguyễn Thế Hùng nói: Nếu không xóa bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng thì sẽ không có giải pháp nào để ổn định thị trường.
“Phải tách bạch về quản lý nhà nước. NHNN chỉ quản lý về ngoại hối, làm thế nào điều tiết được dự trữ ngoại hối bằng vàng hoặc ngoại tệ; còn cơ quan này lại can thiệp cả chuyện sản xuất bao nhiêu vàng miếng bán ra thị trường. Phải bỏ độc quyền mới giảm được chênh lệch giá vàng với thế giới”, ông Hùng khẳng định.
Theo ông, không nên quan trọng hóa vàng miếng. Nên coi vàng miếng cũng như các mặt hàng vàng khác có chất lượng tương đương, vàng miếng cũng giống như vàng nhẫn 9999. Hay người dân có thói quen mua vàng miếng vì dễ tích trữ, dễ bảo quản và thành tập quán, cần phải thay đổi.
Vị Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cũng lưu ý, nên có chính sách phù hợp. Không cho nhập khẩu vàng để sản xuất vàng miếng nhưng trước mắt cần cho nhập khẩu để sản xuất vàng trang sức bởi loại vàng này xuất khẩu được.
“Muốn lưu thông với thế giới phải nhập khẩu, phải có nguồn nguyên liệu. Muốn nhập khẩu phải cấp quota, lại cơ chế xin - cho như trước thì cũng khổ doanh nghiệp. Do đó, không nên kiểm soát bằng số lượng nhập khẩu mỗi năm mà nên kiểm soát việc doanh nghiệp có ngoại tệ để nhập khẩu không. Như thế, tỷ giá mới ổn định được”, ông Hùng cho hay.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, nếu không xóa bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng sẽ rất khó để ổn định thị trường vàng trong nước.
“Nếu NHNN không đưa ra giải pháp, không gỡ bỏ thương hiệu vàng quốc gia của SJC, tôi e rằng, thị trường sẽ tiếp tục biến động", ông lo ngại.
Vị chuyên gia lưu ý, NHNN nên giao việc nhập khẩu vàng cho những nhà kinh doanh vàng có uy tín, có khả năng. NHNN có thể giao quota để những đơn vị đó nhập khẩu vàng theo chỉ đạo của NHNN.
Trước mắt, nếu Nghị định 24 chưa điều chỉnh mà muốn ổn định thị trường vàng thì cần nhập khẩu vàng dồi dào hơn để đáp ứng nhu cầu và cân bằng thị trường.
Liên quan đến việc sửa đổi Nghị định 24, có ý kiến cho rằng nên bổ sung quy định biên độ chênh lệch song theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, điều này là không cần thiết, hãy để thị trường tự điều chỉnh.
Ông lý giải, nếu giới hạn chênh lệch giữa giá mua - giá bán, giới hạn chênh lệch giữa giá vàng thế giới - giá vàng trong nước dẫn đến nguy cơ tăng buôn lậu về vàng.
Còn ông Nguyễn Thế Hùng phân tích, chênh lệch giữa giá mua - bán hiện nay do doanh nghiệp, phải giãn rộng ra để phòng ngừa rủi ro. Vì thế, không thể quy định biên độ, không thể áp dụng biện pháp hành chính để quản lý giá được. Ngay cả Pháp lệnh về giá cũng không quy định.