Thiếu hụt nguồn cung khiến giá cao su lập đỉnh sau 13 năm
Thiếu hụt nguồn cung khiến giá cao su lập đỉnh sau 13 năm. |
Giá mủ cao su nguyên liệu tại các tỉnh, thành phố tăng so với tháng trước
Trong nước, Công ty Cao su Phú Riềng niêm yết giá mủ tạp tăng mạnh 40 đồng/DRC, hiện lên mức 430 đồng/DRC; giá mủ nước đạt mức 470 đồng/TSC - tăng 35 đồng/TSC.
Giá mủ nước tại Công ty Mang Yang hôm nay đối với mủ nước, gia thu mua đã nâng lên mức 434 - 438 đồng/TSC - tăng từ 8 - 14 đồng/TSC so với ngày hôm qua 2/10; thu mua mủ đông tăng từ 17 – 18 đồng/DRC, chốt ở giá 396 - 449 đồng/DRC.
Giá thu mua cao su hôm nay tại Công ty Cao su Bà Rịa không biến động. Cụ thể, với mủ nước, mủ đông DRC từ 35-44% vẫn giữ nguyên lần lượt ở mức 404 - 414 đồng/TSC, 14.800 đồng/kg và mủ nguyên liệu giá từ18.600 - 20.000 đồng/kg.
Cùng giữ nguyên giá, Công ty cao su Bình Long thu mua mủ nước vẫn ở mức 386 – 396 đồng/TSC; giá mủ tạp (DRC = 60%) 14.000 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, giá cao su RSS3 tại thời điểm khảo sát trên Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM) cập nhật hôm nay 3/10/2024, lúc 09h 25' điều chỉnh tăng nhẹ.
Trên sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su tự nhiên hiện không biến động so với phiên giao dịch hôm qua ở các hợp đồng giao tháng.
Giá cao su trên thị trường quốc tế tiếp tục ghi nhận mức tăng so với phiên trước đó. Nguyên nhân chủ yếu đến từ nhu cầu tăng cao tại các thị trường châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ- nơi mà các ngành công nghiệp sản xuất lốp xe và đồ tiêu dùng đang phục hồi mạnh mẽ.
Từ đầu tháng 9, giá mủ cao su nguyên liệu tại các tỉnh, thành phố đã tăng so với tháng trước đó, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, nhận định trong một báo cáo phát hành một tháng trước.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, lo ngại về nguồn cung gián đoạn tại các khu vực sản xuất chính ở Đông Nam Á do lượng mưa lớn từ bão Yagi ở miền Bắc và Đông Bắc Thái Lan cũng như Việt Nam – hai thị trường xuất khẩu cao su hàng đầu – đã thúc đẩy giá cao su đi lên.
“Tình hình nguồn cung thắt chặt đẩy giá cao su lên cao”, Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) nhận định trong báo cáo vào cuối tháng 8.
Triển vọng tăng trưởng cho ngành cao su Việt Nam
Thị trường cao su toàn cầu dự báo thiếu hụt tới 1,24 triệu tấn cao su tự nhiên trong năm nay. |
Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cao su trong tháng 8.2024 đạt khoảng. 209.726 tấn, trị giá gần 345 triệu USD, tăng 12,7% về lượng và tăng 12,0% về trị giá so với tháng 7.2024.
Giá bình quân xuất khẩu cao su ở mức 1.637 USD/tấn, giảm khoảng 1,1% so với tháng 7.2024, nhưng tăng khoảng 26,8% so với tháng 8.2023.
Lũy kế 8 tháng năm 2024, xuất khẩu cao su đạt khoảng 1,12 triệu tấn, trị giá 1,76 tỷ USD, giảm 7,2% về lượng, nhưng tăng 8,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Dự báo, xuất khẩu cao su cả năm 2024 dự báo sẽ đạt khoảng 3-3,5 tỷ USD, tăng 200-400 triệu USD so với năm 2023.
Trong 7 tháng đầu năm , các chủng loại cao su xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu vẫn là hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280), Latex, SVR 10, SVR 3L, SVR CV60, RSS3, SVR CV50, SVR 20...
Trong đó, hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280) vẫn là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất; chiếm 55,31% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước; với 504,8 nghìn tấn, trị giá 781,18 triệu USD, giảm 23,2% về lượng và giảm 12,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Về thị trường, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 99,63% tổng lượng hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp xuất khẩu của cả nước, với 502,93 nghìn tấn, trị giá 775,77 triệu USD, giảm 23,2% về lượng và giảm 12,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Về giá xuất khẩu, 7 tháng đầu năm 2024, giá bình quân xuất khẩu phần lớn các chủng loại cao su đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2023 như: RSS1 tăng 26,9%; Latex tăng 26,3%; Skim block tăng 25%; RSS3 tăng 23%; SVR 10 tăng 18,9%; SVR 5 tăng 18,7%; SVR CV50 tăng 18,3%...
Thị trường cao su toàn cầu dự báo thiếu hụt tới 1,24 triệu tấn cao su tự nhiên trong năm nay, cao hơn mức 1,12 triệu tấn mà hiệp hội này dự báo vào tháng 5/2024. ANRPC cũng cảnh báo tình trạng thiếu hụt nguồn cung cao su tự nhiên trên toàn cầu có thể kéo dài đến năm 2028 với mức thiếu hụt vào khoảng 600.000 - 800.000 tấn/năm.
Tâm lý lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên thị trường, đặc biệt là tình trạng thu hẹp sản xuất tại các quốc gia xuất khẩu chính, trong đó có Việt Nam, khiến giá cao su thế giới và nội địa tăng từ đầu năm đến nay. Sự chuyển pha thời tiết giữa El Nino và La Nina đã tác động xấu đến mùa vụ.
Mưa lớn liên tục gây ra ngập úng tại các vườn cao su, vừa làm chậm tiến độ thu hoạch vừa làm giảm sản lượng cao su cung ứng ra thị trường thế giới. Tại các quốc gia sản xuất cao su hàng đầu thế giới như Thái Lan, Indonesia đều ghi nhận sản lượng sụt giảm thời gian qua.
Trong thời gian tới, giá cao su được dự báo sẽ ở mức cao bởi nhu cầu phục vụ ngành sản xuất săm lốp phục hồi; trong khi sản lượng tại Thái Lan và Indonesia dự báo giảm do chuyển giao thời tiết giữa El Nino và La Nina.