Vì sao giá cau tươi tăng chóng mặt?
Hiện giá cau được thu mua trong khoảng 80.000 - 90.000 đồng/kg. |
Giá cau lên tới 80.000 - 90.000 đồng/kg
Giá cau tươi tại các địa phương như Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Tây Ninh, Tiền Giang, Kiên Giang hiện... dao động từ 80.000 - 85.000 đồng/kg, trong khi tại miền Bắc như Bắc Ninh có thể lên đến 90.000 đồng/kg do nguồn cung hạn chế. Một quầy cau nặng trung bình 13 - 15 kg, giúp nhà vườn thu về tiền triệu. Mức giá hiện tại cao gấp 2 - 3 lần so với các năm trước, giúp cho nhiều nông dân tăng thu nhập.
Bà Phạm Thị Dịu (Đắk Lắk) cho biết mọi năm thời điểm này chỉ tập trung giữ vườn cà phê sắp thu hoạch để phòng kẻ gian thì nay bà còn phải canh thêm mấy chục cây cau trong nhà. Lý do giá cao tăng phi mã, lên tới 90.000 – 100.000 đồng/kg.
"10 ngày trước, giá vẫn còn 70.000- 75.000 đồng/kg tưởng là đỉnh rồi và thương lái cân cau cả buồng, không cần nhặt trái riêng. Không ai ngờ giá cau có thể cao như thế này. Chỉ vài chục cây cau mà bán được mấy chục triệu đồng. Tôi nhớ vài năm trước, có lúc cau chỉ 2.000 đồng/kg, bán không ai mua" – bà Dịu nhớ lại.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, ngụ huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi có vườn cau hơn 400 gốc đang cho trái đồng loạt. Những ngày đầu tháng 9, ông Tuấn bán gần 500kg cau chỉ ở mức 65.000-68.000/kg nhưng hiện đã lên 80.000-85.000 đồng/kg.
"Cách đây gần 1 tuần, tôi bán tiếp 300kg với giá 78.000 đồng/kg. Bây giờ giá đã lên hơn 80.000 đồng. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy giá cau tăng từ đầu vụ đến tận bây giờ. Với mức giá này thì năm nay nhiều nhà vườn thu hàng trăm triệu đồng" - ông Tuấn nói.
Theo báo cáo tổng hợp từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT), trong tháng 8/2024, xuất khẩu cau của Việt Nam đạt 9,28 triệu USD, tăng 1.240% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 8 tháng của năm 2024 đạt 21,2 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 51,3%. Cau trở thành mặt hàng xuất khẩu đứng thứ 13 của Việt Nam trong 8 tháng qua; đứng trên cả hạt hạnh nhân, quả vải, macca và chôm chôm.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, do nguồn cung hạn chế nên Việt Nam cũng tăng nhập khẩu cau. Trong tháng 8 đạt gần 3,3 triệu USD, tăng 223% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế 8 tháng đạt 8,9 triệu USD, tăng 324% so với cùng kỳ năm 2023. Nhập khẩu cau của Việt Nam còn cao hơn cả dâu tây.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký VINAFRUIT, cho biết: Cau chưa phải là đối tượng xuất khẩu chính ngạch qua thị trường Trung Quốc. Hiện tại, sản phẩm mới chỉ xuất khẩu qua Trung Quốc theo hình thức trao đổi giữa cư dân biên giới. Chính vì vậy, sản phẩm này vẫn tiềm ẩn rủi ro.
Giá cau tươi bình thường phổ biến chỉ từ 20.000 - 30.000 đồng/kg. Lần sốt giá cau tươi gần nhất là vào tháng 9.2021, lên tới 70.000 đồng/kg. Ở thời điểm đó các chuyên gia, cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người dân không nên chạy theo cơn sốt giá nhất thời vì sản phẩm chưa được phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.
Đâu là nguyên nhân?
Trung Quốc tăng nhập khẩu, giá cau tươi tăng cao kỷ lục. Ảnh Hoàng Nguyên |
Một số chủ vựa cau ở Đắk Lắk cho biết, giá cau đã tăng liên tục khoảng 3 tháng qua nhưng gần đây lên cơn sốt do Trung Quốc thiếu nguồn cung nên tăng cường nhập khẩu cau từ Việt Nam và một số nước lân cận trong khu vực ASEAN. Cau tươi được các cơ sở mua về sấy khô trước khi xuất sang Trung Quốc. Người Trung Quốc mua cau khô về tiếp tục chế biến thành kẹo cau. Thời điểm này, Trung Quốc tăng nhập hàng để chuẩn bị cho mùa tiêu thụ cuối năm.
Ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc một HTX nông nghiệp ở Gia Lai, cho hay hiện Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) có nhu cầu cao về cau nên đẩy giá lên nhanh, vào mùa thu hoạch năm ngoái cau còn ở mức 45.000 – 60.000 đồng/kg. Ông nói rằng cau Tây Nguyên được chuộng hơn khu vực ĐBSCL vì hương vị đậm đà. "Với giá này, trồng cau lãi còn hơn cả cà phê và sắp bằng sầu riêng trong khi gần như không phải chăm sóc gì!" – ông Hai nói.
Trước việc giá cau tăng đột biến, ông Nguyễn Văn Mười, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT), đã tìm hiểu một số đầu mối tiêu thụ tại Trung Quốc và được biết họ đang tăng mua cau từ Việt Nam khi các nguồn cung khác như Thái Lan, Philippines và nguồn cung nội địa là đảo Hải Nam bị hụt.
Về mục đích mua cau, ông Mười cho hay chủ yếu để làm kẹo hoặc ăn với trầu. Ông Mười cũng nói thêm, quả cau có thị trường hẹp. Ví dụ, thị trường trong nước giờ hầu như không còn người ăn trầu cau, chỉ dùng vào các dịp lễ Tết, cưới hỏi. Do đó, giá cao cũng thất thường.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây cau mang lại, thời gian gần đây, nhiều người đã đầu tư kinh phí mua giống, thậm chí lên núi thuê đất để trồng cau.
Tuy nhiên, theo các ngành chức năng, đầu ra trái cau chưa ổn định, chủ yếu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, nên người dân không nên ồ ạt tăng diện tích mà nên trồng xen canh với các loại cây khác, để tránh rủi ro và cho kinh tế cộng hưởng.
Phó Bí thư Huyện ủy Sơn Tây Đinh Quang Ven cho biết, so với các cây trồng khác trên địa bàn huyện Sơn Tây thì cây cau là cây mang lại thu nhập ổn định nhất hiện nay. Tuy nhiên, địa phương cũng sẽ phải nỗ lực tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm này. Đồng thời, địa phương cũng khuyến khích người dân nên trồng xen canh một số cây trồng khác dưới tán cau như ổi, sả, dứa... để không bị đứt quãng thu nhập khi cau bị rớt giá.