Doanh nghiệp thu mua cầm chừng, giá gạo trong nước liên tục giảm mạnh
Doanh nghiệp thu mua cầm chừng, giá gạo trong nước liên tục giảm mạnh. Ảnh: Ngọc Tài |
Giá lúa gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tiếp tục giảm mạnh. Đây là mức độ giảm giá mạnh nhất được ghi nhận kể từ thời điểm Ấn Độ tạm dừng xuất khẩu gạo vào tháng 7 năm ngoái đến nay.
Theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, ngày 28/1, giá lúa IR 504 ở mức 9.000 – 9.200 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 duy trì quanh mốc 9.600 – 9.800 đồng/kg; OM 18 ở mức 9.600 – 9.800 đồng/kg; OM 5451 ở mức 9.300 - 9.500 đồng/kg; Nàng Hoa 9 duy trì ổn định ở mức 9.400 – 9.600 đồng/kg; lúa OM 380 dao động quanh mốc 8.600 - 8.800 đồng/kg.
Với mặt hàng gạo, giá gạo các loại không có biến động. Theo đó, tại các kho gạo chợ tại An Cư, Cái Bè (Tiền Giang), giá gạo nguyên liệu OM 18, Đài thơm 8 ở mức 14.100 – 14.200 đồng/kg; gạo nguyên liệu OM 5451 dao động quanh mức 13.700 – 13.800 đồng/kg; ST 24 ở mức 18.500 – 18.700 đồng/kg.
Tại Sa Đéc (Đồng Tháp), gạo thơm ở mức 13.600 – 13.800 đồng/kg; thơm đẹp 13.900 – 14.000 đồng/kg; gạo OM 5451 13.500 – 13.700 đồng/kg; IR 504 ở mức 12.700 – 12.900 đồng/kg; gạo ST 24 dao động quanh mốc 18.000 – 18.300 đồng/kg; ST 21 ở mức 17.300 - 17.500 đồng/kg.
Tại các kho xuất khẩu, giá gạo nguyên liệu IR 504 Việt duy trì ở mức 13.050 - 13.150 đồng/kg; gạo nguyên liệu dao động ở mức 12.900 - 13.000 đồng/kg; gạo nguyên liệu Sóc Trăng ở mức 12.250 - 12.350 đồng/kg; gạo nguyên liệu OM 5451 ở mức 13.700 - 13.800 đồng/kg; gạo nguyên liệu OM 18, Đài thơm 8 ở mức 14.050 - 14.150 đồng/kg.
Ghi nhận tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long hôm nay thị trường lúa giao dịch chậm. Trong tuần qua, giá lúa các loại giảm mạnh từ 200 – 600 đồng/kg so với tuần trước đó. Đáng chú ý, tại nhiều đồng, giá lúa đã giảm mạnh hơn 1.000 đồng/kg với các loại lúa như IR 504, Đài thơm 8 và OM 18. Theo đó, giá lúa Đài thơm 8, OM 18 chỉ còn 8.800 đồng/kg; giống IR 50404 cũng giảm xuống còn 8.200-8.300 đồng/kg. Đây là mức độ giảm giá mạnh nhất được ghi nhận kể từ thời điểm Ấn Độ tạm dừng xuất khẩu gạo vào tháng 7 năm ngoái đến nay.
Tương tự, trên thị trường gạo, hôm nay giao dịch rất chậm, các kho mua cầm chừng, nhiều kho ngưng mua. Trong tuần qua, giá gạo các loại cũng giảm mạnh so với tuần trước đó.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm này, nhiều doanh nghiệp cho biết, hiện các nhà kho thu mua gạo phục vụ xuất khẩu ở Đồng bằng sông Cửu Long đang hạn chế mua vào, thậm chí có không ít kho đã quyết định tạm dừng thu mua. Đây chính là nguyên nhân khiến giá lúa gạo ở khu vực này sụt giảm mạnh như những ngày qua.
Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam duy trì ổn định sau phiên biến động. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hiện giá gạo 25% tấm ở mức 617 USD/tấn; gạo 5% tấm ở mức 652 USD/tấn.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cho biết, hiện các nhà nhập khẩu từ thị trường mua gạo lớn nhất của Việt Nam là Philippines đưa ra yêu cầu mức giá mua vào chỉ còn 690 đô la Mỹ/tấn đối với gạo thơm; lần lượt ở mức 670 và 630 đô la Mỹ/tấn đối với gạo mền cơm như OM 5451 và gạo thường IR 50404 (giá FOB). Đây là mức giá thấp hơn rất nhiều so với mức giá được các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam đang chào bán.
Trong khi đó gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan liên tục tăng và hiện đã lên mốc 669 USD.
Gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan liên tục tăng và hiện đã lên mốc 669 USD. |
Cụ thể, trong tuần trước giá gạo 5% tấm của nước này đã tăng 22 USD lên mốc lịch sử 668 USD/tấn và cập nhật đến ngày 24/1 của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã tăng thêm 1 USD/tấn, lên mức 669 USD/tấn. Như vậy 2 tuần qua tổng mức tăng là 23 USD/tấn.
Đây là lần đầu tiên trong khoảng 1 năm qua, giá gạo tiêu chuẩn 5% tấm của Thái Lan vượt qua gạo cùng phẩm cấp của Việt Nam với khoảng cách lên tới 17 USD/tấn.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 1, Việt Nam xuất khẩu trên 194.000 tấn gạo, với trị giá đạt trên 134,5 triệu USD, giảm 32.000 tấn về lượng, nhưng tăng khoảng 20 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này đồng nghĩa, giá xuất khẩu gạo bình quân của Việt Nam trong nửa đầu tháng 1 đạt khoảng 693 USD/tấn, tăng đáng kể so với mức giá bình quân của năm 2023 (khoảng 578 USD/tấn).