Tín dụng xanh bứt tốc, tăng trưởng hơn 21%/năm
Sáng 21/55, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp cùng Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức Tọa đàm “Đẩy mạnh triển khai Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021–2030” và công bố Sổ tay hướng dẫn Hệ thống quản lý rủi ro môi trường – xã hội (ESMS) trong hoạt động cấp tín dụng.
Tại Tọa đàm, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết: "Tăng trưởng xanh không còn là một lựa chọn mà đã trở thành một yêu cầu cấp thiết đối với các quốc gia – đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam. Chính vì vậy, chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường và sử dụng hiệu quả tài nguyên – không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là con đường ngắn nhất để Việt Nam hướng đến một tương lai bền vững, thịnh vượng”.
Tính đến tháng 3/2025, đã có 58 tổ chức tín dụng (TCTD) phát sinh dư nợ xanh, tăng gần 4 lần so với năm 2017 (15 TCTD). Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng bình quân của dư nợ tín dụng xanh giai đoạn 2017–2024 đạt trên 21%/năm, vượt xa tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của toàn ngành. Điều này cho thấy tín dụng xanh không còn là khái niệm mới lạ mà đã trở thành một hướng đi chiến lược được nhiều ngân hàng tích cực theo đuổi.
Sự phát triển về lượng đi cùng với cải thiện rõ rệt về chất. Đã có 57 TCTD triển khai đánh giá rủi ro môi trường, xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, với tổng dư nợ được đánh giá đạt 3,62 triệu tỷ đồng, tăng gấp hơn 15 lần so với năm 2017.
![]() |
Tín dụng xanh tăng trưởng bình quân 21%/năm, gấp đôi tín dụng truyền thống. (Ảnh minh họa) |
Nhiều ngân hàng đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi xanh, tích hợp tiêu chí tăng trưởng xanh vào chiến lược kinh doanh, đồng thời công bố báo cáo phát triển bền vững, gia tăng tính minh bạch, giải trình và khẳng định vị thế trên thị trường tài chính – tín dụng quốc tế.
Tuy nhiên, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cũng thẳng thắn nhìn nhận thực tế việc triển khai Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng còn không ít khó khăn.
"Việc triển khai chưa đồng đều, nhiều tổ chức tín dụng chưa báo cáo NHNN, chưa phát sinh dư nợ tín dụng xanh. Kết quả tín dụng xanh chưa cao mặc dù còn nhiều dư địa phát triển, do thiếu khung pháp lý về danh mục xanh" - lãnh đạo NHNN nhìn nhận.
Cùng với đó, công cụ thẩm định rủi ro còn hạn chế, thời gian hoàn vốn của dự án đầu tư xanh dài, hiệu quả tài chính chưa rõ ràng. Việc huy động nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực tài chính xanh quốc tế còn hạn chế.
Bên cạnh đó là yêu cầu ngày càng cao về quản trị, chất lượng nguồn nhân lực ngân hàng trong lĩnh vực môi trường, xã hội, khí hậu để nhận diện, thẩm định quản lý, giám sát khoản cấp tín dụng cũng như tư vấn, hỗ trợ khách hàng đáp ứng các tiêu chí mới của quốc tế về phát thải... Để giải quyết những khó khăn này không chỉ có sự nỗ lực của ngành ngân hàng mà cần phối hợp đồng bộ các cơ quan quản lý Nhà nước, sự hỗ trợ chia sẻ kinh nghiệm và nguồn lực của các tổ chức quốc tế.
Tại Tọa đàm, NHNN cũng chính thức công bố Sổ tay Hệ thống quản lý rủi ro về môi trường, xã hội trong hoạt động cấp tín dụng – một tài liệu có tính thực tiễn cao, được phối hợp xây dựng cùng IFC. Tài liệu này cung cấp hướng dẫn chi tiết, linh hoạt theo từng loại hình tổ chức và khoản vay, nhằm giúp các TCTD xây dựng quy trình kiểm soát rủi ro hiệu quả và chuẩn hóa theo thông lệ quốc tế.
“Đây là công cụ cầm tay chỉ việc giúp các ngân hàng không chỉ nhận diện và phòng ngừa rủi ro, mà còn là chìa khóa để mở rộng tín dụng xanh một cách bài bản, minh bạch và bền vững”, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, NHNN Việt Nam cho biết sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp và chính sách cụ thể nhằm thúc đẩy hoạt động ngân hàng hướng tới tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tăng cường kết nối với các tổ chức trong và ngoài nước để tiếp nhận hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ ngành ngân hàng trong lĩnh vực tín dụng xanh và ứng phó biến đổi khí hậu.
Có thể bạn quan tâm
Tin khác

Đổi mới sáng tạo – Chìa khóa nâng tầm thương hiệu Việt

Doanh nghiệp “yên tâm” hơn khi có tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ và phá sản

Nhật Bản hỗ trợ gần 160.000 USD phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Đồng Tháp

Bảy nội dung thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Chăn nuôi nội địa tăng tốc giành lại thị phần 33 tỷ USD

TH khánh thành nhà máy sữa tại Nga: Dấu mốc mới cho thương hiệu Việt toàn cầu

Kiến nghị bãi bỏ công bố hợp quy sản phẩm để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp

Phát triển sản phẩm thiên nhiên: Cơ hội từ Nghị quyết 68

Eximbank bổ nhiệm hai cựu thành viên HĐQT giữ chức Phó Tổng Giám đốc
