Mở cửa thị thực, kết nối số, thúc đẩy du lịch xanh
![]() |
Việt Nam có dư địa lớn về phát triển du lịch (Ảnh minh họa) |
Việt Nam có tiềm năng trở thành điểm đến hấp dẫn hàng đầu trong khu vực
Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn hàng đầu trong khu vực nhờ vào sự kết hợp hài hòa giữa tiềm năng thiên nhiên, giá trị văn hóa – lịch sử đặc sắc và chính sách phát triển du lịch ngày càng cởi mở.
Theo Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Nguyễn Trùng Khánh, Việt Nam có dư địa lớn về phát triển du lịch, nhất là các tài nguyên thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, di sản văn hóa, đặc biệt là các di sản được UNESCO công nhận… Với đường bờ biển dài, khí hậu nhiệt đới đa dạng và hệ thống danh lam thắng cảnh phong phú, Việt Nam có lợi thế lớn trong việc thu hút du khách quốc tế. Không chỉ sở hữu các di sản được UNESCO công nhận như vịnh Hạ Long, quần thể Tràng An hay phố cổ Hội An, Việt Nam còn hấp dẫn bởi nền ẩm thực độc đáo, con người thân thiện và chi phí du lịch hợp lý. Những yếu tố này tạo nên sức hút đặc biệt, giúp Việt Nam cạnh tranh sòng phẳng với các quốc gia du lịch phát triển trong khu vực Đông Nam Á.
Bên cạnh tài nguyên tự nhiên, chiến lược phát triển du lịch cũng đang được các cơ quan chức năng triển khai một cách bài bản và hiệu quả. Du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng bền vững. Các hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh đất nước được đẩy mạnh thông qua việc thành lập các văn phòng xúc tiến du lịch quốc gia ở nước ngoài, mở rộng kết nối hàng không quốc tế, và cải thiện chính sách thị thực để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách. Theo Cục Du lịch quốc gia, với tốc độ tăng trưởng ổn định cùng sự quan tâm ngày càng lớn từ du khách quốc tế, Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để trở thành điểm đến hàng đầu trong khu vực, đóng vai trò ngày càng quan trọng trên bản đồ du lịch thế giới.
![]() |
Việt Nam có đường bờ biển dài, khí hậu nhiệt đới đa dạng và hệ thống danh lam thắng cảnh phong phú. |
Nói về hoạt động quảng bá du lịch Việt Nam tại các thị trường nước ngoài, ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết "Bộ VH-TT-DL đã hoàn thiện dự thảo 2 đề án thành lập văn phòng xúc tiến du lịch quốc gia tại một số thị trường trọng điểm, đang tổng hợp ý kiến các Bộ, ngành liên quan để tham mưu trình Chính phủ xem xét. Song song, Bộ cũng đang triển khai chiến lược văn hóa đối ngoại, trong đó có thành lập trung tâm văn hóa Việt Nam tại một số thị trường trọng điểm, nghiên cứu lồng ghép các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch. Với tốc độ tăng trưởng của du lịch thời gian qua cùng những ghi nhận của quốc tế, những chuyển động mạnh mẽ từ nội tại, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào sức bật của du lịch Việt Nam thời gian tới".
Việt Nam ngày càng thu hút khách quốc tế
Theo số liệu của Cục Du lịch Quốc gia, trong tháng 4/2025, Việt Nam đón khoảng 1,65 triệu lượt khách quốc tế. Dù lượng khách có phần sụt giảm so với quý đầu năm – thời điểm cao điểm của du lịch quốc tế, nhưng tổng số khách quốc tế đến Việt Nam trong 4 tháng đầu năm vẫn đạt 7,67 triệu lượt, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số cho thấy đà phục hồi mạnh mẽ và bền vững của ngành du lịch sau giai đoạn trầm lắng vì đại dịch.
Trung Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất với 1,95 triệu lượt, chiếm 25,4% tổng lượng khách quốc tế. Đáng chú ý, Nga và Trung Quốc – hai thị trường từng sụt giảm mạnh trong những năm đại dịch – đang ghi nhận sự trở lại đầy tích cực. Cùng với đó, các thị trường châu Âu như Đức, Pháp, Ý… tiếp tục tăng trưởng ổn định, nhất là từ các nước được hưởng chính sách miễn thị thực đơn phương của Việt Nam.
![]() |
Tổng quan du lịch Việt Nam trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm (Nguồn: Cục Du lịch Quốc gia) |
Sức hút của Việt Nam cũng được thể hiện qua các chỉ số tìm kiếm trên nền tảng quốc tế. Theo báo cáo của Google Destination Insights, lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam từ đầu năm đến nay tăng trong khoảng 10 – 25%, đưa Việt Nam đứng thứ 7 toàn cầu về điểm đến được quan tâm nhiều nhất. Đáng nói, đây là quốc gia duy nhất trong khu vực Đông Nam Á lọt vào top 10, vượt qua các đối thủ như Philippines, Singapore, Thái Lan, Indonesia hay Malaysia.
Bên cạnh việc đa dạng hóa sản phẩm, ngành du lịch Việt Nam cũng đang phối hợp chặt chẽ với ngành hàng không để mở rộng kết nối, đưa du khách quốc tế đến Việt Nam một cách thuận tiện hơn. Vietnam Airlines liên tục khai trương các đường bay thẳng tới các thị trường trọng điểm, như tuyến Hà Nội – Moscow với tần suất 2 chuyến mỗi tuần (dự kiến tăng lên 3 chuyến từ tháng 7/2026), hay đường bay Hà Nội – Milan sử dụng máy bay thân rộng Boeing 787 Dreamliner từ ngày 1/7/2025 với 3 chuyến khứ hồi mỗi tuần. Những kết nối trực tiếp này không chỉ rút ngắn khoảng cách địa lý mà còn mở ra cơ hội phát triển du lịch hai chiều giữa Việt Nam và các nước.
![]() |
Việt Nam đứng thứ 7 toàn cầu về điểm đến được quan tâm nhiều nhất. (Ảnh minh họa) |
Chính sách mở nhằm thu hút du khách
Nhận thức rõ vai trò của chính sách visa trong việc tạo động lực thu hút khách quốc tế, thời gian qua, Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp cải cách thị thực. Việc miễn thị thực đơn phương cho các quốc gia châu Âu như Ba Lan, Czech, Thụy Sỹ cùng với việc áp dụng thị thực điện tử đã đem lại kết quả tích cực. Trong quý I/2025, Việt Nam đón hơn 6 triệu lượt khách quốc tế – mức cao nhất từ trước tới nay, vượt cả giai đoạn trước đại dịch. Đặc biệt, lượng khách từ các quốc gia được miễn thị thực tăng rõ rệt.
Chính phủ cũng đã ban hành Công điện số 47/CĐ-TTg giao Bộ Ngoại giao và Bộ Công an tiếp tục nghiên cứu, đề xuất chính sách thị thực thuận tiện, linh hoạt hơn cho khách quốc tế. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang phối hợp để mở rộng danh sách miễn visa ngắn hạn cho các nước thuộc khu vực ASEAN, Đông Bắc Á, Tây Âu và Bắc Mỹ – những thị trường tiềm năng với mức chi tiêu cao và nhu cầu du lịch ngày một tăng.
Dù vậy, so với các quốc gia trong khu vực, chính sách visa của Việt Nam vẫn còn tương đối hạn chế. Trong khi Thái Lan miễn thị thực cho 93 quốc gia và vùng lãnh thổ, Indonesia cho 169, Malaysia 166, Philippines 157 và Singapore 158, thì Việt Nam mới chỉ áp dụng miễn visa cho một số lượng quốc gia khiêm tốn. Đây là điểm mà các chuyên gia cho rằng cần cải thiện nếu muốn đưa ngành du lịch bứt phá mạnh mẽ trong bối cảnh cạnh tranh khu vực ngày càng gay gắt.
![]() |
Các hoạt động trải nghiệm là một trong những yếu tố then chốt để giữ chân du khách (Ảnh minh họa) |
Tại cuộc họp Chính phủ ngày 4/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định chính sách thị thực là công cụ kép – vừa thúc đẩy du lịch, vừa tăng cường ngoại giao văn hóa. Những giải pháp như nới lỏng thời hạn thị thực, tăng số lần nhập cảnh, ưu đãi cho các đối tượng đặc thù như nhà khoa học, nghệ sĩ, vận động viên quốc tế, hay cải tiến thủ tục xét duyệt đều đang được xem xét triển khai nhằm tăng khả năng tiếp cận của du khách quốc tế với Việt Nam.
Để hiện thực hóa mục tiêu đón từ 22 đến 23 triệu lượt khách quốc tế và 130 triệu lượt khách nội địa trong năm 2025, ngành du lịch cần tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Ngoài chính sách visa, cần đẩy mạnh hợp tác với hàng không để mở thêm các đường bay trực tiếp, tối ưu hóa lịch trình bay và đưa ra các gói ưu đãi hợp lý. Song song đó, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, từ lưu trú, hạ tầng giao thông đến các hoạt động trải nghiệm và nguồn nhân lực cũng là yếu tố then chốt để giữ chân du khách và xây dựng hình ảnh điểm đến Việt Nam chất lượng, thân thiện và chuyên nghiệp.
Với tiềm năng sẵn có, chính sách đồng bộ và định hướng đúng đắn, Việt Nam đang nắm trong tay cơ hội bứt tốc trở thành một trong những điểm đến hàng đầu khu vực trong thời gian tới.
Tin khác

Sầu riêng “thất mùa” đầu ra: Hậu quả từ lệ thuộc một thị trường

Siết quản lý, định hướng phát triển bền vững thị trường thương mại điện tử

Thị trường vàng tuần tới: Kỳ vọng tăng tiếp, nhưng còn nhiều ẩn số

Giá điện tăng lên 2.204 đồng/kWh từ 10/5: Hộ dân trả thêm bao nhiêu tiền mỗi tháng?

Dòng người chen mua vàng giữa lúc giá hạ, chuyên gia cảnh báo rủi ro

Giá vàng giảm tuần thứ 2 liên tiếp, chuyên gia dự báo khó tăng trong tuần tới

Xuất khẩu giảm sâu, nhà vườn đem sầu riêng ra ven đường bán để tránh thua lỗ

Nhu cầu vàng của Việt Nam giảm mạnh trong bối cảnh giá cao ngất ngưởng

Lùi thời gian điều chỉnh giá xăng sang chiều ngày 5/5
