Kinh tế Việt Nam tăng trưởng bứt tốc: GDP 6 tháng đầu năm cao kỷ lục trong 15 năm qua
Theo thông tin tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2025, bà Nguyễn Thị Hương - Cục trưởng Cục Thống kê (Bộ Tài Chính) cho biết, trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực còn nhiều bất ổn, kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát phù hợp.
Trước đó tốc độ tăng trưởng GDP nửa đầu năm giai đoạn 2021 - 2025 lần lượt đạt 5,71%, 7,01%, 3,91%, 6,64%, 7,52%. Số liệu công bố của cơ quan thống kê quốc gia cho thấy GDP quý II/2025 tăng trưởng tích cực, với tốc độ tăng ước đạt 7,96% so với cùng kỳ năm trước.
Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, , khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,89%, đóng góp 5,19% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,97%, đóng góp 43,63%; khu vực dịch vụ tăng 8,46%, đóng góp 51,18%.
Theo bà Hương, trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,84%, đóng góp 5,59%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,33%, đóng góp 42,20%; khu vực dịch vụ tăng 8,14%, đóng góp 52,21%.
Đóng góp vào tăng trưởng, bà Hương cho biết trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành nông nghiệp duy trì tăng trưởng ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu.
Giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2025 tăng 3,51% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,29 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 7,42% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,04 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 4,21%, đóng góp 0,10 điểm phần trăm.
![]() |
Tốc độ tăng trưởng kinh tế quý II của Việt Nam ước đạt 7,96%, cao thứ hai trong giai đoạn 2020 - 2025. (Ảnh minh họa) |
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp đạt mức tăng trưởng cao, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp sáu tháng đầu năm 2025 tăng 8,07% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn mức tăng 8,89% của cùng kỳ năm 2022 trong giai đoạn 2020-20258, đóng góp 2,64 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 10,11%, đóng góp 2,55 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,20%, đóng góp 0,17 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,30%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 4,25%, làm giảm 0,12 điểm phần trăm.
Ngành xây dựng tăng 9,62%, là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2025, đóng góp 0,63 điểm phần trăm.
Trong khu vực dịch vụ, hoạt động ngoại thương, vận tải, du lịch tăng cao đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khu vực và thế giới, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế.
Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ sáu tháng đầu năm 2025 tăng 8,14% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2025. Đóng góp của một số ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như sau: Bán buôn và bán lẻ tăng 7,03% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,76 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi tăng 9,82%, đóng góp 0,69 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,53%, đóng góp 0,38 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 10,46%, đóng góp 0,29 điểm phần trăm.
Cùng với đó, một số ngành dịch vụ công cũng có mức tăng khá cao để thực hiện nhiều nhiệm vụ đột phá phục vụ cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy của đất nước: Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 14,58%; hoạt động của Đảng Cộng sản, tổ chức chính trị - xã hội, quản lý Nhà nước, an ninh quốc phòng, đảm bảo xã hội bắt buộc tăng 13,09%.
Về cơ cấu nền kinh tế sáu tháng đầu năm 2025, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,28%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 36,96%; khu vực dịch vụ chiếm 43,40%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,36% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2024 là 11,49%; 37,0%; 42,98%; 8,53%).
Dự báo tình hình kinh tế sáu tháng cuối năm, bà Hương cho rằng, vẫn còn không ít khó khăn và thách thức, nhất là khi kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, chịu tác động mạnh từ các yếu tố bất ổn chính trị, thiên tai, dịch bệnh, giá cả hàng hóa thế giới. Mục tiêu tăng trưởng trên 8% cho cả năm 2025 là thách thức lớn.
Theo đó, cơ quan thống kê khuyến nghị một số giải pháp trọng tâm để đạt được mục tiêu tăng trưởng. Trong đó, bà Hương nhấn mạnh việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, nâng cao khả năng thích ứng và sức cạnh tranh; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký kết; tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công...
Cục trưởng Cục Thống kê đề nghị: “Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp, phát triển các lĩnh vực công nghiệp mới nổi như chip, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo và các ngành công nghiệp hỗ trợ".
Có thể bạn quan tâm
Tin khác

Việt Nam trở thành điểm sáng du lịch với mức tăng trưởng khách quốc tế ấn tượng

Bộ NN-MT lên kịch bản ứng phó với thuế quan Mỹ, giữ mục tiêu xuất khẩu 65 tỉ USD năm 2025

Kinh tế Việt Nam khởi sắc ngoạn mục, GDP 6 tháng đầu năm tăng 7,31%

Kinh tế tư nhân bứt phá, số doanh nghiệp thành lập mới lập kỷ lục

Giá xăng được dự báo giảm hơn 1.000 đồng/lít vào phiên điều chỉnh ngày mai

Giá vàng tuần tới: Nhà đầu tư lạc quan, chuyên gia Phố Wall cảnh báo xu hướng giảm sâu

Thuế quan Mỹ - Phép thử sức bền với các doanh nghiệp xuất khẩu

Giá xăng có thể tăng phiên thứ 5 liên tiếp vào ngày mai: Mức tăng nhẹ, áp lực vẫn lớn

Thị trường xăng dầu chịu sức ép mới từ căng thẳng Trung Đông
