Giúp doanh nghiệp Việt đưa hàng hóa thâm nhập vào mạng lưới bán lẻ nước ngoài
Gian hàng Việt Nam được trang trí nổi bật ngay lối vào chính của siêu thị Carrefour Carré Sénart, trước các gian bán sản phẩm của một số nước châu Á khác. Ảnh TTXVN |
Hàng Việt khẳng định vị thế trên trường quốc tế
Sau khi tiếp cận thành công hai hệ thống bán lẻ lớn nhất tại Pháp là Carrefour và E.Leclerc, Tuần hàng Việt Nam tiếp tục mở rộng tới hệ thống bán lẻ Système U với gần 1.700 cơ sở trên toàn nước Pháp.
Theo Chủ tịch - Tổng Giám đốc hệ thống Système U Dominique Schelcher, hàng Việt Nam đã hiện diện từ hơn 10 năm qua trên hệ thống Système U thông qua đối tác T&T Foods. Sản phẩm Việt Nam ở chuỗi siêu thị này bao gồm rất nhiều mặt hàng và đang ngày càng mở rộng, không chỉ ở vùng Paris mà cả ở các siêu thị tại Alsace.
Còn Chủ tịch, Tổng Giám đốc chuỗi siêu thị Carrefour Bruno Lebon cho hay, khách hàng Pháp đang ngày càng ưa chuộng hàng hóa và ẩm thực Việt Nam. Vì vậy, với mong muốn đa dạng hóa hơn nữa hàng hóa Việt Nam trong chuỗi siêu thị của mình, ngoài các sản phẩm lương thực, thực phẩm hay hoa quả, Carrefour muốn tiếp nhận các mặt hàng khác như dệt may, giày dép…, đặc biệt là các sản phẩm linh kiện điện thoại và công nghệ thông tin sản xuất tại Việt Nam.
Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Lê Anh Tuấn chia sẻ, hiện mỗi năm Hapro xuất khẩu hàng Việt trị giá trên 100 triệu USD vào 80 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đặc biệt, nhiều sản phẩm nông sản xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản thông qua hệ thống siêu thị FujiMart, đơn vị liên doanh giữa Tập đoàn BRG (Việt Nam) với Sumitomo Corporation (Nhật Bản).
Hapro không phải là đơn vị duy nhất của Hà Nội tận dụng hệ thống bán lẻ quốc tế đưa hàng Việt thâm nhập thị trường nước sở tại. Đều đặn hằng năm, hàng hóa Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng đã được Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) giới thiệu tới người tiêu dùng tại hệ thống siêu thị Aeon thông qua chương trình "Tuần hàng Việt Nam". Qua đó, từng bước thực hiện mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam thông qua hệ thống của Aeon đạt 1 tỷ USD vào năm 2025.
Tương tự, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail Nguyễn Thị Bích Vân cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi mạng lưới phân phối nước ngoài, Tập đoàn Central Retail (Thái Lan) thường xuyên triển khai chương trình Tuần lễ hàng Việt Nam tại Thái Lan. Qua đó, Central Retail cũng hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm đối tác đưa hàng Việt Nam ra thế giới thông qua hệ thống bán lẻ của Central Retail ở Thái Lan, Italy....
Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội Bùi Duy Quang cho rằng: “Việc đưa hàng Việt trực tiếp thâm nhập vào mạng lưới bán lẻ nước ngoài không chỉ thúc đẩy kim ngạch hàng hóa xuất khẩu Việt Nam, mà còn góp phần xây dựng một hệ thống các doanh nghiệp cung cấp hàng Việt bảo đảm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, đáp ứng những yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe, hướng tới sự phát triển bền vững”.
Theo Bộ Công Thương, Việt Nam hiện có hơn 170 cơ sở bán lẻ thuộc các loại hình có vốn đầu tư nước ngoài; trong đó, có khoảng 110 cơ sở bán lẻ vốn đầu tư nước ngoài có diện tích 500m2 trở lên thuộc loại hình siêu thị, trung tâm thương mại của nhiều thương hiệu nổi tiếng như Big C, Lotte Mart, Aeon, Emart… Không chỉ ưu tiên phân phối các sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt trong hệ thống tại thị trường nội địa, các nhà bán lẻ ngoại còn tham gia xuất khẩu hàng hóa Việt Nam thông qua hệ thống phân phối tại thị trường nước ngoài.
Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng Việt vươn xa
Mặt hàng nông sản của Việt Nam bày bán ở Siêu thị AEON tại Nhật Bản. Ảnh: Xuân Toàn |
Hàng Việt mặc dù đã có mặt tại nhiều thị trường khó tính, nhưng thị phần còn khá khiêm tốn. Nguyên nhân là do doanh nghiệp chưa đủ kiên nhẫn theo đuổi mục tiêu khó khăn này.
Nhằm hỗ trợ trợ doanh nghiệp đưa hàng Việt thâm nhập hệ thống bán lẻ quốc tế, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch kế hoạch triển khai Đề án "Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030” trong năm 2024.
Theo đó, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối hàng hóa toàn cầu, xuất khẩu trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài trên cơ sở phát huy thế mạnh và khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu của Hà Nội. Để làm được việc này, năm 2024, TP sẽ hỗ trợ thông tin thị trường cho hơn 500 lượt doanh nghiệp; Đào tạo, tư vấn cho hơn 100 lượt doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực cung ứng để từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Đồng thời hỗ trợ hơn 100 lượt doanh nghiệp xây dựng năng lực tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới; Tổ chức cho hơn 100 lượt kết nối, giao thương với các mạng phân phối nước ngoài; hỗ trợ hơn 80 sản phẩm xuất khẩu trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài.
Ngoài ra TP Hà Nội tổ chức Chương trình Tuần hàng Việt tại các mạng phân phối nước ngoài qua đó doanh nghiệp trưng bày, giới thiệu hàng Việt tới đối tác quốc tế. Đưa doanh nghiệp khảo sát thị trường các nước nhằm nắm bắt yêu cầu thị trường và giao dịch với nhà phân phối. Tổ chức các hoạt động kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp Việt Nam với mạng lưới phân phối của doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài.
“Những hoạt động này không chỉ nhằm thúc đẩy doanh nghiệp tham gia vào mạng lưới phân phối nước ngoài mà còn hướng đến mục tiêu làm thay đổi tư duy sản xuất theo hướng bài bản, bền vững mang lại giá trị gia tăng cao cho hàng hóa xuất khẩu Hà Nội” - Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan nhận định, nhiều doanh nghiệp đã có khả năng nắm bắt tốt hơn nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng, học được cách quản lý chất lượng tiên tiến trong chuỗi cung ứng, kiểm soát tốt hơn chất lượng hàng hóa, nhất là đối với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản... cần truy xuất nguồn gốc, qua đó bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu cho các hãng hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, đó vẫn là con số nhỏ hơn rất nhiều so với mong muốn, khi còn nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được hệ thống phân phối nước ngoài.
“Để hàng hóa Việt Nam có chỗ đứng vững chắc tại các siêu thị quốc tế, đòi hỏi doanh nghiệp phải thực hiện đồng bộ các giải pháp từ sản xuất đến phân phối, tiêu thụ và trọng tâm là bảo đảm chất lượng. Quan trọng hơn, rất cần sự tham gia của các tổ chức tài chính, ngân hàng lớn hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn để nâng cấp máy móc thiết bị, nhà xưởng, đổi mới khoa học công nghệ...”, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội Bùi Duy Quang thông tin.
11 tháng, Việt Nam xuất siêu sang Nhật Bản khoảng 1,5 tỷ USD |
11 tháng, Việt Nam chi gần 7, 8 tỷ USD cho nhập khẩu xăng dầu |
Đẩy mạnh ưu đãi, ưu tiên hàng Việt Nam phục vụ Tết Nguyên đán 2024 |