Hòa Bình: Triển vọng mô hình nuôi cá lăng nha theo tiêu chuẩn VietGAP
![]() |
Nhu cầu tiêu thụ cá lăng nha từ khách du lịch và các thị trường lớn ngày càng tăng cao. |
Cá đặc sản, thị trường rộng mở
Cá lăng nha sở hữu nhiều ưu điểm vượt trội: khả năng thích nghi tốt, ít bệnh, thịt trắng, chắc, ít xương dăm và giàu dinh dưỡng. Trước đây, nguồn cá chủ yếu dựa vào khai thác tự nhiên. Nhờ thành công trong sinh sản nhân tạo và chuyển giao giống, loài cá này đã được đưa vào sản xuất, tạo cơ hội phát triển bền vững cho người nuôi.
Tại Hòa Bình, nhu cầu tiêu thụ cá lăng nha từ khách du lịch và các thị trường lớn như Hà Nội ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, hiện vẫn còn ít hộ nuôi do người dân chủ yếu quen với các loại cá truyền thống như trắm đen, chép, lăng đen, chiên… và còn thiếu kinh nghiệm với giống cá mới này.
Hỗ trợ từ mô hình VietGAP
Để khai thác hiệu quả tiềm năng này, mô hình nuôi cá lăng nha trong lồng bè theo tiêu chuẩn VietGAP đã được triển khai từ năm 2023 – 2024. Các hộ tham gia được tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ giống (70% từ ngân sách nhà nước), thức ăn, thuốc và vật tư (50%). Khi đạt chuẩn, cá sẽ được cấp chứng nhận VietGAP và kết nối tiêu thụ qua các kênh uy tín.
Sau 11 tháng triển khai, mô hình cho kết quả khả quan: tỷ lệ sống đạt hơn 91%, trọng lượng trung bình 1,2kg/con, năng suất 22kg/m³ lồng nuôi.
![]() |
Mô hình nuôi cá lăng nha trong lồng bè theo tiêu chuẩn VietGAP tại Hoà Bình. |
Anh Đinh Văn Thi, một hộ dân tham gia mô hình ở xã Bình Thanh (huyện Cao Phong), cho biết hồ Hòa Bình có nguồn nước trong mát, giàu oxy và sinh vật phù du – điều kiện lý tưởng cho cá lăng nha sinh trưởng.
Loài cá này ăn tạp, dễ nuôi, có thể sử dụng cám viên, cá tạp hoặc thức ăn chế biến từ nguyên liệu địa phương. Tuy nhiên, người nuôi cần chú ý trong thời điểm giao mùa, khi thời tiết thay đổi thất thường thì thức ăn tươi sống nên được nấu chín hoặc thay thế bằng thức ăn công nghiệp để tránh bệnh.
Ngoài ra, cần thường xuyên vệ sinh lồng nuôi, loại bỏ rác và phù sa lắng đọng. Việc theo dõi hoạt động ăn mồi, đặc biệt trong thời điểm nước đứng hoặc chảy mạnh, giúp người nuôi xử lý kịp thời, bổ sung khoáng chất và vitamin để tăng sức đề kháng. Nếu có cá chết, cần nhanh chóng vớt ra, không vứt bừa bãi, đồng thời ghi chép đầy đủ nhật ký chăm sóc.
Mặc dù giai đoạn đầu cá lăng nha phát triển chậm hơn một số loài khác, nhưng từ năm thứ hai trở đi tốc độ tăng trưởng rất nhanh. Đàn cá của anh Thi hiện đã đạt trọng lượng hơn 2,7kg/con sau hai năm nuôi.
Giá cá lăng nha thương phẩm dao động từ 130.000 – 140.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với cá lăng đen (80.000 – 100.000 đồng/kg). Đặc biệt, cá càng lớn thì giá càng cao. Người nuôi không chịu áp lực tiêu thụ, có thể chủ động chọn thời điểm xuất bán để tối đa hóa lợi nhuận.
Với đầu ra ổn định, giá bán hấp dẫn và sự hỗ trợ từ mô hình khuyến nông, nuôi cá lăng nha đang mở ra một hướng phát triển kinh tế bền vững, đầy triển vọng cho các hộ dân nuôi cá lồng bè ở Hòa Bình.
Cùng chuyên mục
Tin khác

Hành trình khắc phục trào ngược dai dẳng, tìm lại bữa ăn trọn vẹn

Phát hiện cơ sở ở Phú Yên bơm tạp chất vào tôm hùm chết để bán ra thị trường

Thành lập Quỹ Nhà ở Quốc gia: Bước ngoặt mới cho phát triển nhà ở xã hội

Quảng Ninh công nhận 5 điểm du lịch mới trên địa bàn thành phố Cẩm Phả

Phát triển du lịch bền vững bằng bản sắc văn hóa

"Tiếng chuông Trấn Vũ": Sắc màu đêm Thăng Long trong tour văn hóa mới

Trải nghiệm văn hóa Kinh kỳ qua Lễ hội Du lịch Hà Nội 2025

Làm gì để trở thành người tiêu dùng thông minh trước vấn nạn hàng giả?

Thị trường thời trang nam: Cơ hội từ sự thay đổi thói quen tiêu dùng
