Vì sao nông dân đua nhau hái cà phê tươi để bán?
Giá cà phê bị ảnh hưởng mạnh bởi yếu tố đầu cơ nên khó dự đoán Giá cà phê trong nước và thế giới cùng giảm Nhiều yếu tố thuận lợi thúc đẩy giá cà phê tăng trong tuần này |
Vì sao nông dân đua nhau hái cà phê tươi để bán? |
Mặc dù vụ thu hoạch cà phê mới chỉ bắt đầu, nhưng theo Báo Tuổi Trẻ thông tin, hơn một tuần nay, bà Nguyễn Thị Biên (Bù Gia Mập, Bình Phước) cho biết đã bán ra hơn 1 tấn cà phê tươi với giá 20.500 - 21.000 đồng/kg. Theo bà Biên, giá trên cao gấp 4 lần những năm trước nên gia đình tranh thủ hái nhanh, bán sớm, thay vì chọn để lại, phơi khô làm nhân như mọi năm.
Ông Đinh Văn Quyết (Gia Nghĩa, Đắk Nông) cho biết đã bán ra hơn 4 tấn cà phê tươi với giá 22.000 - 22.500 đồng/kg, rẻ hơn khoảng 500 - 1.000 đồng/kg so với một số vùng nhưng gia đình vẫn muốn hái sớm, bán tươi.
Nhiều đại lý tại khu vực Tây Nguyên xác nhận do giá đang tốt hơn hẳn mọi năm nên nhiều nhà vườn đang có tâm lý thu hoạch sớm để bán tươi. Tuy nhiên, việc thu hoạch sớm dẫn đến tình trạng tỉ lệ trái chín chưa nhiều.
Ông Nguyễn Nam Hải, chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), cho biết tháng 12 mới vào chính vụ nên mùa vụ cà phê trong nước còn dài, việc nông dân chọn bán tươi sớm chủ yếu do tâm lý sợ giá giảm khi vào chính vụ.
Thu hoạch và chế biến được coi là hai mắt xích quan trọng có ảnh hưởng nhiều nhất đến chất lượng cà phê trong toàn bộ chuỗi cà phê.
Trong báo cáo khảo sát tình trạng thu hoạch, chế biến và chất lượng cà phê khu vực nông hộ trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên những năm gần đây của Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho thấy việc hái quả xanh đã làm giảm đáng kể chất lượng cà phê nhân, nhất là các đợt thu hái đầu vụ.
Bên cạnh đó, thời gian gần đây các tỉnh Tây Nguyên đã xảy ra nhiều vụ trộm cắp khiến nông dân lo lắng.
Trong quá trình hái trộm, kẻ gian giật gãy cành cây cà phê. |
Tại tỉnh Gia Lai, nhiều chủ vườn cà phê bị trộm “viếng thăm” gây nhiều thiệt hại. Bà Đinh Thị Kim Anh (thôn Mook Trang, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) kể bà có vườn cà phê 2,2 ha, 10 năm tuổi; bị kẻ gian vào vườn bẻ cành, hái trộm hết 41 cây trĩu quả. Trung bình mỗi cây cho 25-30 kg quả tươi, với giá trên 20.000 đồng/kg, gia đình bà thiệt hại 20 – 25 triệu đồng.
“Trước đây nhà tôi bị trộm nhưng chủ yếu là do nhóm trẻ nhỏ thực hiện và không đáng kể. Giờ thì trộm có tổ chức và chuyên nghiệp hơn” – bà Anh nhận xét.
Không chỉ ra tay ngoài rẫy, kẻ gian còn nhòm ngó nhà dân sơ hở. Đơn cử, sáng 31-10, khi ngủ dậy, ông Trần Văn Luyến (55 tuổi; ngụ xã Cư Êbur, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) tá hỏa khi nhiều bao cà phê tươi ở góc sân “không cánh mà bay”. Camera của gia đình thể hiện 2 đối tượng đi xe máy đã cắt lưới để vào sân rồi lần lượt vác đi.
“Các đối tượng chở các bao cà phê rời đi và quay lại nhiều lượt để trộm thêm, tổng cộng hơn 600 kg. Sau khi trình báo, lực lượng công an đến lấy lời khai, trích xuất camera an ninh để làm rõ” – ông Luyến nói.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Vicofa cho biết, cả thế giới hầu như chỉ có duy nhất Việt Nam còn nguồn cung cà phê Robusta, nên hầu như các nhà mua thế giới đều tìm đến Việt Nam để khai thác và mua hàng. Đối với cà phê Việt Nam, kể cả người bán lẫn người mua đều phải thận trọng, do niên vụ cà phê 2023-2024 của Việt Nam tiếp tục mất mùa, dẫn đến nguồn cung hạn chế nên chưa thể khẳng định được điều gì về giá. Mặt khác, khi giá cà phê có nhiều biến động sẽ có nhiều rủi ro cho nhà xuất khẩu.
Phân tích các yếu tố dẫn đến tăng giá cà phê, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Vicofa cho rằng, có nhiều yếu tố tác động lên giá cà phê, do diện tích cây cà phê giảm nhưng quan trọng nhất vẫn do biến đổi khí hậu làm năng suất cây trồng giảm dẫn đến giảm sản lượng và tồn kho vụ trước chuyển qua thấp. Ba yếu tố trên cùng lúc tác động khiến nguồn cung bị thiếu hụt trong khi nhu cầu cà phê trong nước và trên toàn cầu không giảm thậm chí tăng. Thấy trước tình hình có thể gây rủi ro, Vicofa đã cảnh báo tới các doanh nghiệp hội viên tránh hiện tượng bán xa và mua xa.
Ông Hải cho rằng, trong kinh doanh luôn có những rủi ro nhất định nhưng với doanh nghiệp nào tính toán được thì vẫn đạt hiệu quả, còn doanh nghiệp nào không tính toán mà bán xa, mua xa thì gặp rủi ro cao. Không phải hôm nay giá cà phê mới tăng mà nó đã tăng ngay từ đầu vụ và chưa có năm nào giá cà phê lại cứ tăng liên tục như năm nay. Do vậy, doanh nghiệp phải kinh doanh phải tính toán kinh như thế nào cho hiệu quả.
“Đã qua mấy chục năm giá cà phê luôn ở mức thấp ngang với giá thành chỉ có năm nay là cao nhất trong lịch sử ngành hàng, có thể rồi đây giá cà phê sẽ giảm khi nguồn cung dồi dào. Dù vậy, trước tiên là chúng ta phải mừng cho người nông dân, bởi bà con vẫn là người chịu thiệt thòi. Đối với doanh nghiệp thì kinh doanh luôn có những yếu tố gây rủi ro cao họ phải tự tính toán”, ông Hải nhấn mạnh.
Giá cà phê mất 14.000 đồng/kg trong tháng 10/2024, đâu là nguyên nhân? |
Giá cà phê vụ mới sẽ diễn biến thế nào? |
Giá cà phê giảm tuần thứ 5 liên tiếp, vụ thu hoạch mới đối mặt nhiều nỗi lo |