Giá vàng miếng SJC tăng lên 87,5 triệu đồng/lượng, nhà đầu tư nên mua vào hay bán ra?
Vàng miếng xác lập kỷ lục mới 86,2 triệu đồng, dự báo tiếp tục tăng nóng Cấm mua bán vàng bằng tiền mặt: Tốt nhưng khó thực hiện? Đấu thầu “ế thảm”, vì sao giá vàng miếng càng ngày càng tăng? |
Giá vàng SJC lập đỉnh mới 87,5 triệu đồng/lượng. Ảnh Vietnamnet |
Giá vàng SJC lập đỉnh mới
Sáng nay (7/5), giá vàng miếng SJC tăng lên mốc 87,5 triệu đồng/lượng.
Trong gần hai tiếng sau khi mở cửa sáng 7/5, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) 5 lần điều chỉnh tăng biểu giá mua bán vàng miếng. Tới 10h, mỗi lượng SJC tăng 1 triệu đồng so với hôm qua, lên 85,3 - 87,5 triệu đồng, là mức cao nhất từ trước đến nay.
Giá vàng miếng SJC giao dịch tại các nhà vàng khác cũng trong xu hướng tăng nhưng biến động chậm hơn. Tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), giá vàng miếng cùng thời điểm lên 84,8 - 86,95 triệu. Còn tại Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, mỗi lượng tăng với biên độ thấp hơn, neo quanh vùng 86 triệu đồng.
Sáng nay, vàng nhẫn trơn cũng tăng thêm vài chục nghìn đồng tới 200.000 đồng mỗi lượng so với hôm qua, tùy thương hiệu. SJC nâng giá nhẫn trơn lên 73,5 - 75,2 triệu. Nhẫn trơn Hưng Thịnh Vượng của DOJI tăng lên 74,05 - 75,55 triệu. Còn giá mặt hàng này tại Bảo Tín Minh Châu neo quanh 74,1 - 75,6 triệu đồng.
Chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và thế giới bị nới rộng, do gần đây các doanh nghiệp có xu hướng điều chỉnh nhanh hơn. Tình trạng này diễn trong trong bối cảnh sau 4 phiên gọi thầu, Ngân hàng Nhà nước phải hủy 3 phiên, 1 phiên tổ chức thành công nhưng chỉ bán được 3.400 lượng vàng miếng SJC cho 2 đơn vị.
Nếu có lãi nên chốt lời
Nếu đến điểm thấy có lợi nhuận hợp lý, nhà đầu tư nên bán chốt lời. |
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh phân tích: Ở Việt Nam, rất lâu rồi giá vàng mới tăng mạnh, liên tục và kéo dài như thời gian gần đây. Những nhà đầu tư đang "ôm" vàng có thể nghĩ đến việc bán ra ở thời điểm này vì lợi nhuận đã rất hấp dẫn.
"Nhà đầu tư không nên chờ giá lên đỉnh mới chốt lời. Bởi lẽ giá vàng tăng nhưng cũng không biết đâu là đỉnh và có thể rơi xuống bất cứ lúc nào. Vì vậy, nếu đến điểm thấy có lợi nhuận hợp lý, nhà đầu tư nên bán chốt lời", ông Thịnh đưa ra lời khuyên.
Ngoài ra, diễn biến của giá vàng cũng rất khó lường và nhiều rủi ro khi chênh lệch với giá thế giới khá lớn, nên nếu có lời, nhà đầu tư nên bán.
Theo ông Thịnh nhìn nhận, chính tâm lý đám đông khi nhiều người tham gia vào thị trường thì càng đẩy giá vàng SJC cùng vàng nhẫn lên mức rất cao. Cùng với việc giá vàng trong nước đang cách khá xa so với giá thế giới, thì độ vênh giữa giá mua vào và bán ra quá lớn cũng đang tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư nếu cần bán để thu hồi vốn.
Đồng quan điểm, chuyên gia về vàng Trần Duy Phương cũng cho rằng, đối với những người đã mua vàng trước đây, bây giờ mang bán chắc chắn đã có lời lớn rồi, vì vậy cũng nên xem xét bán chốt lời.
“Vàng cũng giống các thị trường tài chính khác, sẽ có lên và có xuống. Thời điểm hiện tại, giá vàng thế giới đang rất cao, đẩy giá vàng trong nước tăng cao theo. Vì vậy, nhà đầu tư nên tận dụng cơ hội này để chốt lời”, ông Phương tư vấn.
Đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư, một số chuyên gia kinh tế trong nước khuyến cáo, nhà đầu tư nên thận trọng khi đầu tư vào vàng thời điểm này bởi thị trường vàng biến động khó lường; khoảng cách chênh lệch giá vàng trong nước hiện nay đang ở ngưỡng cao, đẩy rủi ro về phía người đầu tư.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, nhà đầu tư nên cẩn thận và tự kềm chế trong cơn sốt vàng. "Trong cơn sốt vàng, tuyệt đối tránh tình trạng vay tiền để mua vàng. Bởi khi vàng đột ngột rớt giá, người vay sẽ cùng lúc phải chịu áp lực nặng nề từ việc thất thoát tiền bạc và trả nợ", ông nói.
Cũng theo ông Hiếu, giá vàng đang rất sốt, không nên nóng vội, bỏ hết vốn liếng đầu tư vào vàng. Nên theo dõi kỹ lưỡng thông tin từ các kênh, các tuyên bố, động thái của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các diễn biến mới nhất từ thị trường.
Chuyên gia về vàng Trần Duy Phương cũng cho rằng, đây là thời điểm giá vàng khá cao nên nhà đầu tư không nên mua vào.
Ông Phương nhận định, nếu giá vàng thế giới giảm khoảng 100 USD/ounce thì giá vàng trong nước sẽ giảm chậm hơn, tầm 1-1,5 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, khi giá vàng thế giới đã giảm 100 USD/ounce mà không tăng luôn, lại đi ngang hoặc "đứng” trong vòng một tuần, sẽ xuất hiện sự điều chỉnh giảm từ từ tiếp theo của giá vàng trong nước.
Trước diễn biến giá vàng, chuyên gia khuyến cáo, đầu tư vàng hiện nay rất rủi ro, nguy cơ lỗ cao. Nhà đầu tư nên cân nhắc, xem xét không tham gia thị trường vàng vào thời điểm này.
"Đầu tư cái gì cũng cần chọn đúng thời điểm, lúc này khá rủi ro, mạo hiểm. Nhà đầu tư cần tỉnh táo, bình tĩnh vì hiện là thời điểm giá đỉnh của vàng thế giới, kéo theo vàng trong nước tăng”, ông Phương khuyến cáo.
Bên cạnh đó, theo nhiều chuyên gia, việc sửa Nghị định 24 sắp tới có thể khiến giá vàng trong nước hạ nhiệt, vì vậy, không nên mua vàng lúc giá đỉnh như hiện nay.
Giá vàng miếng SJC tăng lên sát 82 triệu đồng/lượng |
Vàng SJC lao dốc, xuống dưới 80 triệu đồng/lượng |
Vì sao nhiều doanh nghiệp muốn tham gia đấu thầu vàng vẫn phải đứng ngoài cuộc? |