Thị trường Tết bắt đầu sôi động
Không để xảy ra tình trạng găm hàng, thiếu hàng dịp Tết Nguyên đán 2025 Hà Nội sẵn sàng nguồn hàng phục vụ thị trường Tết Giảm giá hàng Tết kéo sức mua cuối năm |
Thị trường Tết bắt đầu sôi động. Ảnh TPO |
Sôi động từ siêu thị
Tại các siêu thị và chuỗi cửa hàng lớn trên địa bàn TP Hà Nội như Winmart, Tops Market, Co.opmart, BRGMart…, không khí Tết đã bắt đầu hiện rõ qua những gian hàng tràn ngập sắc màu.
Theo nhân viên tại siêu thị Winmart Thăng Long, tính tới thời điểm hiện tại sức mua đã tăng đáng kể, hệ thống siêu thị đã chuẩn bị nguồn hàng rất kỹ lưỡng, từ bánh kẹo, nước giải khát đến các mặt hàng gia dụng..., đảm bảo phục vụ khách hàng trong những ngày cao điểm sắp tới. Các chương trình giảm giá đang được triển khai để khuyến khích khách hàng mua sắm sớm, tránh tình trạng chen lấn vào những ngày sát Tết.
Trong khi đó, hệ thống siêu thị Co.opmart cũng tung hàng trăm mẫu giỏ quà Tết 2025 với giá chỉ từ 99.000 đồng/sản phẩm. Nhóm mặt hàng thiết kế trong giỏ quà Tết năm nay chủ yếu là hàng hóa tiêu dùng thiết yếu như: Giỏ quà sức khỏe, quà trái cây, rau củ, quả... Khi mua sắm giỏ quà Tết sớm tại hệ thống siêu thị Co.opmart với hóa đơn từ 1.400.000 đồng/sản phẩm, người mua còn được nhận thêm quà tặng thiết thực có giá từ 50.000 đồng...
Với chủ đề “Rồng rắn lên mây, Tết đầy ưu đãi 2025,” siêu thị BRGMart cũng tưng bừng triển khai chương trình bán hàng phục vụ Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025 diễn ra từ ngày 2/1-28/1/2025 với hàng ngàn ưu đãi lên tới 50%.
Đang lựa chọn giỏ quà Tết tại siêu thị Winmart Thăng Long, chị Trần Thu Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Giỏ quà Tết năm nay rất phong phú và thiết thực, từ bánh kẹo, trà đến các sản phẩm cao cấp hơn. Điều khiến tôi bất ngờ là giá cả năm nay rất bình ổn, với nhiều sự lựa chọn. Điều này thực sự phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn.”.
Bà Hà Thị Thu Trang, Trưởng phòng Marketing, Công ty cổ phần dịch vụ thương mại tổng hợp Wincommerce chi nhánh Hà Nội cho hay, dự báo sức mua dịp Tết Nguyên đán 2025 sẽ tăng khoảng 20% so với ngày thường, về phía cung ứng, hệ thống siêu thị đã chủ động thực hiện công tác dự trữ hàng hóa từ sớm với lượng dự trữ tăng 10-20%, bảo đảm lượng hàng hóa đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong suốt dịp Tết.
Đặc biệt, đối với những mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt lợn, gà, rau củ quả, các sản phẩm cúng Tết; các loại gia vị hay các mặt hàng có lượng tiêu thụ cao trong dịp Tết như bánh mứt kẹo, đồ uống,... phía siêu thị đã chủ động dự trữ nhằm đảm bảo nguồn cung và duy trì mức giá ổn định trong suốt dịp Tết.
“Các mặt hàng phục vụ Tết năm nay rất phong phú và đa dạng, với hơn 90% là hàng hóa nội địa và 10% còn lại nhập khẩu từ các nhà cung cấp quốc tế uy tín để làm giàu nguồn hàng hóa cho hệ thống bán lẻ. Các siêu thị và cửa hàng trên toàn quốc nói chung và chi nhánh ở thành phố Hà Nội nói riêng sẽ hoạt động tới 12h00 ngày 29 Tết và mở bán trở lại vào ngày mùng 4 Tết”, bà Hà Thị Thu Trang cho biết.
Tại TPHCM, ghi nhận tại siêu thị Co.opmart Lý Thường Kiệt (quận 10) vào chiều tối, hàng ngàn khách hàng đổ về mua sắm khiến siêu thị đông nghịt. Khách hàng chọn mua chủ yếu là thực phẩm như thịt, cá, trứng, các loại nước ngọt, bia, giỏ quà Tết, bánh kẹo…
Ông Phan Thế Hùng (ngụ quận 11) cùng gia đình mua đến 8 xe hàng gồm bánh kẹo, nước ngọt, mì gói và nhu yếu phẩm. "Tôi tranh thủ mua bánh, mứt, nước ngọt, mì, sữa và các vật dụng cần thiết cho ngày Tết. Hàng hóa ở siêu thị rất đầy đủ, giá cả hợp lý, chất lượng bảo đảm nên tôi mua luôn một lần cho tiện" - ông Hùng nói.
Tại Co.opmart Rạch Miễu (quận Phú Nhuận) tối 14/1, các xe đẩy chất đầy hàng hóa bên ngoài chờ giao tận nơi cho khách. Quan sát các giỏ hàng chủ yếu là bia, nước ngọt, bánh kẹo, dầu ăn… được khách mua với số lượng lớn. Bên trong, hàng trăm khách hàng vẫn tập trung ở quầy bánh mứt, hạt dưa, hạt điều… Hầu hết những mặt hàng này đều đang có giảm giá nên người tiêu dùng dễ lựa chọn hơn.
Theo thông tin từ Saigon Co.op (đơn vị sở hữu hệ thống Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food…), khoảng 1 tuần trở lại đây, các chuỗi bán lẻ của Saigon Co.op đã đón gần 10 triệu lượt khách đến mua sắm và hơn 10 triệu giỏ quà Tết đã được bán ra.
"Sức mua tăng ở kênh bán hàng truyền thống và cả trực tuyến khi đơn hàng online cũng tăng gấp 3 lần so với ngày thường" - ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, thông tin.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đánh giá, TPHCM đã có những chuẩn bị khá tốt nguồn hàng cung ứng ra thị trường, lượng hàng hóa bình ổn vẫn chiếm ưu thế và giữ giá ổn định cho người dân. "Trước khi đến làm việc tại TP Hồ Chí Minh, đoàn công tác cũng lo lắng về sức mua hàng hoá Tết năm nay yếu, tuy nhiên theo báo cáo thì sức mua hàng hóa đang tăng. Đây là điều đáng mừng và cho thấy kinh tế Thành phố đã có những phục hồi tốt", Thứ trưởng nhận xét.
"Nhằm đảm bảo nguồn hàng và giữ giá cả ổn định dịp cao điểm mua sắm Tết, Thành phố cần phải tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa ngay tại đầu nguồn và tại các nơi tập trung hàng hóa để đưa về thành phố chứ không chỉ tập trung kiểm tra vài sạp hàng ngoài các chợ truyền thống. Mặt khác, Thành phố cần tăng cường tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức khi chọn các sản phẩm chất lượng, có uy tín, nhận biết dấu hiệu hàng giả, hàng nhái, hết hạn sử dụng và khuyến khích ưu tiên mua sắm sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, do các DN trong nước uy tín sản xuất", bà Phan Thị Thắng đề nghị.
Đến chợ đầu mối
Những xe tải vận chuyển hàng về chợ đầu mối từ đêm. Ảnh Diễm Hằng |
Chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) được biết đến là một trong những chợ đầu mối lớn của Thành phố chuyên buôn bán các loại hàng hóa rau củ quả. Những ngày này không khí của chợ nhộn nhịp hơn hẳn vì nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thực phẩm, nông sản ngày cận Tết của người dân tăng cao. Hàng hóa được tập kết từ các tỉnh lân cận hoặc các huyện ngoại thành Hà Nội sau đó phân phối đi khắp nội thành trước khi trời sáng.
Theo các tiểu thương, nếu không có bất thường lớn về thời tiết thì nguồn cung nông sản, thực phẩm cho người dân Hà Nội vào dịp Tết sẽ khá dồi dào, giá cả không có biến động nhiều hoặc tăng nhẹ. Những ngày gần cuối năm, các tiểu thường bắt đầu chuẩn bị nông sản, thực phẩm dự trữ nguồn cung cho Tết Nguyên đán.
Anh Tạ Hoàng Anh, tiểu thương lâu năm ở chợ đầu mối Minh Khai chia sẻ, những ngày cận tết Nguyên đán lượng hàng nhập vào sẽ cao hơn để đủ đáp ứng nhu cầu của người dân. Nhìn chung thị trường rau, củ, quả năm nay không có nhiều biến động, chỉ có một số loại tăng giá do mất mùa và ảnh hưởng từ bão Yagi.
Chia sẻ về vấn đề nguồn cung thực phẩm, ông Hoàng Tiến Sĩ – Giám đốc Ban quản lý chợ Minh Khai cho biết, mỗi ngày chợ đầu mối Minh Khai giao dịch từ 250 – 300 tấn rau, củ, quả; thịt và hải sản khoảng 10 – 15 tấn để phục vụ người dân trong Thành phố. Những ngày gần cuối năm lượng hàng hóa bắt đầu tăng mạnh và không khí buôn bán cũng đông đúc hơn. Đối tượng khách hàng cung ứng chủ yếu là các bếp ăn, nhà hàng và các chợ dân sinh còn lại là người dân mua lẻ.
"Nhu cầu mua sắm nông sản của người dân tại chợ Minh Khai bắt đầu tăng mạnh nhất từ khoảng rằm tháng chạp đến cuối năm. Thời gian chợ hoạt động nhộn nhịp nhất từ khoảng 1 rưỡi - 5 giờ sáng. Chúng tôi luôn đảm bảo nguồn hàng để phục vụ bà con cả dịp Tết, ngoài ra cũng đảm bảo công tác an sinh, xã hội tại chợ trong những ngày cuối năm. Các mặt hàng được bán tại chợ đều có nguồn gốc rõ ràng mới được giao dịch. Bên cạnh đó chúng tôi cũng chú trọng công tác an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy, tập kết an toàn để cả tiểu thương và người dân thuận lợi khi buôn bán", ông Sĩ chia sẻ.
Tại TPHCM, lượng hàng về các chợ đầu mối đang tăng từng ngày. Tuy nhiên, dự kiến, cao điểm mua sắm Tết tại các chợ đầu mối từ 20 tháng Chạp.
Ông Nguyễn Văn Huây - Tổng giám đốc chợ đầu mối Thủ Đức, cho biết từ cao điểm 22 tháng Chạp, lượng hoa, trái cây, rau củ về chợ sẽ bắt đầu tăng mạnh, phục vụ nhu cầu của các chợ truyền thống, người dân toàn thành phố.
Theo đó, từ 22 tháng Chạp, dự kiến mỗi ngày sẽ có 1.750 tấn rau, trái cây 3.500 tấn. Giai đoạn từ 22 - 25 tháng Chạp, mỗi ngày lượng hàng về chợ trung bình khoảng 3.600 tấn, riêng 26 tháng Chạp tăng mạnh lên, sau đó sẽ giảm lại do sát Tết.
“Lượng hàng hóa Tết năm nay đủ cung ứng cho TP.HCM. Sức mua thời điểm này đã tốt dần lên. Dự kiến, từ 26 Tết, cán bộ công nhân viên, ngươi lao động được nghỉ, thời điểm này cũng là cao điểm nhất mua sắm nên sức mua có thể sẽ tăng thêm”, ông Huây nói.
Ông Nguyễn Đăng Phú - Phó giám đốc chợ đầu mối Bình Điền, dự báo cao điểm mua sắm Tết của người dân rơi vào khoảng từ 20 tháng Chạp và kết thúc vào 28 Tết. Trong đó, nhu cầu rau quả sẽ tăng đột biến từ 500 tấn/đêm như hiện nay lên 1.200 tấn. Dự kiến, thịt heo tại chợ Bình Điền cung cấp mỗi đêm từ 300 - 450 tấn, tùy theo nhu cầu những ngày cao điểm, chợ vẫn sẽ đáp ứng được đầy đủ.
Ngoài các mặt hàng như hai chợ đầu mối Hóc Môn và Thủ Đức, khô và thủy hải sản là hai nhóm mặt hàng quan trọng tại chợ đầu mối Bình Điền và được nhiều khách yêu thích. Đặc biệt, nhu cầu mặt hàng khô dự kiến cũng sẽ tăng vọt trong những ngày giáp Tết.
Không chỉ có chợ thực phẩm. Những ngày này, các khu chợ quần áo giá rẻ ở TPHCM cũng hút lượng lớn khách hàng đến xem và mua.
Hoạt động gần như không ngơi nghỉ. Các mặt hàng quần áo tại chợ Hạnh Thông Tây trên đường Quang Trung, quận Gò Vấp, váy với đa dạng mẫu mã, màu sắc đã được "lên kệ" để sẵn sàng phục vụ nhu cầu sắm đồ Tết của người dân.
Chị Trần Hoài Thu, 33 tuổi, một tiểu thương tại chợ, cho biết: "Càng gần Tết, lượng khách tăng gấp 2-3 lần so với ngày thường, nhất là từ 6 giờ tối đến tận khuya. Sinh viên, công nhân và cả những người lao động ở cách đây khá xa đến mua sắm rất đông. "
Đã sống ở TPHCM hơn 5 năm, chị Trần Quỳnh Như, cư trú tại đường Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp, chia sẻ rằng chợ Hạnh Thông Tây luôn là địa chỉ mua sắm quen thuộc mỗi dịp Tết. "Mình thường đến đây vì quần áo rất đa dạng, đủ phong cách, từ đồ nam nữ, trẻ em đến trang phục cho người lớn tuổi. Chỉ cần đến một nơi là có thể sắm đồ Tết cho cả nhà. Đồ nhiều đến mức có khi mình đi dạo ngắm nghía cả buổi tối mà không đi hết chợ", chị Như nói.
Theo chị Như, chợ Hạnh Thông Tây không chỉ nổi tiếng với mẫu mã phong phú mà còn vì giá cả khá "mềm". Chợ này lại là nơi nhiều shop nhập sỉ, nên giá thường rẻ hơn so với nhiều nơi khác." Chị Như chia sẻ: "Thời điểm này cận Tết, nhiều cửa hàng ở chợ xả hàng để giải phóng kho nên giá càng rẻ hơn. Nếu chịu khó tìm, mình có thể mua được nhiều món đồ đẹp mà không cần tốn nhiều tiền".
Dự báo từ Bộ Công Thương, trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, doanh thu từ các sản phẩm nội địa có thể tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ nhờ các chương trình khuyến mãi kích cầu tiêu dùng và sự chuẩn bị chu đáo từ các doanh nghiệp; sức mua dịp Tết có thể tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước.
Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt, rau củ, trái cây, bánh kẹo, nước giải khát… đã được các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị từ rất sớm với lượng hàng dự trữ tăng từ 10 - 25% so với cùng kỳ.
Thị trường hàng Tết nhộn nhịp, thực phẩm tươi sống, đồ khô tăng giá |
Cận Tết, bưởi thỏi vàng, bưởi tiến vua giảm giá mạnh |
Mùng 2 Tết, nhiều siêu thị, chợ dân sinh mở cửa trở lại |