Xuất khẩu cao su trong tháng 9 tăng trưởng ấn tượng
Xuất khẩu cao su trong tháng 9 tăng trưởng ấn tượng. |
Xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 9 ghi nhận mức tăng trưởng mạnh. Theo ước tính của Cục Xuất nhập khẩu, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 250 nghìn tấn cao su với giá trị 424 triệu USD, tăng 19% về lượng và 23% về giá trị so với tháng 8. So với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu cao su tháng 9 tăng 29,2% về lượng và tăng mạnh 68,4% về giá trị. Giá bình quân xuất khẩu cao su đạt mức 1.697 USD/tấn, tăng 30% so với tháng 9 năm trước.
Tính chung 9 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu khoảng 1,37 triệu tấn cao su với giá trị 2,2 tỷ USD. Mặc dù lượng xuất khẩu giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước, giá trị xuất khẩu lại tăng 16,4%, cho thấy sự gia tăng về giá xuất khẩu giúp bù đắp cho sự sụt giảm về lượng.
Về chủng loại, tính đến hết tháng 8, hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280) vẫn là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 54,81% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, đạt 615,06 nghìn tấn, trị giá 964,92 triệu USD, giảm 24% về lượng và giảm 12,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 99,66% tổng lượng hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp xuất khẩu của cả nước, với 612,98 nghìn tấn, trị giá 958,82 triệu USD, giảm 24,1% về lượng và giảm 12,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu một số chủng loại cao su tăng trưởng tốt cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2023 như: Latex, SVR 10, SVR 3L, SVR CV60, RSS3, SVR CV50, RSS1, cao su tái sinh, SVR 5, RSS4, Skim block…
Tuy nhiên, xuất khẩu một số chủng loại cao su vẫn sụt giảm so với cùng kỳ năm 2023, gồm: SVR 20, cao su tổng hợp, cao su dạng Crếp…
Điểm sáng của xuất khẩu cao su trong năm nay là giá tăng cao so với năm ngoái, qua đó mở ra triển vọng tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu cho ngành cao su Việt Nam.
Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), tuy sản lượng xuất khẩu cao su của Việt Nam giảm đáng kể nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng là nhờ giá xuất khẩu cao su thời gian qua luôn ở mức cao.
Thị trường cao su toàn cầu dự báo thiếu hụt tới 1,24 triệu tấn cao su tự nhiên trong năm nay, cao hơn mức 1,12 triệu tấn mà hiệp hội này dự báo vào tháng 5/2024. Tâm lý lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên thị trường, đặc biệt là tình trạng thu hẹp sản xuất tại các quốc gia xuất khẩu chính, trong đó có Việt Nam, khiến giá cao su thế giới và nội địa tăng từ đầu năm đến nay.
Giá mủ cao su trong nước cũng tăng mạnh theo xu hướng thế giới. |
Ở thị trường nội địa, trong tháng 9, giá mủ cao su trong nước cũng tăng mạnh theo xu hướng thế giới.
Ngày 6/10, Công ty Cao su Mang Yang báo giá thu mua mủ nước loại 1 tăng 9 đồng: 447 đồng/TSC/kg; mủ nước loại 2 tăng 11 đồng: 443 đồng/TSC/kg; Mủ đông tạp loại 1 tăng 12 đồng: 461 đồng/DRC/kg; mủ đông tạp loại 2 tăng 10 đồng: 406 đồng/DRC/kg.
Công ty Cao su Phú Riềng thu mua mủ nước ở mức 470 đồng/TSC/kg; giá mủ tạp 430 đồng/DRC/kg ổn định.
Công ty Cao su Bà Rịa hôm nay ổn định. Giá thu mua mủ nước ở mức 450 đồng/TSC/kg áp dụng cho độ TSC từ 30 trở lên; 445 đồng/TSC/kg áp dụng cho độ TSC từ 25-29; 440 đồng/TSC/kg áp dụng cho độ TSC từ 20-24.
Mủ tạp giá ổn định: Mủ nguyên liệu, mủ chén có độ DRC 50% có giá 21.000 đồng/kg; mủ nguyên liệu; mủ chén có độ DRC từ 45- 49% có giá 19.500 đồng/kg; mủ chén có độ DRC từ 35- 45% có giá 15.700 đồng/kg.
Tại Công ty cao su Bình Long thu mua 386 - 396 đồng/TSC, mủ tạp có độ DRC 60% có giá 14.000 đồng/ký, giá ổn định.