Ngành gỗ Việt Nam trước bài toán tái cấu trúc và phát triển bền vững
![]() |
Ngành gỗ Việt Nam trước bài toán tái cấu trúc và phát triển bền vững. |
Tái cấu trúc để nâng cao năng lực cạnh tranh
Xuất khẩu lâm sản hiện là một trong những ngành hàng nông nghiệp có giá trị xuất khẩu cao nhất, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế đất nước. Theo thống kê, Việt Nam có hơn 5.000 doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản, trong đó 95% là doanh nghiệp tư nhân, khoảng 2.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu, chủ yếu tập trung ở các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nghệ An...
Tuy nhiên, những biến động về chính sách thuế quan từ các thị trường chủ lực như Mỹ, EU, Trung Quốc... đang tác động trực tiếp đến chi phí sản xuất, thời gian giao hàng và năng lực cạnh tranh. Đặc biệt, sắc lệnh áp thuế đối ứng của Mỹ có thể khiến chi phí tăng thêm hơn 4 tỷ USD mỗi năm, đẩy doanh nghiệp vào thế khó. Không chỉ vậy, các cuộc điều tra thương mại theo Mục 232 của Mỹ đối với sản phẩm gỗ Việt Nam khiến doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ mất thị phần nếu không kịp thời điều chỉnh chiến lược.
Tại thị trường EU, Nghị định EURD về chống phá rừng, có hiệu lực từ tháng 1/2026, sẽ cấm nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp và gỗ có liên quan đến hoạt động phá rừng. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải minh bạch toàn bộ chuỗi cung ứng, xây dựng vùng nguyên liệu hợp pháp có chứng chỉ quốc tế, đồng thời nâng cấp hệ thống truy xuất nguồn gốc theo tiêu chuẩn châu Âu. Đây là bài toán đầu tư lớn, đòi hỏi tầm nhìn dài hạn và nguồn lực đáng kể.
Để thích ứng, doanh nghiệp trong ngành đang chủ động đầu tư công nghệ hiện đại, cải tiến dây chuyền sản xuất, ứng dụng chuyển đổi số trong quản trị và kiểm soát chất lượng. Ngoài ra, xu hướng liên kết chuỗi giữa nhà chế biến – người trồng rừng – nhà phân phối ngày càng rõ rệt nhằm tăng tính chủ động về nguồn nguyên liệu, đảm bảo hợp pháp hóa và giảm chi phí đầu vào. Tái cấu trúc không chỉ đơn thuần là cải tiến kỹ thuật mà còn là thay đổi tư duy từ sản xuất thô sang phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng, thân thiện môi trường và đạt chuẩn quốc tế.
Đổi mới sản phẩm, đẩy mạnh kênh thương mại số
![]() |
Gỗ và sản phẩm từ gỗ đã có mặt trên 140 thị trường khác nhau. |
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng và tiêu chuẩn hóa sản phẩm, nhiều doanh nghiệp Việt đang đi theo hướng thiết kế sáng tạo, cá nhân hóa sản phẩm và tạo dấu ấn thương hiệu. Trong bối cảnh người tiêu dùng thế giới ngày càng quan tâm đến yếu tố thẩm mỹ, công năng và bền vững, các mặt hàng nội – ngoại thất gắn với xu hướng "nội thất thông minh", vật liệu tái chế, thiết kế tối giản đang chiếm ưu thế.
Doanh nghiệp cũng đang tích cực mở rộng thị trường qua các nền tảng thương mại điện tử như Amazon, Alibaba, Etsy... Việc đẩy mạnh xuất khẩu trực tuyến không chỉ giúp giảm chi phí marketing và logistics mà còn tăng tính chủ động trong tiếp cận khách hàng cuối, đặc biệt trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn chưa hoàn toàn phục hồi sau đại dịch. Một số doanh nghiệp lớn đã triển khai gian hàng chính hãng trên sàn thương mại điện tử quốc tế, mở rộng đội ngũ marketing số và thử nghiệm các hình thức livestream giới thiệu sản phẩm cho khách hàng quốc tế.
Bên cạnh đó, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cũng đang được chú trọng. Hiện ngành gỗ có khoảng 500.000 lao động, trong đó 55–60% đã qua đào tạo. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu sản xuất xanh, số hóa, đạt chứng chỉ quốc tế, ngành cần bổ sung thêm lực lượng kỹ sư thiết kế sản phẩm, chuyên gia logistics, kiểm định chất lượng và quản trị thị trường quốc tế.
Thị trường đồ gỗ toàn cầu hiện có quy mô khoảng 430 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng đều đặn. Trong đó, Việt Nam hiện chỉ chiếm khoảng 6% thị phần – một con số còn nhiều tiềm năng để khai thác. Doanh nghiệp cần tiếp tục giữ vững các thị trường truyền thống như Mỹ, Nhật Bản, EU, đồng thời đẩy mạnh khai thác các thị trường mới như Trung Đông, Ấn Độ, Nam Mỹ và khối ASEAN – nơi có nhu cầu lớn nhưng chưa được chú trọng đúng mức.
Trong bối cảnh toàn cầu hướng đến tăng trưởng xanh, giảm phát thải và truy xuất nguồn gốc minh bạch, ngành gỗ Việt Nam không chỉ cần phát triển theo chiều rộng mà phải đi sâu vào chiều sâu chất lượng. Đó là cách duy nhất để duy trì đà tăng trưởng trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt. Với sự chủ động và những chiến lược thích ứng kịp thời, ngành gỗ Việt hoàn toàn có thể kỳ vọng giữ vững vị thế và vươn xa hơn trên bản đồ xuất khẩu toàn cầu.
![]() |
![]() |
![]() |
Có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Tin khác

VCCI đề nghị không miễn giảm thuế với hàng hóa thương mại điện tử nhập khẩu

Xuất khẩu xoài tăng trưởng mạnh, Việt Nam đứng thứ 13 thế giới

Xuất khẩu rau quả 2025: Củng cố nội lực, vượt rào cản kỹ thuật

Chợ quê khoác áo mới, hàng Việt bứt tốc nhờ điểm bán hiện đại

Giá hàng hóa thế giới bật tăng vì biến động cung cầu

Nhật Bản hỗ trợ gần 160.000 USD phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Đồng Tháp

Ra mắt sách song ngữ "Bác Hồ ở Thái Lan"

Tự chuyển mình để thích nghi: Giải pháp căn cơ cho xuất khẩu việt nam

Ngành yến Việt Nam vào “đường đua” tỷ đô sau Nghị định thư với Trung Quốc
