Việt Nam nắm giữ nguồn xuất khẩu gạo thứ 3 của thế giới: Cơ hội lớn để ngành lúa gạo "chuyển mình"
Xuất khẩu gạo sang thị trường EU vượt xa hạn ngạch của EVFTA Xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục bứt phá trong năm 2024 Xuất khẩu gạo sụt giảm vẫn thu về gần nửa tỷ USD |
Xu thế giảm của giá gạo sẽ không thể kéo dài
Giá gạo xuất khẩu những ngày gần đây của Việt Nam và các nước giảm về khoảng 600 USD/tấn. Bên cạnh đó, giá lúa gạo nguyên liệu tại Đồng Bằng Sông Cửu Long cũng giảm hơn 1.000 đồng/kg trong tuần qua.
Số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đang ở mức 690 USD/tấn, giảm 19 USD/tấn; giá gạo 25% tấm đạt 584 USD/tấn, giảm 20 USD/tấn; giá gạo 100% tấm giữ nguyên ở mức 508 USD tấn. Đáng chú ý, giá gạo 5% và 25% tấm của Việt Nam đang thấp hơn một chút so với gạo Thái Lan cùng loại. Trong khi đó, giá gạo 100% tấm cao hơn giá gạo cùng loại của Thái Lan 25 USD/tấn.
Một số chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chủ yếu khiến giá một số loại gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm là do yếu tố tâm lý. Hiện nay, các nhà nhập khẩu gạo biết rằng Việt Nam đang vào vụ thu hoạch lúa lớn nhất trong năm, nên chưa vội mua vào nên chờ giá tốt. Trong khi yếu tố thời vụ đã trở thành quy luật từ nhiều năm qua, tuy nhiên năm nay do giá gạo Việt Nam ở mức khá cao nên mức giảm mạnh hơn.
Cùng với đó, một trong những khách hàng truyền thống và mua gạo với số lượng lớn của Việt Nam là Indonesia, vừa ký được hợp đồng 500.000 tấn vào cuối tháng 1 với Việt Nam, Myanmar và Pakistan. Ngoài ra, những diễn biến gần đây trước kỳ bầu cử ở Ấn Độ cũng khiến các nhà nhập khẩu chưa vội "chốt đơn".
Đáng chú ý, các nhà phân tích thị trường cũng nhận định, do nguồn cung bị thắt chặt, nên xu thế giảm của giá gạo sẽ không thể kéo dài. Ngược lại giá gạo xuất khẩu sẽ còn biến động theo chiều hướng tăng trong năm 2024. Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, dù diện tích lúa đang có xu hướng giảm, nhưng đối với kế hoạch sản xuất năm 2024, ngành trồng trọt vẫn đặt mục tiêu giữ vững diện tích gieo trồng 7,1 triệu ha lúa. Sản lượng lúa thu hoạch trong năm 2024 theo ước tính sẽ đạt trên 43 triệu tấn và Việt Nam vẫn đảm bảo xuất khẩu từ 8 triệu tấn gạo trở lên.
Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến trung tuần tháng 2, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã đạt 663.209 tấn, trị giá 466,6 triệu USD. Giá gạo xuất khẩu trung bình đạt 703,5 USD/tấn, tăng 33,65% so với cùng kỳ năm 2023.
So với cùng kỳ năm 2023, lượng gạo xuất khẩu đã tăng 14,4% (tăng hơn 83.000 tấn) trong khi đó trị giá xuất khẩu tăng tới 53% (tăng gần 161 triệu USD). Mức giá xuất khẩu gạo bình quân 703,5 USD/tấn, tăng tới 33,65% so với cùng kỳ năm 2023 (chỉ đạt khoảng 526 USD/tấn). Trước đó, năm 2023 xuất khẩu gạo cũng thu về các con số khá ấn tượng với 8,1 triệu tấn và 4,68 tỷ USD, lần lượt tăng 14,4% và 35,3% so với năm 2022.
Trong năm 2023, thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam là ASEAN, chiếm tới 61% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước với 4,9 triệu tấn, tăng 24% so với năm trước. Ngoài ra, gạo Việt Nam còn xuất khẩu sang các thị trường khác như Trung Quốc, Ghana…
Việt Nam nắm giữ nguồn xuất khẩu gạo lớn thứ ba của thế giới
Việt Nam là quốc gia có sản lượng xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới. |
Nhu cầu nhập khẩu gạo để tăng cường dự trữ lương thực của các thị trường lớn mở ra nhiều triển vọng cho xuất khẩu gạo Việt Nam. Không chỉ có Việt Nam mà các quốc gia có nền nông nghiệp lớn như: Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc, Pakistan, Brazil,…đều là những nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới (tính đến năm 2023).
Ấn Độ giữ vị trí số 1 các quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới (16,5 triệu tấn). Quốc gia có sản lượng gạo xuất khẩu đứng thứ 2 trên thế giới chỉ sau Ấn Độ và lớn nhất Đông Nam Á là Thái Lan (8,2 triệu tấn).
Việt Nam là quốc gia có sản lượng xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới (7,6 triệu tấn). Với nền tảng vững chắc là đất nước phát triển từ nền văn minh lúa nước nên gạo vừa là nguồn lương thực chính vừa là mặt hàng xuất khẩu chiến lược. Gạo chính là sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam do đó không khó để Việt Nam trở thành quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á có lượng gạo xuất khẩu hàng đầu thế giới.
Pakistan vẫn luôn duy trì hoạt động xuất khẩu gạo quốc tế và đứng thứ 4 các quốc gia xuất khẩu gạo lớn của thế giới (5 triệu tấn). Tiếp theo lần lượt là Mỹ (2,675 triệu tấn), Trung Quốc (2,2 triệu tấn), Campuchia (1,95 triệu tấn), Myanmar (1,8 triệu tấn), Brazil (1,3 triệu tấn) và Uruguay (950 nghìn tấn). Dự báo, Việt Nam còn nhiều tiềm năng tăng sản lượng và giá trị gạo xuất khẩu do nhu cầu gạo trên toàn cầu tăng cao.
Cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo bứt phá
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2023, sản lượng lúa cả nước đạt 43,4 triệu tấn, tăng 1,7% so với năm 2022. Giá trị xuất khẩu gạo đã đạt 4,78 tỷ USD, tăng 38,4% so với năm 2022.
Theo dữ liệu của Bloomberg, tính đến cuối tháng 1/2024, giá gạo 5% tấm của Việt Nam duy trì mức 660,25 USD/tấn, cao hơn so với giá gạo của Ấn Độ, Thái Lan và vẫn tiếp tục đà tăng kéo dài từ cuối năm 2020 tới nay.
Bộ NN&PTNT cho biết, năm 2024, sản lượng gạo toàn cầu có thể đạt kỷ lục gần 520 triệu tấn, đồng thời, mức tiêu thụ cũng tiến sát 525 triệu tấn. Như vậy, thế giới sẽ thiếu hụt 5 triệu tấn gạo trong năm 2024, trong khi lượng tồn kho toàn cầu chỉ còn 160 triệu tấn, vì vậy, nhu cầu gạo dự kiến vẫn duy trì mức cao.
Lý giải việc giá gạo Việt Nam cao trong thời gian dài và giá trị xuất khẩu đạt kỷ lục trong năm 2023, bà Nguyễn Hà Minh Anh, chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết: “Tình hình thời tiết cực đoan tại một số nước xuất khẩu lớn, xu hướng phòng hộ ngành gạo nhằm kiềm chế lạm phát tại một số nguồn cung lớn như Ấn Độ và xung đột địa chính trị khiến nhu cầu dự trữ gạo tăng cao”.
Bà Nguyễn Hà Minh Anh cho biết thêm, giá trị xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ tiếp tục thuận lợi ít nhất trong nửa đầu năm 2024. Tuy nhiên, vào nửa cuối năm 2024, giá gạo có thể hạ nhiệt nếu chính phủ Ấn Độ dỡ bỏ hạn chế về xuất khẩu. Đối với các doanh nghiệp niêm yết, lợi nhuận có thể không đi cùng với diễn biến thuận lợi của xuất khẩu gạo, do giá thu mua lúa gạo vẫn đang ở mức cao và quy trình mua bán gạo từ người nông dân - doanh nghiệp - người tiêu dùng thường qua nhiều bên trung gian.
Nhìn vào diễn biến giá cũng như giá trị xuất khẩu đạt kỷ lục trong năm 2023, nhà đầu tư dễ kỳ vọng kết quả kinh doanh tích cực của các doanh nghiệp trong ngành xuất khẩu lúa gạo, nhưng thực tế lại trái ngược. Tại Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (mã TAR), quý IV/2023, đơn vị này ghi nhận doanh thu giảm 36,2%, về 1.005,57 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 31,91 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 17,96 tỷ đồng, tức giảm tới 49,87 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 4,3%, về còn 3%.
Lũy kế trong năm 2023, Công ty Trung An ghi nhận doanh thu tăng 18,1%, lên 4.484,75 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận lại ghi nhận lỗ 19 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 75,2 tỷ đồng, tức giảm tới 94,2 tỷ đồng. Giải thích việc kinh doanh kém hiệu quả so với năm trước, Công ty Trung An cho biết, do chi phí sản xuất cao hơn so với cùng kỳ.
Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu nông sản - thực phẩm An Giang (Afiex, mã AFX), lợi nhuận năm 2023 cũng giảm nhẹ so với cùng kỳ. Theo đó, trong năm 2023, doanh thu của Afiex đạt 2.137,1 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm 7,4%, về 26,5 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (mã LTG) ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực quý cuối năm, sau giai đoạn đầu năm gặp khó khăn. Theo đó, quý IV/2023, Lộc Trời ghi nhận doanh thu đạt 5.819,83 tỷ đồng, tăng 90,1% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế ghi nhận lãi 247,77 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 23,9%, lên 26,2%.
Tuy vậy, luỹ kế trong năm 2023, Tập đoàn Lộc Trời dù ghi nhận doanh thu đạt 16.068,6 tỷ đồng, tăng 37,4% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận sau thuế ghi nhận 265,1 tỷ đồng, bằng 74,4% so với cùng kỳ.
Phân tích về thách thức trong năm 2023, đại diện Tập đoàn Lộc Trời cho biết: “Năm 2023, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo thường chịu những khoản lỗ trước tình trạng giá lúa nguyên liệu tăng cao vì các doanh nghiệp này phải giao hàng theo tiến độ đã ký kết như trong các hợp đồng xuất khẩu, mặc dù khi chốt giá bán gạo thì giá lúa vẫn thấp”. Có thể thấy, mặc dù nhu cầu xuất khẩu và giá gạo tăng cao, nhưng không phải tất cả doanh nghiệp đều hưởng lợi, có sự phân hóa dựa trên đặc thù ngành, năng lực và hiệu quả vận hành của từng đơn vị.
Đại diện Tập đoàn Lộc Trời tỏ ra thận trọng khi chia sẻ về kế hoạch kinh doanh: “Năm 2024, do không biết trước các động thái của Ấn Độ đối với việc có tiếp tục thực hiện lệnh cấm xuất khẩu hay không, các doanh nghiệp không dám giữ lượng tồn kho lớn, thay vào đó, duy trì hình thức mua nhanh, bán nhanh”.
Một tin vui là ngày 30/1/2024, các doanh nghiệp gạo Việt Nam đã trúng gói thầu hơn 400.000 tấn gạo trắng 5% tấm trên tổng số 500.000 tấn mở thầu cho Berum Bulog, cơ quan hậu cần của Indonesia. Cùng với đó, Biên bản ghi nhớ giữa Việt Nam và Philippines về hợp tác thương mại gạo được ký kết. Những con số này thể hiện triển vọng tích cực của xuất khẩu lúa gạo Việt Nam trong năm 2024.
Nhiều chuyên gia nhận định, năm 2024 vẫn là một năm đáng chờ đợi đối với doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu gạo khi nhu cầu tiếp tục duy trì và mặt bằng giá xuất khẩu được kỳ vọng neo ở vùng giá cao.