Chuối ế, rớt giá – chuyện không mới của ngành nông nghiệp
Kỳ vọng xuất khẩu nửa triệu tấn, "thủ phủ" chuối Đồng Nai quy mô khủng cỡ nào? Nhật Bản tăng mạnh nhập khẩu chuối từ Việt Nam Việt Nam là thị trường cung cấp quả chuối lớn thứ 2 cho Trung Quốc |
Chuối ế, rớt giá – chuyện không mới của ngành nông nghiệp. Ảnh TTO |
Chỉ 2 ngàn đồng/kg chuối
Vài tuần trở lại đây, giá chuối cấy mô xuất khẩu rơi theo chiều thẳng đứng, hiện chỉ còn 1-2 ngàn đồng/kg.
Theo thương lái mua chuối, nguyên nhân giá chuối giảm sâu do thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, trong đó chủ yếu do ảnh hưởng từ thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc. Ngoài nguyên nhân nhu cầu tiêu thụ tại thị trường này chậm, còn có áp lực cạnh tranh từ nhiều nước trong khu vực đang đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này.
Năm 2023, nông dân trồng chuối cấy mô xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trúng lớn vì bán được giá cao, đạt lợi nhuận khủng. Theo đó, nhiều nông dân đầu tư cả trăm triệu đồng thuê thêm đất để nhân rộng diện tích cây trồng này. Nhưng trái với kỳ vọng, nông dân trồng chuối cấy mô xuất khẩu đang phải kêu cứu vì chuối rộ vụ thu hoạch, giá rớt chỉ còn 1-2 ngàn đồng/kg mà vẫn không gọi được thương lái mua.
Ông Hà Văn Mạnh, chủ vườn chuối ở xã Gia Tân 3 (H.Thống Nhất) cho biết, toàn bộ 5,2ha chuối đang cho thu hoạch của gia đình ông đều là đất thuê với giá 100 triệu/ha/năm, tăng hơn 1ha so với vụ năm ngoái. Do đa số diện tích trồng chuối của ông là thế hệ F2 (chuối cấy mô trồng đợt 1 cho thu hoạch, nhà vườn tận dụng lại cây con do cây mẹ đẻ ra tiếp tục làm vụ 2), vì không tốn tiền mua cây giống nên giá thành sản xuất chuối của ông chỉ khoảng 5 ngàn đồng/kg, thấp hơn giá thành chuối cấy mô khoảng 2 ngàn đồng/kg. Hiện các vườn chuối của ông đều cần thu hoạch. Khoảng 3 ngày trước, ông chốt giá với thương lái 1,9 ngàn đồng/kg, nay gọi lại tiếp tục giảm còn 1,2 ngàn đồng/kg.
Thu hoạch chuối tại huyện Trảng Bom tỉnh Đồng Nai. Ảnh Thanh Huy |
Ông Mạnh xót xa bày tỏ: “Tôi còn gần 100 tấn chuối khoảng 2 tuần nữa là thu hoạch, với giá bán như hiện nay coi như nhà vườn thua trắng tay. Nông dân thiệt đơn thiệt kép vì giá chuối càng rẻ, thương lái tuyển chuối càng khắt khe, tỷ lệ hàng dạt bỏ đi đến hơn 50% tổng sản lượng chuối trong vườn. Rất nhiều quầy chuối thương lái bỏ lại vườn không cắt, quầy được cắt thì họ cũng chỉ chọn vài ba nải đẹp. Vụ này, tổng tiền đầu tư phân, thuốc, nhân công cho toàn bộ diện tích trồng chuối này khoảng 850 triệu đồng mà tôi mới thu về chưa đến 200 triệu đồng, tính sơ tôi lỗ hơn 600 triệu đồng”.
Thậm chí, những ngày gần đây, thị trường TP HCM xuất hiện nhiều điểm bán chuối vỉa hè với số lượng lớn với giá chỉ 6.000 đồng/kg. Trong 2 năm 2022 và 2023, hầu như không có tình trạng này vì chuối được xuất khẩu rất tốt.
Các tiểu thương cho biết chuối được mua từ nhà vườn ở Đồng Nai – vùng chuyên canh chuối xuất khẩu. Hầu hết chuối được bán có kích cỡ lớn và quả còn xanh và lượng tiêu thụ khá chậm.
Ông Đỗ Ngọc Chất, Giám đốc Công ty TNHH Việt Á Agrifood (TP HCM) - chuyên xuất khẩu chính ngạch trái cây sang Trung Quốc cho biết cùng thời điểm này năm ngoái, giá chuối tại nhà vườn hơn 10.000 đồng/kg, lãi rất lớn nên năm nay diện tích chuối tăng mạnh.
Ngoài Việt Nam thì chuối ở Lào, Campuchia, Philippines cũng tăng sản lượng và đều hướng đến thị trường Trung Quốc.
"Hiện sức mua tại Trung Quốc cũng rất yếu nên không thể tiêu thụ hết lượng chuối tăng lên. Tại vườn, giá chuối chỉ còn 1.000 - 2.000 đồng/kg" – ông Chất nói.
Trồng tự phát, không theo quy hoạch?
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, cây chuối cấy mô hiện thuộc tốp các cây trồng cho lợi nhuận cao. Vài năm trở lại đây, giá chuối cấy mô xuất khẩu thường bán được mức cao nên nông dân trồng chuối cấy mô thường thu được lợi nhuận tốt. Đây cũng là nguyên nhân diện tích cây trồng này không ngừng tăng nhanh trong những năm qua.
Theo báo cáo của Chi cục trồng trọt, bảo vệ thực vật và thủy lợi (Sở NN&PTNT, tỉnh Đồng Nai), diện tích trồng chuối ở tỉnh này tăng lên gần gấp đôi, từ hơn 7.300 héc ta vào năm 2016 tăng lên hơn 13.100 héc ta vào năm 2021. Diện tích chuối cấy mô xuất khẩu tăng nhanh do có nhiều lợi thế cho lợi nhuận cao hơn nhiều cây trồng khác.
Hiện tại tỉnh Đồng Nai có nhiều vùng chuyên canh cây chuối có truyền thống trồng lâu năm, nông dân giàu kinh nghiệm trồng, chăm sóc. Trong trường hợp loại cây này không phù hợp hoặc giá xuống quá thấp thì có thể dễ dàng chuyển sang mô hình sản xuất khác…
Chuối xuất khẩu được bán vỉa hè tại TP HCM. Ảnh Ngọc Ánh |
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, hiện cả nước có 35 tỉnh với 286 mã số vùng trồng chuối xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Trong đó, Đồng Nai là tỉnh đứng đầu cả nước về số lượng mã số vùng trồng được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số và Tổng Cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt. Toàn tỉnh hiện có 30 vùng trồng với diện tích 5.700 héc ta được cấp mã số; chiếm tỷ lệ 43% diện tích trồng chuối trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh cũng có 39 cơ sở đóng gói chuối được cấp mã số.
Ông Vòng Cống Chính, nông dân trồng 10ha chuối xuất khẩu tại ấp Hưng Nghĩa, xã Hưng Lộc, H.Thống Nhất (Đồng Nai) cho hay, ông đang kìm phân bón để làm chậm thời gian thu hoạch, vì nông dân vùng này không gọi được thương lái mua chuối. Nguyên nhân do đây không phải là vùng chuyên canh trồng chuối lớn nên ít có xưởng đóng gói xuất khẩu như ở H.Trảng Bom. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều vùng trồng chuối ở các xã, huyện vùng sâu, vùng xa như: Định Quán, Xuân Lộc.
Theo ông Nguyễn Văn Hiền, thương lái mua chuối trên địa bàn H.Trảng Bom: “Vài ngày trở lại đây, đa số thương lái chúng tôi tạm ngừng mua chuối do việc xuất khẩu bị đình đốn. Một số nơi còn mua thì cũng đóng hàng với sản lượng giảm hơn rất nhiều so với trước. Nguyên nhân thị trường Trung Quốc tiêu thụ chậm, các doanh nghiệp xuất khẩu chuối đang chậm hoặc ngưng nhận hàng”.
Ông Nguyễn Lê Trung, chủ đội chuyên làm dịch vụ đóng gói chuối xuất khẩu tại H.Thống Nhất cho biết thêm, cùng kỳ năm ngoái, chuối sốt giá, hoạt động đóng chuối thường tăng ca đến 10-11 giờ đêm; lượng chuối đưa về các xưởng của doanh nghiệp xuất khẩu đạt 13-14 tấn/ngày nhưng giờ chỉ được hơn một nửa. Doanh nghiệp xuất khẩu xét chất lượng chuối rất kỹ, sẵn sàng trả hàng về chứ không có bao nhiêu thu bấy nhiêu như khi thị trường xuất khẩu tốt. Đây cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ chuối dạt bị bỏ lại nhà vườn rất nhiều. Năm ngoái, cơ sở đi đóng chuối khắp nơi, về đến các huyện vùng sâu Định Quán, Tân Phú mua hàng, nhưng năm nay ngay tại “thủ phủ” trồng chuối cấy mô Trảng Bom, Thống Nhất nguồn chuối còn tồn rất nhiều nên không tính đến chuyện đi vùng xa đóng chuối, vì chi phí và rủi ro đều cao hơn.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho hay năm nay, mùa đông của Trung Quốc đến trễ nên chuối nội địa Trung Quốc vẫn có, không tăng nhập nhiều như các năm.
"Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính của chuối nhưng tại đây cung đang vượt cầu, giá giảm sâu. Tình hình này, dự báo việc tiêu thụ chuối sẽ còn khó khăn trong 1-2 tháng tới" – ông Nguyên nói.