Áp thuế tiêu thụ đặc biệt nước giải khát có đường sẽ tác động tới 24 ngành hàng
Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt: Cần đánh giá toàn diện hơn |
Dự thảo đề xuất áp dụng mức thuế suất 10% với nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml. |
Sáng 17/10, Viện nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung Ương (CIEM), tổ chức công bố báo cáo đánh giá tác động dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), trong đó quy định bổ sung nước giải khát có đường theo tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB.
Dự thảo đề xuất áp dụng mức thuế suất là 10%.
Quy mô sản xuất bị co hẹp, giá trị sản xuất đều giảm
Theo CIEM, khi áp dụng thuế TTĐB 10% đối với nước giải khát có đường tác động cụ thể tới ngành nước giải khát như quy mô sản xuất bị co hẹp, giá trị sản xuất đều giảm.
Đánh giá tác động gián tiếp tới 24 ngành trong nền kinh tế khi áp thuế sẽ làm giá trị sản xuất giảm hơn 55.500 tỉ đồng và giá trị tăng thêm giảm 51.077 tỉ đồng. Từ đó, GDP của toàn nền kinh tế giảm 0,448%, tương đương 42.570 tỉ đồng.
Việc áp thuế giúp nguồn thu ngân sách tăng, đặc biệt là ở năm đầu tiên. Bao gồm thuế gián thu tăng 8.500 tỉ đồng, nhưng thuế trực thu (thuế thu nhập doanh nghiệp) lại giảm 2.152 tỉ đồng. Song ở những chu kỳ sau (từ năm thứ 2 tính thuế), thuế gián thu sẽ giảm ở mức 0,496%, tương đương gần 5.000 tỉ đồng.
Đối với doanh nghiệp, do thu hẹp sản xuất khiến cho khấu hao tài sản giảm 0,654%, tương đương 7,767 tỉ đồng; lợi nhuận trước thuế giảm 0,561%, tương đương 8.773 tỉ đồng. Người lao động trong doanh nghiệp giảm 0,031%, tương đương mất đi giá trị là 1.994 tỉ đồng và thu nhập của người lao động giảm 0,60%, tương đương hơn 69.000 tỉ đồng.
Các doanh nghiệp ngành nước giải khát đề xuất, chưa áp dụng thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường bởi thời gian qua chịu liên tiếp những cú “sốc” về dịch bệnh và biến động khó lường của nền kinh tế.
Đánh thuế như vậy liệu có công bằng?
Toàn cảnh hội thảo sáng 17/10. |
Bà Chu Thị Vân Anh, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho rằng, khi chưa có đầy đủ các đánh giá tác động, VBA kiến nghị xem xét cân nhắc chưa nên bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB tại lần sửa đổi này.
Một số doanh nghiệp cho biết thêm, nếu phân tích chuyên sâu, lượng đường gây ra bệnh béo phì không hoàn toàn đến từ nước giải khát. 5g/100ml không thể là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh béo phì. Trên thị trường có nhiều mặt hàng khác có hàm lượng đường cao như trà sữa, bánh kẹo, bánh trung thu… Vậy có nên đánh thuế và đánh thuế như vậy liệu có công bằng?
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam cho rằng, những mặt hàng khác có đường không bị đánh thuế, bởi lượng tiêu dùng sử dụng không nhiều bằng nước giải khát. Người Việt Nam đang sử dụng nước giải khát nhiều lên, việc này hoàn toàn ảnh hưởng tới sức khỏe và môi trường.
Theo bà Trần Thị Nhị Hà, Phó trưởng ban Dân nguyện (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội), khi đề xuất ý kiến đánh thuế TTĐB, có nhiều phản hồi từ dư luận và cử tri, tuy nhiên bà thừa nhận “Có đánh thuế hay không?” là một câu hỏi khó trả lời.
"Việc đánh thuế chủ yếu để điều tiết hành vi người tiêu dùng và áp dụng với mặt hàng hóa gây tác động xấu tới sức khỏe và môi trường. Cần phải đánh giá nước giải khát có đường có ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng hay không, từ đó có cơ sở để đưa ra quyết định áp dụng thuế với mặt hàng này”, bà Hà bày tỏ.
Doanh nghiệp nước giải khát Việt Nam nỗ lực đầu tư công nghệ, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn |
Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt: Cần đánh giá toàn diện hơn |