Thị trường hàng Tết nhộn nhịp, thực phẩm tươi sống, đồ khô tăng giá
Sức mua tăng nhiều so với ngày thường. |
Thị trường hàng Tết sôi động hơn
Ghi nhận vào thời gian cao điểm người dân đi mua sắm Tết tại các hệ thống bán lẻ, chợ truyền thống và cửa hàng tạp hoá tại khu vực Hà Đông, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm cho thấy sức mua tăng nhiều so với ngày thường.
Chị Phan Thị Hoa, chủ một cửa hàng bánh kẹo ở Hà Đông cho biết, trong tuần cận Tết, số người tới mua hàng bắt đầu tăng lên, trong đó, bánh kẹo nội bán chạy nhất.
Về sức mua những ngày cận Tết, Phó Tổng Giám đốc Hệ thống siêu thị BRGMart Nguyễn Thị Hiền cho biết, sức mua tại hệ thống siêu thị bắt đầu tăng, đây là tín hiệu tích cực, đúng với dự báo của siêu thị về thị trường. Ngay từ đầu tuần, người dân đã đi bắt đầu đi sắm sửa Tết, giá cả ổn định, nhiều mặt hàng thiết yếu khuyến mại giảm sâu được người dân lựa chọn. Để đáp ứng đủ nhu cầu mua sắm của người dân, siêu thị BRGMart đã phối hợp với các nhà cung cấp, dự trữ hàng hóa Tết, sản lượng hàng hoá tăng gấp 3 lần các tháng trong năm. Hiện, lượng hàng hóa Tết tại hệ thống bán lẻ của doanh nghiệp đã về đầy kho, nhất là các sản phẩm nông sản chất lượng cao, đặc sản vùng miền. Toàn bộ hệ thống đang tất bật đi các điểm tập trung bán hàng.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội cho biết, để phục vụ Tết, siêu thị đã thực hiện dự trữ nguồn hàng hoá thiết yếu ngay từ giữa năm 2023. Trong đó, 9 nhóm hàng hoá lương thực, thực phẩm thuộc chương trình bình ổn thị trường được dự trữ tăng từ 20-50% tùy theo nhóm hàng hoá so với tháng kinh doanh bình thường với tổng giá trị lên đến 10.000 tỷ đồng.
Đại diện hệ thống siêu thị WinMart, bà Nguyễn Minh Anh cũng chia sẻ, hiện nguồn cung lương thực, thực phẩm luôn dồi dào, giá cả không biến động lớn. Đơn vị sẽ theo dõi diễn biến thị trường để bảo đảm nguồn thực phẩm cũng như bình ổn giá cho người dân dịp Tết.
Thực phẩm tươi sống, đồ khô tăng giá
Các cửa hàng chủ động nhập các mặt hàng đồ khô thiết yếu để đáp ứng nhu cầu tăng cao của người tiêu dùng dịp Tết. |
Tại các chợ truyền thống như Diêm Gỗ (Long Biên), Gia Lâm; Chợ Hôm (Hai Bà Trưng)… giá các mặt hàng thực phẩm thiết yếu đều tăng nhẹ từ 5-10% so với khoảng 1 tuần trước. Cụ thể, thịt lợn mông, vai có giá bán 100.000 đồng/kg; thịt ba chỉ 130.000 đồng/kg; thịt bò 260.000 đồng/kg; giò lợn loại 1 giá 200.000 đồng/kg; giò bò loại 1 giá 300.000 đồng/kg; cá thu cắt lát giá 300.000 đồng/kg; gà ta loại dùng để cúng giá 250.000 đồng/kg, còn gà ta loại thường giá 190.000 đồng/kg. Các mặt hàng đặc trưng, phục vụ nhu cầu dịp Tết cũng tăng 10-15%; các loại trái cây nhập khẩu như táo, cam, quýt... tăng khoảng 20 - 30%.
Bà Lê Mai Thu, tiểu thương bán thịt tại chợ Diêm Gỗ (Long Biên) cho biết, mỗi ngày bà nhập khoảng 500kg thịt lợn các loại và bán hết trong ngày do nhu cầu mua sắm để chuẩn bị Tết của người dân tăng cao. Đa phần, khách tới mua thịt lợn ba chỉ và nạc đùi nên giá tăng khoảng 10.000 đồng/kg.
Chị Bùi Bích Hòa, bán giò chả tại chợ Gia Lâm (Long Biên, Hà Nội) cho biết, cận Tết, giá nguyên liệu và gia vị đều tăng, dẫn đến giá giò chả cũng tăng theo. Trong khi đó, nhóm đặc sản, đồ khô phục vụ biếu tặng ghi nhận mức tăng nhẹ 5-15% so với ngày bình thường.
Các mặt hàng khô như miến, măng, mộc nhĩ cũng tăng từ 10-20%. Cụ thể, măng nứa rừng (loại miếng) tăng từ 280.000 đồng lên 310.000 đồng/kg; măng nứa rừng (loại sợi) giá tăng từ 170.000 đồng lên 190.000 đồng/kg; măng lưỡi lợn giá dao động 230.000 đồng- 250.000 đồng/kg…
Nấm hương là một trong những mặt hàng có mức tăng giá cao nhất. Cách đây khoảng 1 tháng, nấm hương cánh mỏng và nấm hương loại ngon có giá lần lượt là 210.000 đồng/kg và 280.000 đồng/kg, thì nay mỗi loại đã tăng thêm 40.000 đồng - 50.000 đồng/kg. Các loại đồ khô khác như miến, mộc nhĩ,...đều lần lượt tăng giá, dao động từ 10.000 đồng - 15.000 đồng/kg. Cụ thể, mộc nhĩ được bán với giá 180.000 đồng - 220.000 đồng/kg, tăng 25.000 đồng - 30.000 đồng/kg; miến Mỏ Thiếc giá 160.000 đồng/kg…
Các mặt hàng khác như bánh đa nem, hành khô, hạt sen hay đồ khô thông dụng như lạc, vừng… cũng tăng 10 - 25% so với tháng trước.
PGS.TS Nguyễn Bá Minh - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho biết, theo truyền thống, không chỉ riêng năm nay mà Tết năm nào giá cả cũng tăng. Nhưng mức độ tăng năm nay sẽ không lớn vì cung hàng hóa rất nhiều, giá cả một số mặt hàng thiết yếu cho tiêu dùng hiện khá ổn định. Vì thế, áp lực về giá cả một số mặt hàng từ nay đến Tết Nguyên đán tăng nhưng không nhiều, người dân có thể yên tâm, phấn khởi.