Tăng sức cạnh tranh cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam
Tăng sức cạnh tranh cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam. |
Ngành sản xuất lúa gạo vẫn thiếu một chiến lược
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận định ngành sản xuất lúa gạo của chúng ta vẫn thiếu một chiến lược hay nói khác là một chính sách phát triển ổn định, vững chắc vì chúng ta còn tính tự phát ở địa phương, người sản xuất, trong cả từng doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu.
Hơn nữa đầu tư của Nhà nước cho sản xuất lúa gạo và đầu tư ngoài nhà nước cho quá trình xuất khẩu, kinh doanh xuất khẩu gạo chưa xứng tầm, nhất là đầu tư vào khâu giống, khoa học công nghệ, quy trình sản xuất, chế biến...
Một điểm nữa đó là nhiều doanh nghiệp xuất khẩu còn thiếu tính chuyên nghiệp, cạnh tranh thì không lành mạnh hoặc không nỗ lực nắm giữ, phát triển thị trường để củng cố thương hiệu. Nếu có Hội đồng lúa gạo quốc gia thì chúng ta sẽ dùng cơ chế, quy chế của hội đồng để có thể xem xét, xử lý.
"Chúng ta vẫn nói xuất khẩu gạo được lớn, bội thu nhưng thu nhập của người nông dân vẫn thấp thì điều đó chứng tỏ rằng đã đến lúc chúng ta phải suy nghĩ và lập ra Hội đồng lúa gạo quốc gia để tư vấn cho Chính phủ, cho các cấp thẩm quyền có được những cơ chế, chính sách đủ mạnh và khả thi. Có như vậy mới giúp hạt gạo Việt Nam có thương hiệu và có giá trị ngày càng lớn trên thị trường thế giới", ông Diên chia sẻ về ý tưởng thành lập hội đồng.
Để định vị thương hiệu gạo trên thị trường quốc tế, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng - Giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng cho rằng, cần tập trung vào các trọng tâm lớn. Trong đó, cần xây dựng thể chế phát triển ngành lúa gạo theo cách tiếp cận kinh tế nông nghiệp xanh, phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050...
Đồng thời cần cải thiện đáng kể thương hiệu lúa gạo Việt Nam trong khu vực và thế giới để có thể đứng trong nhóm 3 quốc gia có thương hiệu gạo mạnh nhất toàn cầu bằng chất lượng, năng lực cung ứng và khoa học - công nghệ ngành lúa gạo. Phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ và liên quan trong hệ sinh thái công nghiệp lúa gạo bền vững và bao trùm.
Nắm bắt xu hướng để tăng sức cạnh tranh
Ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ). |
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh thị trường gạo biến động và khó đoán định, ngành sản xuất lúa gạo trong nước phải tổ chức sản xuất tốt, bảo đảm chất lượng hạt gạo và thương hiệu sản phẩm, giữ vững an ninh lương thực trong mọi tình huống, giữ đơn hàng và giữ được thị trường xuất khẩu.
Do đó, các doanh nghiệp, địa phương cần chú trọng thực hiện quy hoạch các vùng trồng, vùng nuôi, áp dụng khoa học công nghệ trong các khâu của quá trình sản xuất, tổ chức sản xuất, xuất khẩu theo chuỗi liên kết, quy mô lớn, tập trung; gắn sản xuất với với tín hiệu của thị trường; liên kết nông dân bằng mô hình hợp tác xã kiểu mới; các khâu sản xuất, thu gom, chế biến, phân phối, tiêu thụ được đặt trong một “chuỗi giá trị”.
Theo thông tin trên Báo Lao Động, ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ) - cho rằng, thời gian qua, Việt Nam đã làm rất tốt việc đa dạng nguồn giống và sản phẩm lúa gạo. Điều đang được người tiêu dùng trong và ngoài nước quan tâm hiện nay là an toàn vệ sinh thực phẩm.
Việc tham gia vào Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án) chính là thực hiện các tiêu chí để đáp ứng tiêu chuẩn đó. "Đề án sẽ giúp nâng cao giá trị và vị thế của gạo Việt Nam trên trường quốc tế ", ông Bình nói.
Về phần mình, ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia - cho biết, để nhân rộng các mô hình thí điểm của Đề án, Trung tâm quan tâm đến việc kiện toàn lực lượng khuyến nông cộng đồng tại các vùng tham gia để kết nối hợp tác xã, doanh nghiệp với người sản xuất cũng như đào tạo, hỗ trợ nông dân sản xuất đúng quy trình. Trung tâm cũng có kế hoạch đào tạo, tăng cường năng lực cho tất cả các tác nhân, đối tác tham gia vào chuỗi giá trị này với việc xây dựng những bộ tài liệu đạt chuẩn.
Trung tâm tiếp tục mở rộng những dự án khuyến nông trung ương để có những mô hình thiết thực giúp nhân rộng, lan tỏa mạnh mẽ hơn kết quả của Đề án trong giai đoạn 1; kêu gọi các doanh nghiệp đồng hành với lực lượng khuyến nông, hợp tác xã và người nông dân trong chương trình hợp tác công tư.
Sự trở lại ấn tượng của gạo Việt Nam |
Người Thái ngày càng mê gạo Việt Nam |
Gạo Việt lại được "trao" cơ hội lớn |