Cách nào “giải cứu” hàng chục nghìn căn hộ tái định cư bỏ hoang, không người đến ở
Nhà tái định cư, chung cư bỏ hoang gây lãng phí trong khi nhu cầu người dân rất lớn... |
Dân "khát" nhà ở giá rẻ nhưng hàng chục nghìn căn hộ tái định cư bỏ hoang
Theo ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội, giai đoạn vừa qua bất động sản đang có sự trầm lắng. Mặc dù thời gian tới, khi luật Đất đai, luật Nhà ở và luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực giúp tháo gỡ nhiều nút thắt cho thị trường bất động sản nhưng thị trường này vẫn tồn tại nhiều "điểm nghẽn".
Theo ông Điệp, "điểm nghẽn" lớn nhất hiện nay là các cơ chế chính sách chưa đồng bộ dẫn đến thực trạng cung không đủ cầu. Các dự án không được phê duyệt, trong khi nhu cầu về nhà ở rất lớn. Hệ quả làm cho giá nhà tăng cao, nhà giá rẻ khan hiếm khiến cho người có thu nhập thấp khó chạm tới giấc mơ an cư. Ngoài ra, các thủ tục pháp lý phức tạp, kéo dài.
Trong khi đó, để làm một dự án bất động sản, các thủ tục chuẩn bị có thể kéo dài 3 - 5 năm, thậm chí có những dự án đến 10 - 15 năm. Ách tắc pháp lý là rào cản rất lớn kìm hãm đà tăng của bất động sản.
"Trong bối cảnh người dân "khát" nhà ở giá rẻ nhưng hàng chục nghìn căn hộ tái định cư bỏ hoang, không người đến ở gây lãng phí lớn. Nguyên nhân xuất phát từ cơ chế làm nhà tái định cư, nhiều khu tái định cư được xây dựng ở những khu vực xa trung tâm, thiếu tiện ích và dịch vụ công cộng, đặc biệt là công ăn việc làm cho người đến tái định cư", ông Điệp nói và nhìn nhận điều này làm giảm sức hấp dẫn, gây khó khăn cho người dân trong việc di chuyển và sinh hoạt.
Để thị trường bất động sản phát triển, Phó chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội cho rằng, cần các cơ chế chính sách đồng bộ và tạo nguồn lực, lợi ích cho doanh nghiệp, người dân. Việc tháo gỡ các cơ chế chính sách là quan trọng hàng đầu, bên cạnh đó phải tạo được nguồn lực cho thị trường bất động sản phát triển.
Thống kê riêng Hà Nội và TP HCM có gần 13.000 căn hộ tái định cư bỏ hoang. Trong đó, TP HCM có gần 9.000 căn bỏ trống. Một nửa trong số này thuộc về khu tái định cư Bình Khánh (TP Thủ Đức), dự án được đánh giá có vị trí đắc địa trong Khu đô thị Thủ Thiêm (đối diện quận 1 qua bờ sông Sài Gòn), chất lượng xây dựng tốt, nhưng vẫn không có dân về ở, nhiều lần đấu giá thất bại.
Trong khi đó, nhiều người dân tại các đô thị lớn cho biết gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận nhà xã hội vì nguồn cung khan hiếm. Đơn cử tại một chương trình gặp gỡ lãnh đạo UBND TP HCM giữa tháng 5, đại diện công nhân cho biết "chỉ thấy nhà ở xã hội trên tivi, không biết dự án ở đâu, mua thế nào, vay vốn ra sao".
Nguyên nhân dẫn đến hàng chục nghìn căn hộ tái định cư bỏ hoang được ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch VAR chỉ ra là do nhiều dự án tái định cư được xây dựng ở những khu vực xa trung tâm, thiếu các hạ tầng cơ bản như trường học, bệnh viện, chợ, giao thông không thuận tiện… làm giảm chất lượng sống và sự tiện lợi cho cư dân, khiến người dân luôn phải đắn đo, cân nhắc khi quyết định nhận nhà tái định cư.
Bên cạnh đó, theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh, nhiều dự án tái định cư có chất lượng xây dựng chưa thực sự đảm bảo, nhà mới xây xong đã có dấu hiệu xuống cấp, như: Tường nhà rạn nứt, sàn nhà bong tróc, hệ thống điện nước không ổn định… Đây là “điểm trừ” khiến người dân trong diện được nhận nhà do đền bù giải tỏa mặt bằng không “mặn mà” trong việc nhận nhà tái định cư, mà lựa chọn nhận tiền bồi thường để chủ động tìm nơi ở mới. Ngoài ra, cũng có tình trạng, nhiều trường hợp tiền bồi thường không đủ đảm bảo để người dân bị thu hồi đất có thể mua được nhà tái định cư…
Cách nào giải “bài toán” chuyển quỹ nhà tái định cư không người ở thành nhà xã hội
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội chiều tối ngày 17/5 - Ảnh: VGP |
Trong bối cảnh nhu cầu nhà ở bức thiết, tình trạng thừa nhà, thiếu chỗ ở tại Hà Nội và TP HCM trở thành nghịch lý rất lãng phí. Một số đại biểu Quốc hội và chuyên gia đã đề nghị chuyển quỹ nhà tái định cư không người ở thành nhà xã hội. Giải pháp này được kỳ vọng trở thành "một mũi tên trúng hai đích", vừa thúc đẩy đề án xây dựng một triệu căn hộ nhà xã hội vừa giải quyết số lượng lớn nhà tái định cư bị bỏ hoang lãng phí nhiều năm.
Trong cuộc họp với các bộ, ngành bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư phát triển nhà ở xã hội. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Bộ Xây dựng nghiên cứu chuyển mục đích sử dụng nhà ở tại các khu tái định cư chưa sử dụng sang nhà ở xã hội, nhằm thúc đẩy thực hiện Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội.
Đây không phải lần đầu tiên giải pháp trên được đưa ra. Thực tế việc chuyển đổi hai loại hình dành cho hai nhóm đối tượng khác nhau không dễ dàng, theo nhiều chuyên gia. Bởi phương án này cần tính đến một cơ chế riêng để điều chỉnh thủ tục pháp lý, thay đổi thiết kế và nâng cấp chất lượng xây dựng.
Để phương án chuyển nhà tái định cư thành nhà xã hội khả thi, các chuyên gia cho rằng cần giải được những nút thắt trên bằng việc ban hành chính sách mới và đề án thí điểm chuyển đổi. LS Phạm Thanh Tuấn, Đoàn luật sư TP Hà Nội, nhìn nhận Luật Nhà ở 2023 đã mở ra khung pháp lý cho việc chuyển nhà tái định cư sang nhà ở xã hội. Cơ quan quản lý cần đẩy nhanh việc hoàn thiện các nghị định hướng dẫn để sớm ban hành.
Ông nói, nhà chức trách cần nhanh chóng rà soát, làm việc chặt chẽ với các địa phương về nhu cầu, hiện trạng nhà ở tái định cư, "tránh tình trạng giữ khư khư nhà hoang, không biết lúc nào mới cần dùng đến". Từ đó thí điểm chuyển đổi với một số dự án tiêu biểu ở Hà Nội và TP HCM để đánh giá mức độ khả thi.
Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cũng gợi ý phương án cho thuê quỹ nhà tái định cư không người ở để sử dụng hiệu quả tài sản này. Nhà nước sẽ đưa ra quy định rõ ràng về mức giá thuê, thời hạn thuê và những điều kiện cụ thể. Người dân khi cho thuê căn nhà tái định cư cũng được áp dụng các chính sách khuyến khích, hỗ trợ tài chính như miễn giảm thuế, hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi...
Về lâu dài, Phó chủ tịch VARS đề xuất ghép nhà tái định cư và nhà xã hội thành cùng một phân khúc. Các dự án tái định cư sẽ được tiếp cận gói tín dụng 120.000 tỷ đồng để hoàn thiện các hạng mục về hạ tầng kỹ thuật, xã hội nhằm thu hút người dân đến sinh sống. Cùng đó, các khu tái định cư chưa sử dụng cần cải thiện việc quản lý, bảo trì, đầu tư tiện ích để tạo môi trường sống tốt "thay vì chỉ xây dựng một chỗ để ở".
"Giải pháp này có thể vừa nâng cao chất lượng sống cho người dân vừa tận dụng được hàng nghìn căn nhà đang bỏ không ở đô thị", chuyên gia cho hay.
Nguồn cung tăng sẽ giải nhiệt "cơn khát" nhà ở xã hội |
Chờ đợi chung cư giảm giá là điều rất khó xảy ra |
Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 Luật |