30 lô sầu riêng Việt Nam xuất khẩu bị cảnh báo: Cần làm gì để trái sầu riêng tạo thị trường bền vững?
30 lô sầu riêng Việt Nam xuất khẩu bị cảnh báo. Ảnh minh hoạ |
Sầu riêng nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn
Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) vừa có văn bản yêu cầu Sở NN-PTNT các tỉnh Tiền Giang, Lạng Sơn, Đồng Nai, Đắk Lắk, Hà Nội và các doanh nghiệp, cơ quan liên quan thực hiện truy xuất các lô hàng sầu riêng xuất khẩu bị Trung Quốc cảnh báo.
Văn bản gửi đi nêu rõ, Cục Bảo vệ thực vật nhận được thông tin cảnh báo từ Vụ Kiểm dịch Động - Thực vật, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) về việc 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định an toàn thực phẩm của quốc gia này.
Theo yêu cầu của GACC và quy định của Việt Nam về truy xuất an toàn thực phẩm đối với các lô hàng bị cảnh báo, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị các doanh nghiệp có lô hàng vi phạm phải tuân thủ các nội dung quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN-PTNT.
Ngoài ra, các doanh nghiệp phải điều tra nguyên nhân, truy xuất các lô hàng bị cảnh báo, rà soát toàn bộ hồ sơ, quy trình sản xuất, thu gom, xuất khẩu của doanh nghiệp (cung cấp hợp đồng thu gom lô hàng, danh sách cơ sở thu gom, vườn trồng cung cấp lô hàng, danh mục thuốc BVTV và phân bón đã sử dụng tại vườn trồng cung cấp lô hàng);
Tổ chức thực hiện các hành động khắc phục và áp dụng các biện pháp ngăn chặn tránh tái diễn vi phạm. Sau đó, gửi báo cáo kết quả về Cục Bảo vệ thực vật trước ngày 1/4/2024.
Cục Bảo vệ thực vật yêu cầu Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, Sở NN-PTNT các tỉnh Tiền Giang, Lạng Sơn, Đồng Nai, Đắk Lắk và Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đôn đốc, giám sát các doanh nghiệp thực hiện truy xuất các lô hàng bị cảnh báo.
Cùng với đó, thẩm tra báo cáo về nguyên nhân lô hàng bị cảnh báo và biện pháp khắc phục của doanh nghiệp; rà soát điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có lô hàng bị cảnh báo theo quy định của pháp luật.
Báo cáo kết quả kèm hồ sơ liên quan phải gửi về Cục Bảo vệ thực vật để có cơ sở phản hồi tới GACC trước ngày 3/4/2024, tránh việc nước nhập khẩu có các kết luận ảnh hưởng tới xuất khẩu nông sản.
Xác định cạnh tranh bằng chất lượng chứ không phải bằng số lượng
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan. |
Phát biểu tại một diễn đàn năm 2023, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan thẳng thắn nhìn nhận những bức xúc của ngành nông nghiệp nói chung cũng như ngành hàng sầu riêng. Bộ trưởng cho hay: “Khi vừa ký Nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc, tôi đã hình dung được câu chuyện sau đó, lường trước được những khó khăn. Trước đây, có nhiều ngành hàng tiềm năng, ban đầu doanh nghiệp, người dân rất hào hứng phát triển nhưng sau đó lại rơi vào bi kịch, vì chúng ta nghĩ về thời cơ nhiều hơn là nhận diện khó khăn, thách thức”.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn thể hiện qua “hợp tác-liên kết-thị trường”, do đó, phải tổ chức lại cấu trúc ngành hàng bền vững, trong đó phải có sự hiện diện của cả sản xuất và tiêu thụ. Việc tổ chức lại sản xuất không đơn thuần chỉ là cải tiến kỹ thuật gieo trồng mà là tạo ra không gian để nông dân, doanh nghiệp ngồi lại với nhau.
Muốn ngành hàng phát triển hiệu quả phải bắt đầu từ sản xuất, nghĩa là doanh nghiệp đến với người dân ngay từ khi xuống giống để hướng dẫn, tạo niềm tin. Còn nếu liên kết từ khâu tiêu thụ thì lại rơi vào mối quan hệ thuận mua vừa bán. Các doanh nghiệp cần thấm nhuần tư tưởng kinh doanh, buôn bán sầu riêng không chỉ vì lợi nhuận mà còn là trách nhiệm với nền nông nghiệp quốc gia; bán một trái sầu riêng ra nước ngoài còn mang cả hình ảnh quốc gia. Vì vậy, cần chuyển từ quan hệ thuận mua vừa bán sang quan hệ hợp tác.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn ngày càng có sự liên kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, các hiệp hội, vựa thu mua, nhà vườn để phát triển bền vững ngành sầu riêng của Việt Nam.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương cho rằng, muốn trái sầu riêng có thị trường bền vững, mọi chủ thể trong chuỗi giá trị cần phải chung sức, chung lòng, hợp tác gắn bó để cùng đi lên. Nông dân, doanh nghiệp, địa phương có vùng trồng và cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học cần liên kết trong tổng thể không gian phát triển ngành hàng.
Ông Trần Đình Trọng, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Công Bằng Ea Tu đề xuất, để ngành hàng sầu riêng phát triển bền vững, các doanh nghiệp, hợp tác xã cần liên kết với người nông dân từ khâu chọn giống, chăm sóc đến bao tiêu sản phẩm. Có như vậy mới ngăn chặn được tình trạng tranh mua, tranh bán, nhất là tình trạng đặt cọc thu mua vườn sầu riêng rồi bán lại cho các doanh nghiệp lớn hơn để hưởng chênh lệch, làm náo loạn thị trường dẫn đến tranh chấp, gây thiệt hại cho người nông dân.
Ông Nguyễn Thanh Bình – Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng lưu ý: “Một số nước như Hàn Quốc thông báo nếu vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm thì cấm vĩnh viễn luôn chứ không phải đóng cửa tạm thời để khắc phục. Mong doanh nghiệp của Việt Nam phải xác định rõ ràng mình làm thật, làm trung thực, tuân thủ chặt chẽ quy định của thị trường nước ngoài thì mới tồn tại và phát triển được”.
Bà Ngô Tường Vy – Tổng Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (tỉnh Bến Tre), cho biết vấn đề lớn nhất của ngành hàng sầu riêng Việt Nam hiện nay là chưa có bất cứ quy định nào để kiểm soát chất lượng. Trong khi nhìn sang Thái Lan, nông dân được tập huấn hướng dẫn rất kỹ về quy trình canh tác, từ khi cây ra hoa, xả nhụy đã phải ghi chép, buộc dây đánh dấu, khi đủ ngày phải cắt trái kiểm tra, nếu chất lượng đảm bảo mới được phép cắt bán. Chính vì cách quản lý này nên sầu riêng của Thái Lan có chất lượng đồng nhất.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung cho biết Bộ cũng nhận được phản ánh từ các doanh nghiệp xuất khẩu về tình trạng sầu riêng bị cắt non, chất lượng không đảm bảo, sang đến thị trường nhập khẩu bị thối hỏng phải đổ bỏ. Dù số lượng các lô hàng này không nhiều nhưng tác động rất tiêu cực đến uy tín, hình ảnh sầu riêng Việt Nam. Giá trị xuất khẩu rất lớn, đầu ra tiêu thụ tương đối ổn định nên vấn đề lớn nhất của ngành hàng sầu riêng là phải giữ được thị trường xuất khẩu ổn định, bền vững và xác định phải cạnh tranh với các nước khác bằng chất lượng chứ không phải bằng số lượng.
“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhận thức rất rõ những vấn đề của ngành sầu riêng và đã yêu cầu các đơn vị khẩn trương xây dựng quy trình canh tác, tiêu chuẩn thu hoạch sầu riêng phải đáp ứng yêu cầu về kích cỡ, màu sắc, chất lượng ra sao, chứ không có kiểu “thu hoạch một dao”, non hay già đều cắt hết sẽ tổn hại đến uy tín, thương hiệu sầu riêng Việt Nam ở các thị trường xuất khẩu”, ông Trung nói.