Nguồn cung thực phẩm cho thị trường phía Bắc không thiếu
Nguồn cung thực phẩm cho thị trường phía Bắc không thiếu. |
Nguồn cung thực phẩm vẫn ổn định
Trả lời báo Tuổi Trẻ, ông Lê Xuân Huy, phó tổng giám đốc Công ty CP Việt Nam, cho biết mỗi ngày CP cung cấp ra thị trường cả nước hơn 18.000 con heo và 600.000 - 700.000 con gà.
Do đó nguồn cung thực phẩm vẫn ổn định, chỉ lo ngại giao thông bị chia cắt ở nhiều nơi, đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc, gây khó khăn vận chuyển hàng hóa.
Tương tự, ông Nguyễn Ngọc An, tổng giám đốc Công ty Vissan, cũng xác nhận nguồn cung cho thị trường phía Bắc không thiếu.
Nhà máy sản xuất của Vissan tại Bắc Ninh luôn sẵn sàng tăng ca, trong khi chi nhánh tại Hà Nội quản lý hơn 110 nhà phân phối ở các tỉnh thành đang hoạt động ổn định. Công ty duy trì chính sách sản xuất với lượng tồn kho đủ cung ứng trong 10 - 20 ngày liên tiếp.
Các hệ thống bán lẻ cũng đang tăng cường giải pháp tiếp viện hàng từ miền Nam ra Bắc và điều chuyển hàng từ nơi dư thừa sang nơi thiếu hụt, đặc biệt cho các tỉnh như Bắc Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên.
Đại diện MM Mega Market cho biết với các giải pháp tăng cường nguồn rau củ từ Lâm Đồng ra, khả năng sẽ đảm bảo đủ nguồn cung trong 1 - 2 tuần tới. Tuy nhiên việc vận chuyển hàng hóa cho người tiêu dùng cuối sẽ gặp ảnh hưởng.
Trong khi đó đại diện nhiều đơn vị bán lẻ như Winmart, Saigon Co.op... thông tin vẫn tiếp tục thực hiện tăng cường rau củ từ Lâm Đồng ra Bắc.
Ông Nguyễn Như Cường, cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), nói tình hình mưa lũ ở phía Bắc vẫn đang diễn ra, chưa tổng kết hết được những thiệt hại, thiếu thốn.
Tuy nhiên do điều kiện đi lại bị chia cắt bởi nước ngập, cầu gãy, hay sạt lở đất chưa thể sớm khắc phục được ngay, nên việc khan hiếm hàng hóa cục bộ ở một vài nơi là có thể xảy ra. "Có thể tăng giá cục bộ, tăng giá chỗ này chỗ kia một chút, chứ lương thực thì không thiếu", ông Cường đánh giá.
Siêu thị cam kết không tăng giá bán
Central Retail Việt Nam, đơn vị vận hành hệ thống GO!, BigC cho biết, các siêu thị của đơn vị đã tăng 100% sản lượng cung ứng hàng hóa rau củ các loại so với ngày thường.
Bên cạnh đó, ngay từ cuối tuần trước, Central Retail Việt Nam đã chuẩn bị những chuyến xe tăng cường hàng hóa cho miền Bắc. Theo đó, trung bình mỗi chuyến đi từ Đà Lạt giao hàng cho miền Trung và miền Bắc là 40 tấn, nay tăng lên 75 - 80 tấn.
Đặc biệt, Central Retail Việt Nam khẳng định, giá cả vẫn được giữ nguyên như trước khi xảy ra bão. "Chúng tôi không tăng giá bán vì đã có sự chuẩn bị nguồn hàng từ trước cùng các đối tác ở Đà Lạt", đại diện Central Retail Việt Nam khẳng định.
Ông Hà Long Thành - Giám đốc vận hành sản xuất WinEco, nơi cung cấp 80% sản lượng rau, củ cho Winmart, cho biết để đưa nông sản kịp thời đến tận tay người tiêu dùng, WinEco đã đã huy động mọi nguồn lực vận chuyển từ các nông trường phía Nam, đảm bảo nguồn cung cấp rau củ quả sạch, an toàn cho các tỉnh miền Bắc.
Theo đó, ngay từ ngày 8/9, gần 100 tấn rau củ thiết yếu đã được vận chuyển mỗi ngày từ miền Nam và Lâm Đồng ra miền Bắc. Các loại rau được cung cấp phổ biến là: mồng tơi, cải ngọt, cải xanh, cải chíp, bầu bí, mướp đắng, và nhiều mặt hàng khác.
Ngoài ra, để đảm bảo duy trì ổn định nguồn hàng của miền Bắc đến cuối tháng, WinEco đẩy mạnh hoạt động sản xuất tại các nông trường ở Lâm Đồng và miền Nam, duy trì ổn định sản lượng cung cấp cho thị trường miền Bắc và bình ổn giá cho người tiêu dùng sau ảnh hưởng từ bão Yagi.
Hệ thống WinEco hiện sở hữu 14 nông trường công nghệ cao, trải rộng trên hơn 3.000 ha đất nông nghiệp, đáp ứng sản lượng trên 3.000 tấn rau củ thành phẩm mỗi tháng và phân phối đến hơn 3.600 siêu thị, cửa hàng WinMart, WinMart+, WIN trên toàn quốc.
Đặc biệt, các nông sản WinEco được bày bán tại chuỗi siêu thị, cửa hàng WinMart, WinMart+, WIN không tăng giá, giúp ổn định thị trường.
Ở một số thời điểm, do nhu cầu mua rau xanh của người dân quá lớn nên xảy ra tình trạng "cháy hàng". |
Doanh nghiệp TP.HCM tăng ca, sẵn sàng cung ứng thực phẩm ra miền Bắc
Bà Lý Kim Chi, chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM - FFA, cho biết các doanh nghiệp ngành thực phẩm thành phố sẵn sàng tăng ca, tăng cường sản xuất, đưa thực phẩm ra miền Bắc để bình ổn thị trường, không để thiếu hàng và không tăng giá.
Bà Chi cho biết ngay khi nhận được thông tin bão Yagi gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh phía Bắc, lãnh đạo FFA đã làm việc với các đơn vị sản xuất chủ lực thuộc hiệp hội để đánh giá tình hình cung ứng và tăng cường sản xuất trong tình hình miền Bắc thiếu hàng tạm thời.
Ảnh hưởng của bão dẫn tới ngập lụt nhiều tỉnh thành phía Bắc càng khiến các doanh nghiệp thành viên FFA quyết tâm chuẩn bị, sẵn sàng tăng ca, tăng người làm để đảm bảo nguồn cung nhiều nhất vận chuyển ra phía Bắc.
“Chúng tôi sẽ đảm bảo cung cấp đủ các loại thực phẩm khô và thực phẩm chế biến cho các tỉnh miền Bắc để ổn định thị trường, cam kết không tăng giá bán trong suốt giai đoạn khắc phục hậu quả bão lũ. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đang làm việc với các đơn vị bán lẻ, đơn vị vận chuyển để nhanh chóng đưa hàng hóa ra miền Bắc trong thời gian sớm nhất”, bà Chi nói.
Trong 4 ngày qua, trung tâm phân phối của Saigon Co.op cũng hoạt động hết công suất, tăng gấp 3 chuyến xe so với ngày thường. Họ tăng mua các mặt hàng rau xanh (rau muống, cải ngọt, bí đao, cải thảo, dưa leo, cà chua...) từ Đồng Nai, Lâm Đồng và một số tỉnh Tây Nam Bộ.
Theo ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, qua báo cáo tình hình từ các Sở Công Thương, nguồn cung hàng hóa và giá cả các mặt hàng thiết yếu cơ bản ổn định, không có sự thay đổi nhiều về giá, trừ một số loại rau xanh có tăng giá nhẹ do khó bảo quản.
Bộ Công Thương khuyến cáo người dân bình tĩnh, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước và lực lượng chức năng khắc phục thiệt hại và dự trữ nguồn nhu yếu phẩm đủ dùng, không tích trữ quá mức cần thiết để ưu tiên các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề do bão số 3 gây ra.