Thêm 829 vùng trồng, 131 cơ sở đóng gói sầu riêng được phép xuất khẩu sang Trung Quốc
![]() |
Vĩnh Long còn khoảng 75% diện tích trồng sầu riêng chưa được cấp mã vùng trồng xuất khẩu. Ảnh: Hoàng Lộc |
Cơ hội từ mở rộng mã số xuất khẩu
Theo thông tin từ Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) vừa chính thức cập nhật 829 mã số vùng trồng và 131 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam. Đây là bước tiến quan trọng trong nỗ lực mở rộng kênh xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc – nơi đang tiêu thụ hơn 90% sản lượng sầu riêng của Việt Nam kể từ khi hai nước ký Nghị định thư xuất khẩu mặt hàng này.
Cơ quan chuyên môn nhận định, việc mở rộng danh sách mã số là tín hiệu tích cực, mở ra cơ hội lớn cho các địa phương và doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh sầu riêng hiện đang là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành rau quả Việt Nam. Năm 2024, sầu riêng mang về 3,3 tỷ USD, chiếm 46% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả, riêng Trung Quốc tiêu thụ tới 3,2 tỷ USD, tương đương 97% lượng sầu riêng xuất khẩu và chiếm 74% giá trị xuất khẩu rau quả sang nước này.
Những cảnh báo từ phát triển nóng
Tuy nhiên, phía Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cũng cảnh báo, sự tăng trưởng “nóng” trong vài năm gần đây đang tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hiện diện tích trồng sầu riêng cả nước đã tăng nhanh chóng, đạt gần 180.000 ha với sản lượng khoảng 1,5 triệu tấn vào năm 2024. Tình trạng phát triển tự phát khiến vùng trồng bị manh mún, khó kiểm soát chất lượng, thiếu nước tưới và dễ dẫn đến lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Đặc biệt, tình trạng giả mạo, mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói vẫn diễn ra, gây khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp thu hoạch khi trái chưa đạt độ chín sinh lý, trái non, già bị thu hoạch sớm để chạy theo lợi nhuận, dẫn đến hiện tượng sầu riêng sượng, bị phản ánh bởi phía Trung Quốc. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh và thương hiệu sầu riêng Việt Nam.
Ngoài sầu riêng tươi, từ năm 2024, mặt hàng sầu riêng đông lạnh của Việt Nam cũng chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, càng tạo thêm dư địa tăng trưởng. Trung Quốc mỗi năm nhập khoảng 7 tỷ USD sầu riêng tươi, con số này dự kiến sẽ vượt 10 tỷ USD trong thời gian tới. Đồng thời, nước này cũng chi thêm 1 tỷ USD nhập khẩu sầu riêng đông lạnh. Vì vậy, mục tiêu xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam trong năm 2025 được đặt ở mức 3,5 tỷ USD.
Tăng cường giám sát, đảm bảo phát triển bền vững
![]() |
Sầu riêng Bàu Đồn- Thương hiệu sầu riêng Tây Ninh ( Ảnh: LMHTX Tây Ninh) |
Trước thực trạng trên, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật xác định, từ nay đến năm 2030, ngành sầu riêng sẽ không ưu tiên mở rộng diện tích mà tập trung nâng cao độ tin cậy và bền vững. Cục sẽ tăng cường áp dụng mô hình giám sát rủi ro, kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm các vi phạm, trong đó có thu hồi mã số, dừng cấp phép đối với vùng trồng, cơ sở đóng gói không đạt chuẩn. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với nước nhập khẩu để thực thi hậu kiểm tại gốc.
Việc giữ vững thị trường xuất khẩu chủ lực như Trung Quốc không chỉ đòi hỏi doanh nghiệp và địa phương phải tận dụng tốt cơ hội từ việc được cấp mã số vùng trồng, mà còn cần nâng cao ý thức tuân thủ quy định kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và cam kết sản xuất có trách nhiệm.
Trong bối cảnh thị trường tiêu thụ sầu riêng toàn cầu đang tăng trưởng mạnh, đặc biệt tại Trung Quốc, cơ hội là rất lớn nhưng cũng đi kèm yêu cầu khắt khe. Đảm bảo chất lượng, minh bạch truy xuất và phát triển bền vững sẽ là chìa khóa để sầu riêng Việt Nam giữ vững vị thế và vươn xa hơn nữa trên bản đồ nông sản thế giới.
Từ đầu năm 2025, Trung Quốc tăng cường kiểm tra sầu riêng tại cửa khẩu, nhiều lô hàng bị kiểm tra bổ sung, thậm chí trả lại. Theo ông Huỳnh Tấn Đạt – Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, đây là quy trình kiểm soát chất lượng theo nghị định thư, gồm ba yêu cầu bắt buộc: an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật và truy xuất nguồn gốc. Trước cảnh báo tồn dư cadimi, nguyên nhân được xác định do thổ nhưỡng và lạm dụng phân bón ở vùng Tây Nam bộ. Với chất vàng O – chất cấm trong thực phẩm, các đoàn kiểm tra chưa phát hiện sử dụng trong canh tác, khả năng phát sinh ở khâu trung gian. Hiện có 12 phòng kiểm nghiệm cadimi và 8 phòng kiểm nghiệm vàng O được Trung Quốc công nhận. Ngành nông nghiệp đang chuyển hướng kiểm soát từ đầu nguồn, tăng cường kiểm dịch tại vùng trồng và cơ sở đóng gói để rút ngắn thời gian thông quan và đảm bảo xuất khẩu bền vững. |
![]() |
![]() |
![]() |
Có thể bạn quan tâm
Tin khác

Giá xăng ngày 22/5 có thể tăng nhẹ, dầu diesel giảm

Giá hàng hóa thế giới bật tăng vì biến động cung cầu

Sản xuất xe máy tăng nhẹ giữa lúc thị trường ảm đạm

Vùng Thủ đô - Tâm điểm phát triển mới của thị trường bất động sản

Thí điểm đất đai theo Nghị quyết 171: Cơ hội vàng cho nhà ở thương mại

Gạo “low carbon” Việt Nam lần đầu xuất ngoại, chinh phục thị trường Nhật Bản

Nghị quyết 68: Bệ phóng chiến lược cho thị trường bất động sản bứt phá

Sầu riêng Việt Nam chật vật vào Trung Quốc giữa lúc Thái Lan tăng tốc

Xuất khẩu gạo của Việt Nam được dự báo đạt 7,9 triệu tấn trong năm 2025
