Tập trung vào 3 hướng lớn để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương trả lời phóng viên tại họp báo |
Thông tin tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2024 diễn ra vào chiều ngày 1/6, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết tình hình đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp là vấn đề nóng hổi được xã hội và dư luận quan tâm. Đặc biệt trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội vừa qua tại Quốc hội, rất nhiều đại biểu Quốc hội cũng quan tâm đến tình hình doanh nghiệp.
Về tình hình đăng ký kinh doanh tháng 5/2024, Thứ tưởng Trần Quốc Phương cho rằng khá tích cực. Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp gia nhập thị trường, quay trở lại hoạt động trong tháng 5 đạt 20.000 doanh nghiệp, bằng gấp 1,7 lần so với doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 10,6% so với cùng kỳ.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, xu hướng cho thấy số lượng doanh nghiệp thành lập mới, tái gia nhập thị trường nhiều hơn so với doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Cụ thể, doanh nghiệp thành lập mới và tái gia nhập là 98.800 doanh nghiệp, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 97.300 doanh nghiệp, tuy có cao hơn nhưng không đáng kể, khoảng hơn 1.000 doanh nghiệp. Điều này cho thấy tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn.
Đối với tình hình đăng ký doanh nghiệp, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn theo dõi chặt chẽ và báo cáo định kỳ với Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ trên tinh thần các tín hiệu tích cực về sự phục hồi của nền kinh tế, về đăng ký doanh nghiệp mới tăng thêm. Tuy nhiên cũng không tránh khỏi bối cảnh còn rất nhiều khó khăn.
Do đó, tại phiên họp Chính phủ sáng 1/6, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo các giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy tích cực tập trung vào 3 hướng.
Thứ nhất, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là về thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp gia nhập thị trường, kinh doanh thuận lợi.
Thứ hai, cải thiện yếu tố đầu vào, đặc biệt là hỗ trợ thông qua chính sách tài khóa, tiền tệ, bao gồm tiếp tục duy trì và bảo đảm tính chất ổn định, hỗ trợ cho doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận tín dụng; kiến nghị các cấp thẩm quyền tiếp tục xem xét các chính sách giảm thuế; giảm, hoãn phí, lệ phí… để tăng khoản tiền cho doanh nghiệp, hỗ trợ yếu tố đầu vào và các giải pháp cho các yếu tố đầu ra.
Thứ ba, liên quan đến thị trường xuất khẩu của nước ta, thúc đẩy các giải pháp để các doanh nghiệp sớm có các đơn hàng mới tăng thêm để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Tăng cường các giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ cho doanh nghiệp |
Chuyển đổi logistics xanh trong thương mại điện tử là yêu cầu cần thiết |
Vì sao doanh nghiệp Việt bị “lật kèo” hàng trăm nghìn tấn điều thô? |