Nhiều địa phương ở Hà Nội tổ chức đấu giá đất trong tháng 3
Sao phải đi thuê, khi góp từ 3,5 triệu mỗi tháng sở hữu ngay căn hộ ước mơ Lượng tìm kiếm bất động sản tại 2 đô thị lớn tiếp tục tăng Những vướng mắc khi triển khai nhà ở xã hội |
Nhiều địa phương ở Hà Nội tổ chức đấu giá đất trong tháng 3. Ảnh Cao Nguyên |
Với lợi thế có hạ tầng được xây dựng đồng bộ, quy hoạch tại vị trí thuận lợi, pháp lý rõ ràng, đất đấu giá tại nhiều quận huyện của Hà Nội vẫn thu hút được nhiều người quan tâm. Tất cả các khu đất đấu giá đều được quy hoạch, đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, kết nối với các trục giao thông chính, đáp ứng cho việc hình thành các khu dân cư mới hiện đại và văn minh.
Sôi động đấu giá đất
Theo UBND thành phố Hà Nội, trong năm 2024, thành phố được giao 408.547 tỉ đồng dự toán thu ngân sách Nhà nước; trong đó, thu nội địa là 378.530 tỉ đồng.
Các chuyên gia nhận định, với những động thái tích cực trên, đất đấu giá sẽ là sản phẩm dẫn dắt cho thị trường đất nền trong năm 2024. Cụ thể, từ nay đến cuối tháng 3, có gần 180 thửa đất tại các huyện: Chương Mỹ, Đông Anh, Mê Linh và thị xã Sơn Tây được đưa ra đấu giá quyền sử dụng với giá khởi điểm cao nhất 33 triệu đồng/m2.
Tại huyện Mê Linh, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh phối hợp với Công ty Đấu giá hợp danh Số 5 - Quốc Gia vừa ra thông báo phát hành, bán và tiếp nhận hồ sơ đấu giá quyền sử dụng đất đối với 26 thửa đất tại khu Quán Chợ thôn Bồng Mạc, xã Liên Mạc và 4 thửa đất tại điểm X2, Tổ dân phố số 4, thị trấn Quang Minh.
Theo đó, 26 thửa đất đấu giá tại khu Quán Chợ, thôn Bồng Mạc, xã Liên Mạc có diện tích từ 102,00m2 đến 143,31m2; giá khởi điểm từ 19-22,5 triệu đồng/m2; 4 thửa đất tại điểm X2, Tổ dân phố số 4, thị trấn Quang Minh có diện tích từ 125,08m2 đến 129,06 m2 giá khởi điểm từ 26 - 27 triệu đồng/m2.
Cả 2 khu đất đấu giá trên của huyện Mê Linh đều có vị trí đẹp, hệ thống giao thông thuận lợi, được đầu tư xây dựng hạ tầng, kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, đầy đủ các tiện ích. Thời gian phát hành, bán và tiếp nhận hồ sơ từ ngày 7-25/3; phiên đấu giá dự kiến tổ chức vào ngày 28/3.
Tại huyện Đông Anh, 72 thửa đất cũng được đưa ra đấu giá quyền sử dụng vào các ngày 24/3 và 31/3. Công ty Đấu giá Hợp danh số 5 - Quốc gia cho biết, các thửa đất này nằm trong khu LK3 và LK4 thuộc Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá quyền sử dụng đất xã Thụy Lâm. Cụ thể, khu LK3 (đấu giá ngày 24/3) có 32 thửa đất diện tích từ 87,5 - 167m2; giá khởi điểm từ 23,5 - 24,5 triệu đồng/m2. Khu LK4 có 40 thửa đất, diện tích từ 87,5 - 144,5m2; giá khởi điểm từ 23,5 - 24,5 triệu đồng/m2; dự kiến đấu giá vào ngày 31/3.
Tại thị xã Sơn Tây, ngày 31/3, Công ty Đấu giá Hợp danh Nhất An Phú tổ chức đấu giá quyền sử dụng 31 thửa đất thuộc Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất đấu giá quyền sử dụng đất khu Vàn Gợi – Đồng Quân, phường Viên Sơn. Các thửa đất có diện tích từ 94,1 - 139,5 m2; giá khởi điểm từ 28 - 33 triệu đồng/m2. Thời gian bán và tiếp nhận hồ sơ đến 17 giờ ngày 28/3.
Còn tại huyện Chương Mỹ, sáng 23/3, Công ty Đấu giá Hợp danh Bảo Phong phối hợp với Trung tâm phát triển quỹ đất huyện tổ chức đấu giá 44 thửa đất thuộc Dự án khu tái định cư sân Golf Hồ Văn Sơn, xã Hoàng Văn Thụ. Với diện tích từ 167,2 - 706,2m2, các thửa đất có giá khởi điểm từ 5,49 - 7,94 triệu đồng/m2...
Từ sau Tết Nguyên đán 2024, trên địa bàn Hà Nội có nhiều dự án được đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất, thu hút nhiều khách hàng tham gia. Đơn cử, cuối tháng 2 vừa qua, huyện Ba Vì tổ chức đấu giá 29 thửa đất tại thôn Đồng Bảng, xã Đồng Thái với 90 khách hàng tham gia, tăng nhiều so với các cuộc đấu giá năm 2023.
Điểm sáng của thị trường nhà đất Thủ đô
Có thể nói, trong bối cảnh thị trường BĐS còn nhiều khó khăn, đặc biệt là đất nền thì phân khúc phục vụ nhu cầu ở thực của người dân như đất đấu giá được coi là điểm sáng của thị trường nhà đất Thủ đô năm 2023. Những kết quả khả quan này sẽ là tiền đề quan trọng để các quận, huyện có những điều chỉnh trong việc quy hoạch các vị trí đất đấu giá phù hợp, giúp công tác đấu giá đất năm 2024 được thuận lợi, đảm bảo nguồn thu cho ngân sách.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, một số quận huyện của TP. Hà Nội có được được kết quả thu ngân sách tốt từ đấu giá đất một phần cũng nhờ sự điều hành chính sách linh hoạt của thành phố trong việc ủy quyền cho UBND cấp huyện quyết định thành lập Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể và quyết định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất đối với khu đất đấu giá có giá trị (tính theo Bảng giá đất) từ 30 tỷ đồng trở lên. Việc này giúp các quận, huyện chủ động, kịp thời điều chỉnh giá khởi điểm phù hợp thị trường để thu hút người dân tham gia đấu giá.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, sau thời gian dài ở mức giá cao thì giá bất động sản đã đồng loạt giảm ở cả những thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM. Người dân ở khu vực đông đúc vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhà ở. Do đó, nhu cầu thực rất lớn và khi có những thông tin tích cực về khả năng phục hồi và sự ấm lên của thị trường đã phần nào kích thích tâm lý mua bán của nhà đầu tư. Tuy nhiên, ông Thịnh cũng lưu ý về khả năng có thể một số người dùng biện pháp đẩy giá.
Chuyên gia Kinh tế TS.Nguyễn Minh Phong cho biết, đất nền có thể đảo chiều trong khoảng cuối năm 2024. Do vậy, đối với các nhà đầu tư phải sử dụng đòn bẩy tài chính thì chưa nên tham gia vào phân khúc này ở thời điểm hiện tại. Ngược lại, giai đoạn này được xem là cơ hội để tìm kiếm những sản phẩm phù hợp và pháp lý rõ ràng với những nhà đầu tư lớn có tiềm lực tài chính mạnh.