Người Việt “nghiện” mua sắm online: Tiện lợi đi kèm rủi ro
Tăng cường quản lý hoạt động thương mại điện tử Muốn phát triển thương mại điện tử phải bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 6 tháng đầu năm, người Việt chi gần 150.000 tỷ để mua sắm online |
Xu hướng mua sắm trực tuyến đang ngày càng bùng nổ. |
Tiện thành “nghiện”
Mua hàng qua mạng đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều người. Với sự tiện lợi mà nó mang lại, cùng những ưu đãi lớn mà các sàn thương mại điện tử thường đưa ra để thu hút khách hàng
Báo Thanh Niên phản ánh, đang ngồi cà phê với người bạn vào buổi chiều cuối tuần, anh Nguyễn Quốc Khánh, ngụ P.Thạnh Mỹ Lợi, TP.Thủ Đức (TP.HCM), nhận được tin nhắn từ người vợ sắp cưới, nói rằng thèm ăn chân gà Đông Tảo ủ muối. Anh Khánh lướt vào ứng dụng trên điện thoại, tìm thấy ngay một cửa hàng online chuyên bán gà ủ muối nhưng địa chỉ ở tận Hà Nội. "Giờ này sắp tối rồi mà còn mua bán gì nữa", anh nghĩ thầm nhưng vẫn thử nhắn tin trò chuyện với người bán tên Nguyễn Thị Vân. Không nề hà yêu cầu gấp rút, chủ shop cam kết chân gà sẽ được vận chuyển ngay ra máy bay vào chuyến nửa đêm, sáng hôm sau sẽ tới tận cửa nhà khách. Anh Khánh chốt đơn, chuyển tiền cọc, đến sáng hôm sau, 2 kg chân gà Đông Tảo đã đáp máy bay đúng dự kiến và chỉ hơn 1 tiếng sau đó, đơn hàng đã hoàn thành.
Cũng bởi nhiều tiện lợi, từ tập tành mua sắm online, nhiều người đã trở thành "nghiện" lúc nào không biết. Chị Đ.P.M., 25 tuổi ở phố Hàn Giang (TP Hải Dương) làm nhân viên văn phòng cho một công ty tư nhân. Thu nhập trung bình mỗi tháng của chị M. hơn 8 triệu đồng. Chị phải thuê nhà, chi phí điện nước và sinh hoạt cá nhân. Nhưng do thói quen thích mua sắm quá nhiều chị M. đã không ít lần rơi vào cảnh "chưa hết tháng đã hết tiền" và nợ tiền nhà trọ. Chị M. cho biết buổi tối mỗi ngày chị thường xuyên lướt điện thoại, xem các trang Facebook cá nhân livestream bán hàng; có lúc xem tới 2 – 3 trang và rồi có những tối chị chốt tới 3 – 4 đơn hàng. Đỉnh điểm là đầu năm 2024, khi xem một livestream xả hàng quần áo, giày dép, chị M. đã chốt tới 9 đơn hàng. “Lúc đó, lương chưa có, tài khoản chỉ còn mấy trăm nghìn đồng chi tiêu hằng ngày nên tôi đã đi vay đồng nghiệp hơn 4 triệu đồng để thanh toán. Hơn 4 triệu đồng đó tôi phải tiết kiệm 2 tháng mới trả hết nợ”, chị M. nói.
Theo báo cáo “Xu hướng thương mại điện tử Việt Nam năm 2024”, tần suất mua hàng trên các sàn thương mại điện tử của phần lớn những người tham gia khảo sát (32%) là vài lần một tuần. Xếp sau đó, 27% những người được hỏi sẽ mua sắm 1 lần trong khoảng 2 - 3 tuần và 22% sẽ mua hàng 1 lần mỗi tuần. Tuy nhiên, số lượng những người không mua sắm trong 2-3 tháng vẫn chiếm khoảng 3% những người tham gia khảo sát trong độ tuổi từ 18 - 49 tuổi.
Mặc dù tần suất mua hàng vài lần/tuần chiếm đa số, tuy nhiên, báo cáo cho thấy khách hàng chủ yếu chỉ chi từ 300.001 - 500.000 đồng để mua sắm trên các sàn thương mại điện tử mỗi tháng.
Tuy nhiên, điều đặc biệt là chênh lệch tỷ lệ chi tiêu 300.001 - 500.000 đồng/tháng và mức chi trên 2.000.000 đồng/tháng cho hoạt động mua sắm online của người Việt chỉ là 1%. Nhìn chung, chi tiêu mỗi tháng cho việc mua sắm trên các sàn thương mại điện tử của người dùng không có cách biệt quá lớn.
Người Việt chi 800 tỷ đồng mỗi ngày để mua hàng online
Trong nửa đầu năm, trung bình mỗi ngày, người tiêu dùng Việt Nam chi tiêu xấp xỉ 800 tỷ đồng trên 5 sàn Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và Tiktok Shop.
Thông tin trên được nêu trong "Báo cáo thị trường sàn bán lẻ trực tuyến 6 tháng đầu năm 2024" của công ty dữ liệu thương mại điện tử Metric (một trong hai đơn vị cung cấp dữ liệu thương mại điện tử hàng đầu tại Việt Nam). Công ty cho biết dữ liệu công bố được thu thập bằng công nghệ, đã loại bỏ đơn ảo và hàng quà tặng. Theo đó, tổng doanh số 5 sàn trong nửa năm qua đạt 143.900 tỷ đồng, tăng 54,91% so với cùng kỳ 2023. Tốc độ này cao hơn đáng kể so với tăng trưởng 7,4% của ngành bán lẻ trong 6 tháng đầu năm, theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê.
Trong cùng giai đoạn, tổng mức bán lẻ cả nước đạt gần 2,4 triệu tỷ đồng. Như vậy, quy mô thị trường của 5 sàn bán lẻ trực tuyến lớn nhất Việt Nam này ước chiếm khoảng 6% ngành bán lẻ. "Thương mại điện tử tại Việt Nam tiếp tục phát triển và trở thành điểm sáng trong toàn cảnh bức tranh kinh tế", Metric nhận định.
Sáu tháng đầu năm, người tiêu dùng mua 1,533 triệu sản phẩm trực tuyến (tính theo đơn nhận thành công), tăng 65,5% so với cùng kỳ 2023. Đáng chú ý, phân khúc giá rẻ dưới 200.000 đồng vẫn duy trì sức hấp dẫn mạnh mẽ, với thị phần tăng thêm 3% so với cùng kỳ.
"Với nhiều biến động của tình hình kinh tế hiện nay, thắt chặt chi tiêu vẫn là tiêu chí được nhiều gia đình áp dụng. Vì vậy, người tiêu dùng ưu tiên các sản phẩm có giá cả phải chăng, phù hợp với túi tiền", báo cáo nhận định.
Nhờ lợi thế ở phân khúc giá rẻ, nhất là bán khuyến mại qua livestream, tăng trưởng tính theo sản lượng hàng hóa trên TikTok Shop tăng mạnh nhất nửa đầu năm, đến hơn 240% so với cùng kỳ 2023, trong khi Shopee tăng 65,5%.
Tính theo nhóm ngành, người Việt chi tiêu nhiều nhất cho làm đẹp, thời trang nữ và nhà cửa - đời sống trong nửa năm qua. Cả 3 ngành này dẫn đầu về doanh số lẫn sản lượng bán trực tuyến. Tính trung bình mỗi ngày, người Việt chi 144 tỷ đồng cho đồ làm đẹp, hơn 100 tỷ đồng cho quần áo nữ cũng như vật dụng nhà cửa.
Đi cùng tăng trưởng mạnh mẽ là nhiều thách thức cho người bán lẫn người mua hàng trực tuyến. Google & Temasek dự báo quy mô thương mại điện tử tại Việt Nam đạt 24 tỷ USD vào 2025. Theo chuyên gia Lê Hoàng Long của NielsenIQ Việt Nam, ngành này tăng trưởng nhanh nhưng thay đổi cũng nhanh.
"Livestream có thể là động lực cho năm nay và năm tới nhưng môi trường online thay đổi rất nhiều và nhanh nên cần liên tục theo dõi để nắm bắt những thay đổi sắp tới", ông Long nêu ví dụ trong một sự kiện gần đây.
Cách nào lấy lại tiền sau khi mua phải hàng giả, hàng nhái? |
Nhiều rủi ro
Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết năm 2023, đơn vị này đã xử lý 764 vụ việc vi phạm đối với lĩnh vực thương mại điện tử, phạt tiền 12 tỷ đồng, trị giá hàng hóa gần 6 tỷ đồng.
Minh Anh (22 tuổi, Hà Nội) chia sẻ từng một lần mua phải mỹ phẩm là kem dưỡng giả trên sàn thương mại điện tử Shopee. "Trước khi mua hàng tôi đã đọc các bình luận của người từng mua nên yên tâm mua, nhưng không ngờ khi nhận và so sánh với sản phẩm cũ thì có nhiều điểm khác, chất kem cũng lỏng hơn", chị nói.
Sau khi phát hiện kem dưỡng mình mua là hàng giả mạo, Minh Anh liền nhắn tin nhiều lần cho chủ shop để giải quyết tuy nhiên cô không nhận được phản hồi. Kiểm tra lại các bình luận của người mua về sản phẩm thì mới nhận ra đều cùng mô típ và đăng trong cùng một ngày.
Vậy những cách nào để giúp người mua hàng lấy lại tiền sau khi mua phải hàng giả, hàng nhái?
Bước 1: Giữ nguyên hiện trạng hàng hóa và các chứng cứ liên quan để có thể liên hệ người đã bán và yêu cầu đổi hàng, hoàn trả tiền hoặc bồi thường.
Bước 2: Vào đơn hàng vừa mua bấm vào yêu cầu trả hàng hoàn tiền.
Bước 3: Yêu cầu trả hàng hoặc hoàn tiền với lý do nghi ngờ hàng giả, hàng nhái sau đó thêm hình ảnh thực tế về tình trạng hàng hóa, ý kiến về món hàng nhận được của người mua.
Ảnh hoặc video phải rõ nét cho thấy logo thương hiệu chứng minh sản phẩm không phải sản phẩm thật cùng với ảnh chụp màn hình của sản phẩm thực từ trang web chính thức (logo thương hiệu, ảnh). Bằng chứng bằng hình ảnh hoặc video càng chi tiết, rõ ràng thì khả năng được hoàn lại tiền của người mua càng lớn.
Bước 4: Sau khi thực hiện, nền tảng sẽ gửi yêu cầu đến người bán và yêu cầu họ cung cấp bằng chứng hàng chính hãng. Nếu không cung cấp được thì nền tảng sẽ hoàn lại tiền cho bạn. Đồng thời, người bán cũng sẽ bị xóa sản phẩm, thậm chí là đóng băng tài khoản nếu số lượng hàng giả hoặc hàng nhái đã bán có số lượng đã bán cao.
Ngoài ra, người tiêu dùng có thể thông báo, làm đơn tố giác đến cơ quan Quản lý thị trường hoặc cơ quan công an nơi bên bán có trụ sở, cửa hàng, kho hàng...